Mưa ngâu - hiện tượng thời tiết của ngày 7/7 âm lịch hàng năm kể cho chúng ta nghe câu chuyện tuyệt vời về tình yêu thấm đẫm nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ.
Mưa ngâu tháng 7 kể cho chúng ta nghe câu chuyện của Ngưu Lang- Chức Nữ. Ảnh minh họa |
Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu, Chức Nữ là cô gái dệt vải. Chức Nữ là con gái của Ngọc Hoàng được cử xuống hạ giới theo diện ‘biệt phái’, nắm bắt tình hình của trần thế để báo cáo lên thiên đình.
Khi gặp Ngưu Lang, cả hai yêu nhau say đắm, như hình với bóng, quấn quýt bên nhau thân xác rã rời, bỏ bê công việc.
Biết tin đó, Ngọc Hoàng nổi giận, quyết định đày Ngưu Lang - Chức Nữ đến ‘đầu sông cuối sông Ngân Hà’, mỗi năm chỉ cho gặp nhau đúng một lần vào đêm Thất Tịch (ngày 7/7 Âm lịch).
Do địa hình cách trở, thương cảm tình duyên, để hai người nối lại tình xưa, những con quạ đen đã cắn vào đuôi nhau kết nên nhịp cầu - đó là cầu Ô Thước - cho hai người bước sang gặp nhau, nối lại sợi tơ hồng đứt đoạn.
Nhưng cả năm mới được gặp lại, do cảm xúc dâng trào, tủi hờn muôn lối, nên hai người chỉ biết ôm nhau rồi khóc, châu lệ tuôn rơi.
Và những giọt nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ rơi xuống trần thế trong đêm Thất Tịch ấy, dân gian chúng ta gọi là mưa Ngâu.
Nghe tiếng mưa đã buồn rồi, còn giọt mưa Ngâu lại càng buồn hơn. Để rồi, chuyện tình chàng chăn trâu và cô gái dệt vải cũng trở thành cảm hứng thi ca trong nhiều tác phẩm đương đại.
Điển hình như ca khúc "Chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ" của Mạc Phong Lĩnh với "Tủi thân chữ yêu không thành; cả đôi khóc than duyên tình; Mà taị sao nhịp khổ đau không thấu trời xanh". Khi phải xa người yêu, nhạc sĩ Lam Phương cũng mượn câu chuyện này để viết ca khúc Thu Sầu, ông viết "Người từ nghìn dặm về mang nỗi sầu, Nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau..."
Rồi cố nhạc sĩ Thanh Tùng cũng lấy cảm hứng từ chuyện tình dang dở nói trên để sáng tác bài mưa Ngâu mà lứa tuổi 8x ai cũng thuộc lòng...