(ĐSPL) - Kiện hàng có giá trị 1.850 euro khi thất lạc và bị mất, hãng hàng không Vietnam Airlines quy định mức đền bù 400 USD/20kg, nhưng sau đó đã thỏa thuận nâng mức đền bù lên 800 USD cho hành khách.
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin về phản ánh của anh Trần Mạnh D. (phường Đức Thắng, quận Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, ngày 14/7, gia đình anh D. đón hai người thân từ Đức về chơi.
Hai người thân của anh D. đi trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines mang số hiệu VN36 cất cánh từ Frankfurt (Đức) tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 14/7/2014.
Tuy nhiên, khi xuống san bay, người thân của anh D. chỉ nhận được 3/4 kiện hành lý. Kiện đồ bị thất lạc mang số hiệu VN 131118, bao gồm: 2 bếp từ, 2 bộ dao kéo làm bếp, 1 balo, 3 bộ quần áo, mỹ phẩm, xà phòng và nhiều đồ cá nhân khác với tổng giá trị là 1.850 euro.
Theo đó, kiện hàng số VN 131118 có khối lượng là 20kg, giá bồi thường cho mỗi kg hàng hóa được Vietnam Airlines quy định là 20 USD. Như vậy, khách hàng sẽ nhận về giá trị bồi thường cho kiện hàng bị mất này là 400 USD. Trước sự chênh lệch của mức giá đền bù, khiến gia đình anh D. nghi ngờ có kẽ hở trong việc xác định giá đền bù đồ thất lạc, xuất hiện hành vi gian lận.
Xác nhận của nhân viên Vietnam Airlines về 1 kiện hàng của người thân anh D. còn thiếu. |
Kể từ ngày 17/7 cho đến nay, gia đình anh D. nhiều lần điện thoại liên hệ với Đội tìm kiếm hành lý thất lạc - Sân bay Quốc tế Nội Bài nhưng câu trả lời nhận được vẫn là chưa tìm thấy.
Chiều ngày 28/8, phản hồi về trường hợp mất đồ của anh D, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết: “Ngay sau khi việc thất lạc hành lý xảy ra, Vietnam Airlines đã triển khai tìm kiếm và đã trả lại cho khách 3 kiện hành lý bị bỏ quên tại sân bay Frankfurt (Đức) vào ngày 17/7/2014 nhưng vẫn còn thất lạc 1 kiện.
Đối với kiện hành lý bị thất lạc hãng đã tiếp tục tìm kiếm trong 21 ngày tiếp theo nhưng rất tiếc đến thời điểm hiện tại kiện hành lý này vẫn chưa được tìm thấy.
Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, trong trường hợp này, hành khách đã không mua bảo hiểm cho hành lý trước khi bay và bộ phận xử lý trực tiếp của hãng vẫn đang tiếp tục làm việc với khách để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất”.
Đại diện Vietnam Airlines giải thích: “Trong vận chuyển hàng không trên thế giới, mặc dù nhiều biện pháp đảm bảo an ninh an toàn cho hành lý của hành khách đã được các hãng hàng không, các sân bay và các công ty phục vụ mặt đất… thường xuyên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, siết chặt các quy trình quy định… Tuy nhiên, việc thất lạc hành lý đôi khi vẫn xảy ra tại sân bay của các quốc gia đối với mọi hãng hàng không”.
Theo đó, phương án mà hãng hàng không này đưa ra để giải quyết sự cố thất lạc dẫn tới mất đồ của như sau: Các trường hợp thất lạc hành lý như trường hợp của anh D., nếu không chứng minh được giá trị thực tế của hành lý, các hãng hàng không sẽ áp dụng một chuẩn mực chung để giới hạn việc đền bù cho hành khách.
“Mức giới hạn trong trường hợp này sẽ là 20 USD đối với 1 kg hành lý thất lạc. Hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều đang áp dụng quy định này và Vietnam Airlines cũng không phải ngoại lệ”, đại diện hãng hàng không này cho biết thêm.
Trước câu trả lời từa phía Vietnam Airlines, anh D. tỏ thái độ không hài lòng khi cho rằng Vietnam Airlines trả lời quá chung chung mà không tập chung giải quyết vấn đề cốt lõi là kiện hành lý thứ 4 bị thất lạc ở đâu, khâu nào.
“Gia đình tập trung vào việc hỏi hành lý đang thất lạc ở đâu. Vì lý do tìm được ¾ kiện và nhân viên hãng hàng không hứa hôm sau sẽ đem trả tận nhà kiện hành lý. Chúng tôi nghi ngờ hành lý bị lấy cắp. Gia đình sợ rằng nó đã được sử dụng để thông quan hải quan sân bay.
Đề nghị Vietnam Airlines xác định rõ đến khâu nào thì hành lý bị thất lạc, thất lạc bên Đức hay ở Việt Nam để gia đình còn đến sân bay bên Đức để nhờ tìm kiếm”, anh D. nói.
Trong diễn biến mới nhất, anh D. cho biết: “Đại diện Vietnam Airlines gọi điện cho tôi và nói sẽ bồi thường kiện hành lý bị thất lạc số tiền là 800 USD thay vì mức 400 USD như trước đây.
Thực sự gia đình tôi không quá cần tiền, hay phải làm căng vụ việc này để đòi bồi thường, mà gia đình chúng tôi chỉ muốn làm rõ việc tại sao Vietnam Airlines tìm thấy được 3 kiện hành lý mà một kiện hành lý đi cùng lại bị thất lạc. Nếu đúng là thất lạc, gia đình chúng tôi phải được trả lời rõ bị thất lạc ở đâu, khâu nào?
Đồng thời, chúng tôi cũng muốn nêu trường hợp của mình lên làm bài học cho mọi người. Để những hành khách đi máy bay của Vietnam Airlines, hay bất kỳ hãng hàng không nào cũng phải cẩn trọng mua bảo hiểm hành lý, hoặc kê khai giá trị tài sản tránh rơi vào trường hợp như gia đình tôi”.
Độc giả phản ánh các sự việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, đề nghị gửi về địa chỉ email: [email protected] | Hotline: 0942 368 555. |