(ĐSPL) – Gần 2 tháng sau sự cố mất đồ, Vietnam Airlines không xác định được hành lý mất ở đâu, khâu nào. Trong khi đó, hành khách không chấp nhận mức bồi thường 800 USD mà đề nghị mức mức bồi thường là 1.280 USD.
>> Bị mất hành lý, khách hàng nghi ngờ Vietnam Airlines có kẽ hở
>> Vụ mất hành lý: VNA đề nghị nâng mức bồi thường lên gấp đôi
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin về phản ánh của anh Trần Mạnh D. (phường Đức Thắng, quận Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, hai người thân của anh D. đi trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines mang số hiệu VN36 cất cánh từ Frankfurt (Đức) tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 14/7/2014.
Tuy nhiên, khi xuống sân bay, người thân của anh D. chỉ nhận được 3/4 kiện hành lý. Kiện đồ bị thất lạc mang số hiệu VN 131118, bao gồm: 2 bếp từ, 2 bộ dao kéo làm bếp, 1 balo, 3 bộ quần áo, mỹ phẩm, xà phòng và nhiều đồ cá nhân khác với tổng giá trị là 1.850 euro.
Kể từ ngày 17/7 cho đến nay, Đội tìm kiếm hành lý thất lạc - Sân bay Quốc tế Nội Bài vẫn nỗ lực tiến hành tìm kiếm kiện hành lý bị thất lạc nhưng không có kết quả.
Xác nhận của nhân viên Vietnam Airlines về 1 kiện hàng của người thân anh D. còn thiếu. |
Ngày 8/9, liên quan đến sự cố mất đồ này, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết: “Mọi trường hợp gây vận chuyển chậm, hư hỏng và thất lạc hành lý của hành khách sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của Vietnam Airlines, đồng thời gây phiền hà đến hành khách của mình.
Tuy nhiên, do quy trình phục vụ vận chuyển hành lý bằng đường hàng không trải qua rất nhiều công đoạn như làm thủ tục check-in, chuyển qua băng chuyền, kiểm tra an ninh, chất xếp, bốc dỡ hành lý... sau đó mới chuyển lại tới tay hành khách. Tham gia vào quy trình này ngoài Vietnam Airlines còn có các cơ quan của nhà chức trách hàng không và đơn vị đối tác thứ ba phục vụ tại các sân bay nên rất khó để giải quyết triệt để vấn đề vận chuyển chậm, hư hỏng và thất lạc hành lý.
Vietnam Airlines cũng đã phối hợp với các đơn vị và cơ quan chức năng trong và ngoài nước để hạn chế tối đa nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mất mát, hư hỏng hành lý của hành khách”.
Trong trường hợp cụ thể này, đại diện Vietnam Airlines cho hay: Vietnam Airlines cũng đã tiến hành điều tra nguyên nhân, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại (ngày 8/9) vẫn chưa thể xác định được hành lý đang ở đâu và nguyên nhân chính xác việc thất lạc hành lý tại công đoạn nào.
“Theo quy định của Vietnam Airlines, hành lý sau 21 ngày tìm kiếm không có kết quả, kiện hành lý trên được coi là mất và chúng tôi sẽ tiến hành bồi thường hành lý mất cho hành khách.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã tham gia vào hệ thống tìm kiếm hành lý thất lạc toàn cầu nên việc tìm kiếm vẫn được hệ thống duy trì thêm một thời gian nữa theo yêu cầu của khách hàng”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Được biết, Vietnam Airlines đã liên hệ với anh D. và gia đình thông báo về chính sách bồi thường hành lý mất của Vietnam Airlines và đề nghị bồi thường kiện hành lý mất như sau: Kiện hành lý bị thất lạc mang số hiệu VN 131118 được xác định có trọng lượng 24 kg và không phải là hành lý kê khai giá trị khi gửi tại sân bay Đức nên mức bồi thường là 20 USD/kg. Như vậy, kiện hành lý có tổng mức bồi thường là 480 USD.
Bên cạnh đó, đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm: “Lãnh đạo của Hàng không Việt Nam cũng phê duyệt thêm một khoản bồi thường thiện chí 320 USD nhằm chia sẻ thiệt hại với khách hàng. Tổng cộng trường hợp này Hàng không Việt Nam bồi thường là 800 USD.
Nếu gia đình chấp nhận phương án bồi thường của Hàng không Việt Nam, đề nghị xác nhận lại, chúng tôi sẽ thông báo địa điểm và thực hiện việc bồi thường.
Trong trường hợp không chấp nhận số tiền bồi thường trên, đề nghị gia đình thu thập toàn bộ các hóa đơn chứng từ chúng minh thiệt hại và các bằng chứng việc có để các đồ đạc đó trong thùng hàng bị mất và gửi cho chúng tôi.
Bộ phận chức năng của Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu, xem xét và bồi thường theo thiệt hại thực tế (dưới 1.280 USD) nếu các chứng từ trên chúng minh được thiệt hại”.
Trước đề xuất phương án giải quyết từ phía Vietnam Airlines, anh D. nói: “Hành lý bên Đức gia đình tôi mua bằng EUR tỷ giá đã cao hơn USD rồi. Nếu máy quét của Vietnam Airlines có lưu dữ liệu thì sẽ thấy mọi hàng hóa chúng tôi báo cáo Đại sứ quán Đức tại Việt Nam là đúng.
Tuy nhiên, cũng với những kiện hàng này mà bán với giá "thanh lý" thì chỉ được ít thôi. Tôi thay mặt gia đình, đề nghị được bồi thường 1.280 USD”.
Phản hồi lại đề nghị của anh D., ngày 9/9, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho hay: Với đề nghị của anh và gia đình yêu cầu Vietnam Airlines bồi thường tới mức trách nhiệm giới hạn tối đa 1.000 SDR (khoảng 1.280 USD). Vietnam Airlines đề nghị anh D. cung cấp toàn bộ các hóa đơn chứng từ chứng minh thiệt hại và các bằng chứng việc có để các đồ đạc đó trong thùng hàng bị mất và gửi cho chúng tôi.
Bộ phận chức năng của Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu, xem xét và bồi thường theo thiệt hại thực tế (dưới 1.280 USD) nếu các chứng từ trên chúng minh được thiệt hại.
“Nếu không có các chứng từ, bằng chứng chứng minh thiệt hại thực tế chúng tôi không thể bồi thường theo yêu cầu của anh được. Số tiền 800 USD chúng tôi đề nghị bồi thường trường hợp này đã bao gồm 320 USD bồi thường thiện chí của Vietnam Airlines”, vị đại diện này khẳng định.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Độc giả phản ánh các sự việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, đề nghị gửi về địa chỉ email: [email protected] | Hotline: 0942 368 555. |