+Aa-
    Zalo

    "Hố đen" nào khiến thuốc nội thất trận trên sân nhà?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những "hố đen" về chất lượng thuốc và các chiêu trò làm giá thuốc để trục lợi hay ngành dược trong nước thất thế ngay trên sân nhà... là một thực tế mà lãnh đạo cục Quản lý Dược thừa nhận.

    (ĐSPL) - Những "hố đen" về chất lượng thuốc và các chiêu trò làm giá thuốc để trục lợi hay ngành dược trong nước thất thế ngay trên sân nhà... là một thực tế mà lãnh đạo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng thừa nhận bên lề Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam, do Bộ Y tế tổ chức vừa mới diễn ra.

    Điều đáng nói, dù biết vậy, song để đưa ra một chiến lược dài hơi nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến thuốc vẫn là một câu chuyện dài...

    Khám và lấy thuốc BHYT luôn là nỗi lo thường trực của người bệnh.

    Giảm thanh toán với dòng thuốc đắt tiền

    Hiện nay, đa phần bệnh nhân (BN), đặc biệt với những BN đang điều trị lâu dài với căn bệnh nan y như ung thư, tim mạch, lao phổi... rơi và tình trạng "ngơ ngác" trước quy định nhiều loại thuốc vốn nằm trong danh mục được bảo hiểm Y tế (BHYT) thanh toán sẽ bị cắt giảm chi phí. Điều đáng nói, những dòng thuốc nằm trong danh mục giảm chi phí thanh toán BHYT là những chủng loại thuốc đặc trị, biệt dược có giá thành rất đắt.

    Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học cho biết: "Việc các dược phẩm đa dạng về chủng loại và chức năng đã tạo sức ép rất lớn đối với cơ quan quản lý. Một trong những nhóm có giá thuốc khó kiểm soát rơi vào những sản phẩm dược mới phát minh được độc quyền, bởi quyền sở hữu trí tuệ của các nhà phát minh dược phẩm trong thời gian khoảng 20 năm trên toàn thế giới. Một nhóm sản phẩm khác là "thuốc bán theo đơn", chủ yếu được sử dụng trong hệ thống bảo hiểm y tế và trong bệnh viện với chi phí 28.000 tỉ đồng trong năm ngoái, tương đương 50\% giá trị thị trường thuốc. Đây cũng là nhóm thuốc khó quản lý".

    Tại sao, cơ quan chức năng lại chọn những dòng thuốc đó và liệu quyền lợi của người tham gia BHYT có bị cắt giảm? Trả lời câu hỏi của phóng viên, theo Thông tư 40 ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế, danh mục thuốc tân dược được quỹ BHYT chi trả đã bỏ một số loại thuốc đang sử dụng trong điều trị ung thư, điều này có tác động đến người bệnh như thế nào? Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: "Quá trình xây dựng danh mục thuốc BHYT được tiến hành rất khách quan, thận trọng. Trong nhóm thuốc nằm ngoài danh mục của Bộ Y tế nhưng được BHYT chi trả 50\% trước đây cho những người tham gia BHYT liên tục từ 36 tháng trở lên, thì nay theo Luật BHYT 2014, 8 loại thuốc đã chính thức được đưa vào danh mục của Bộ Y tế để thanh toán.

    Tại Thông tư 40 có 25 loại thuốc điều trị ung thư có quy định tỉ lệ thanh toán. Đó đều là những thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư để bác sỹ cân nhắc khi chỉ định, kê đơn thuốc nhằm bảo đảm quyền lợi cho mọi người bệnh có thẻ BHYT và đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT. Cần phải lưu ý rằng, chỉ có 9/25 loại thuốc đã được thanh toán 100\%, nay giảm còn 50\%, gồm 4 thuốc điều trị ung thư và 5 thuốc điều trị bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng. Đó là những thuốc chi phí rất cao mà hiệu quả điều trị chưa thực sự được chứng minh rõ ràng. 

    Ông Sơn nói thêm: "Việc điều chỉnh chi trả đối với  nhiều chủng loại thuốc trong Luật BHYT lần này không phải là lo "vỡ" quỹ. Đó là trách nhiệm của cơ quan BHXH trong quản lý quỹ và thanh toán chi phí KCB BHYT sao cho hiệu quả nhất. Ngay với danh mục thuốc tân dược được quỹ BHYT chi trả, Hội đồng xây dựng cũng đã phải cân nhắc giữa khả năng chi trả của quỹ BHYT cũng như khả năng chi trả của người dân, đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, đảm bảo hiệu quả điều trị, đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh. Đây cũng là khuyến cáo của ngành y tế và BHXH trong quá trình chỉ định thuốc.

    Quản lý giá thuốc, "bệnh hết thuốc chữa"?

    Những "hố đen" về chất lượng thuốc và các chiêu trò làm giá thuốc để trục lợi hay ngành Dược trong nước thất thế ngay trên sân nhà... là một thực tế mà ngay chính người đứng đầu Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phải thừa nhận bên lề Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển của ngành vừa diễn ra. Bất cập của ngành Dược hiện nay là việc phân phối thuốc còn lòng vòng, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng thuốc. Cùng với đó, sản xuất thuốc trong nước còn trùng lặp nhiều mặt hàng thông thường, giá trị thấp, ít thuốc chuyên khoa đặc trị; thuốc mới hầu như chưa được đầu tư, sản xuất tự phát. Thuốc gây mê, giải độc đặc hiệu, Parkinson hầu như không sản xuất được.

    Một lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: "Thuốc nội đang yếu thế tại các bệnh viện tuyến cuối, do bệnh nhân thường đã có kháng thuốc nên thuốc nội chỉ chiếm 5\%-10\% tổng số thuốc của bệnh viện. Chất lượng, mẫu mã thuốc nội đã cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa tạo đủ niềm tin với bác sỹ và người dân. "Chỉ khi nào tất cả bác sỹ đều kê đơn thuốc nội cho con đẻ, cháu ruột mình, lúc đó, thuốc nội mới thực sự có chỗ đứng. Điều này phụ thuộc vào chính vai trò của nhà sản xuất", vị này nói thêm.

    Những số liệu tại hội nghị này cũng cho thấy, chủng loại thuốc mà các công ty dược trong nước sản xuất phần lớn là những loại thuốc chữa bệnh thông thường như đau đầu, sổ mũi. Buồn hơn nữa, có sự trùng lặp nhiều hoạt chất trên một đăng ký như paracetamol: 783 số đăng ký; clorpheniramin: 280 số đăng ký hay cefixim: 191 số đăng ký... Có đến 260 tên thuốc cùng hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau; 223 tên thuốc cùng là vitamin hoặc thuốc bổ. Thống kê theo nhóm cho thấy, chỉ tập trung nhiều ở nhóm: Chống nhiễm khuẩn-ký sinh trùng 2.810 số đăng ký, nhóm hạ nhiệt-giảm đau-chống viêm steroid 1.442 số đăng ký, nhóm vitamin và thuốc bổ 1.276 số đăng ký. Khoảng trống khổng lồ còn lại trên thị phần dược nằm trọn trong tay các nhà sản xuất và phân phối dược phẩm ngoài nước.

    Tính đến tháng 6/2014, thuốc nội có 12.000 số đăng ký nhưng lại chỉ có 520 hoạt chất (trung bình cứ 1 hoạt chất có 23 số đăng ký-PV) trong khi, thuốc ngoại nhập chỉ có 11.000 số đăng ký, song có tới gần 1.000 hoạt chất. Và, tất nhiên, giá thuốc thuộc quyền kiểm soát bởi các công ty dược ngoài nước.

    Trước những câu hỏi liên quan đến quản lý giá thuốc, TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: Để giải quyết vấn đề này, sắp tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và một số cơ quan liên quan thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc với mục đích khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá thuốc. Theo đó, sẽ tập trung vào những thuốc có tỉ trọng sử dụng cao. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đang làm đầu mối xây dựng các danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá, danh mục thuốc trong nước đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ. Ngành y tế sẽ xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển hệ thống phân phối.

    Như vậy, để thẩm định những giải pháp nêu trên có phải là một "liều thuốc" đặc trị cho căn bệnh trầm kha về "loạn giá thuốc" hay không, phải mất một thời gian dài. Bên cạnh đó những vấn đề mà báo Đời sống và Pháp luật đã phản ánh trong phóng sự dài kỳ vừa qua, đại diện Cục Quản lý Dược hầu như không có câu trả lời thoả đáng, chính xác vào vấn đề mà chỉ đưa ra những giải thích cho cái gọi là sự khó khăn dẫn đến "hoàn cảnh khách quan", khó quản lý thuốc được tốt, nhất là việc quản lý giá thuốc. Nó vẫn lơ lửng như một nỗi ám ảnh truyền kỳ đối với người dân.

    7 công ty dược nước ngoài bị ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ nhập khẩu thuốc

    Sáng ngày 22/1, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho PV Đời sống và Pháp luật biết: Cục Quản lý Dược vừa ký quyết định tạm ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ về đăng ký thuốc, nhập khẩu thuốc đối với 7 công ty dược nước ngoài (4/7 doanh nghiệp là công ty dược phẩm Ấn Độ) và xử phạt vì cung cấp hồ sơ đăng ký thuốc không đúng theo quy định của pháp luật. Danh sách 7 công ty bao gồm: Yash Pharma Laboratories Pvt. Ltd India; M/s Bio-Labs (Pvt) Ltd., Pakistan; Austin Pharma Specialties Co., HongKong; Healthecare Pvt Ltd, India; Công ty TNHH Dược phẩm Liên Hợp; Công ty Miracle Labs (P) Ltd. India; Công ty Biodeal Pharmaceutical Pvt Ltd., India. Thời hạn tạm ngừng tiếp nhận, xem xét các hồ sơ của các công ty trên là 12 tháng kể từ ngày 9/1/2015.

    Cùng thời gian trên, Cục này cũng ra thông báo đình chỉ lưu hành toàn quốc loại thuốc viên nén bao phim Erythromycin 250mg (Lô SX: 13004AN; NSX: 30/7/2013; HSD: 30/7/2016; SĐK: VD-15027-11) do công ty cổ phẩn Hóa - Dược phẩm Mekophar sản xuất. Theo quyết định của Cục, công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar phối hợp với nhà phân phối phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ sử dụng thuốc viên nén bao phim Erythromycin 250mg và thu hồi toàn bộ lô thuốc kể trên và gửi báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 12/2/2015. Trước đó, trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm Quảng Bình phát hiện mẫu thuốc Erythromycin 250mg tại nhà thuốc Xuân Hữu (21 Trường Chinh, Bắc Lý, Đồng Hới, Quảng Bình) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ hòa tan.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ho-den-nao-khien-thuoc-noi-that-tran-tren-san-nha-a80886.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan