+Aa-
    Zalo

    Ai thâu tóm “quyền lực ngầm” thao túng giá thuốc?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trên thực tế, nỗi ám ảnh của người bệnh không chỉ là việc quá tải, sự xuống cấp về y đức của một bộ phận thầy thuốc..., mà chính là giá thuốc điều trị quá cao.

    (ĐSPL) - Trên thực tế, nỗi ám ảnh của người bệnh khi đến bệnh viện không chỉ là việc quá tải, sự xuống cấp về y đức của một bộ phận thầy thuốc, sự bất cập trong khám và chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế mà chính là giá thuốc điều trị quá cao khiến không ít bệnh nhân chỉ còn nước “rút ống thở” về nhà.

    Điều đáng nói, có một thực trạng tại một số bệnh viện, việc kê đơn thuốc bị bỏ ngỏ, hoạt động đấu thầu thuốc còn thiếu minh bạch, khuất tất, câu hỏi đặt ra là có hay không một “nhóm lợi ích” trong các bệnh viện? Và đâu là nguyên nhân khiến giá thuốc tăng cao, khó kiểm soát?

    Các lô thuốc giả bị cơ quan chức năng thu giữ.

    Bật chế độ “chăm sóc đặc biệt”

    Thông qua một người bạn đang làm tại công ty cổ phần dược X. (có trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh), chúng tôi có được báo giá thuốc của công ty này. Trong đó, có những loại thuốc giành “chiến thắng áp đảo” đối thủ trong một cuộc đấu thầu thuốc tại một bệnh viện ở Hà Nội. Theo đó, để giành chiến thắng và đưa được một loại thuốc vào trong hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện, doanh nghiệp sẽ lập ra một đội gồm các trình dược viên trẻ, đẹp có trình độ chuyên môn cũng như khả năng marketing thực hiện “tiếp cận nhanh các trưởng, phó khoa điều trị; trưởng khoa dược; lãnh đạo bệnh viện”; cuối cùng đến bác sỹ kê toa.

    Trong hoạt động này thường  tỉ lệ phần trăm chiết khấu trên mỗi loại thuốc kê đơn sẽ được chính lãnh đạo khoa hoặc bệnh viện đề cập ngay không cần giấu giếm. Tỉ lệ phần trăm có lúc lên đến 40\% nếu như chủng loại thuốc nào đó bán chạy hoặc được bệnh viện sử dụng thường xuyên trong kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

    Tuy nhiên, theo người bạn của chúng tôi, chiến lược của doanh nghiệp định hướng cho các trình dược viên khi tiếp cận là chọn và chỉ tập trung “bỏ mối” vào một số bác sỹ chủ chốt trong khoa. Sau đó, duy trì hoạt động “lâu dài, ổn định” và khi đó, ngoài chiết khấu phần trăm theo thỏa thuận, các bác sỹ này sẽ được doanh nghiệp đưa vào kênh “chăm sóc đặc biệt” như thường xuyên mời đi du lịch nước ngoài núp bóng hội thảo. Theo giải thích của người bạn này, chiến lược đó chính là việc “tiếp sức” cho các doanh nghiệp bán chạy loại thuốc đó, vì nhiều khi, việc chiết khấu 3\% cho các nhà thuốc như hiện nay không thay đổi được gì nhiều.

    Cũng theo hồ sơ đính kèm bảng báo giá thuốc mà người bạn chuyển tới cho thấy, có việc gợi ý phần trăm hoặc “bôi trơn” từ các bác sỹ tại các khoa khám bệnh đối với trình dược viên doanh nghiệp (hoặc công ty) dược đến tiếp thị một sản phẩm thuốc. Những lời gợi ý này thường núp bóng đề nghị chi phần trăm để gây quỹ cho khoa trong các hoạt động từ thiện; tài trợ cho khoa khi khoa tổ chức cho cán bộ đi nghỉ hè... Và tất nhiên, tất cả những yêu cầu này sẽ được các trình dược viên báo cáo lại cùng với báo cáo, đánh giá chính xác mức độ dùng thuốc tại bệnh viện, thống kê thuốc sử dụng, kể cả việc phải đếm lọ hoặc kiểm soát hóa đơn. Từ đó, qua “cân đối giá”, doanh nghiệp quyết định thực hiện chi hoa hồng, quà cáp... Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến giá thuốc bị đội lên nhiều lần so với giá ban đầu.

    Bóc mẽ “công nghệ thổi giá”

    Theo điều tra của PV, giá thuốc bị “làm giá” và rất khó xử lý chính là bởi hệ thống phân phối thuốc hiện tại rất ngoằn ngoèo, chằng chịt với sự cạnh tranh không lành mạnh. Để thuốc vào được thị trường Việt Nam là một quá trình phức tạp. Trước đây, quy trình đi theo thứ tự từ nhà sản xuất (nước ngoài) -  nhà nhập khẩu ủy thác (tại Việt Nam) -  nhà phân phối sỉ (tại Việt Nam) - nhà phân phối lẻ (tại Việt Nam). Hiện tại, quy trình đã được rút ngắn, lược bỏ khâu “nhà nhập khẩu ủy thác”, luật của Việt Nam cho phép thành lập công ty 100\% vốn nước ngoài, nhằm giảm chi phí, giúp công ty mẹ kiểm soát nhiều hơn trong kinh doanh.

    Tuy nhiên, việc thành lập một công ty con không phải dễ và cũng đủ nhiêu khê. Bà Chu Vĩnh Quỳnh, Trưởng phòng marketing công ty cổ phần dược T. phân tích về việc giá thuốc tăng vì đường đi “ngoằn ngoèo” trước khi đến tay người bệnh: Ví dụ, một viên thuốc sản xuất ở Hàn Quốc có giá thành 2.000 đồng, khi công ty này bán lại cho một công ty phân phối tại Hàn Quốc giá lên 4.000 đồng. Đến công ty dược phân phối tại Việt Nam, công ty này thỏa thuận với công ty phân phối Hàn Quốc, làm sao để nâng giá viên thuốc lên giá 8.000 đồng. Các công ty Việt Nam lời 2.000 đồng, còn 2.000 đồng nữa để thực hiện những động tác “chung chi” cho bác sỹ, mời các bác sỹ đi du lịch, tham quan, hội thảo... Khi viên thuốc đó về Việt Nam, từ giá 8.000 đồng, nó vào bệnh viện Nhà nước với giá 9.000 đồng (nếu bán với giá cao hơn, điểm chấm thầu sẽ thấp và sẽ bị loại ra khỏi vòng đấu thầu). 1.000 đồng tiền lời còn lại tại thị trường Việt Nam các công ty thực hiện chi phí trung chuyển.

    Bà Quỳnh cũng cho biết thêm, cũng có thể tăng giá thuốc bằng việc  những công ty do người Việt Nam sản xuất ở nước ngoài, nhập ủy thác vào Việt Nam rồi phân phối trực tiếp qua mạng lưới phân phối của những công ty khác trong nước. Ở Việt Nam, họ chỉ là những văn phòng đại diện cho công ty sản xuất tại nước ngoài (cũng của họ) nên không có chức năng kinh doanh trực tiếp. Giá những sản phẩm của họ thường căn cứ vào mặt hàng tương đương của châu Âu để ấn định. Các sản phẩm này được sản xuất tại những nước có nền công nghiệp dược không phải quá mạnh như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Bangladesh... Chỉ có Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế biết, quốc gia nào thật sự sản xuất sản phẩm; giá sản phẩm của công ty loại này được nâng gấp mấy lần giá xuất xưởng. Như vậy, người chịu thiệt vẫn là người bệnh.

    Cũng theo bà Quỳnh, một trong những nguyên nhân khiến không chỉ cơ quan chức năng, nhà thuốc hay bệnh viện khó có thể kiểm soát được giá thuốc hay không thể biết được giá gốc của thuốc chính là việc trên thị trường còn tồn tại những “chợ” thuốc “đội lốt” các hội chợ triển lãm về dược hay trang thiết bị y tế. Những “chợ” này tập trung những tập đoàn dược lớn, chuyên bán sỉ thuốc và nắm trong tay quyền lực ngầm, có thể chi phối cả các công ty phân phối sỉ trong nước. Nó có đủ nguồn tài chính gom hết hàng của công ty phân phối sỉ trong nước trong những đợt khuyến mãi và bán lại cho nhà thuốc bán lẻ. Tất nhiên, giá thuốc do họ cầm trịch và như vậy, những công ty phân phối nhỏ lẻ khi mua lại thuốc phải chấp nhận giá cao và để lọt vào danh mục thuốc kê đơn tại các bệnh viện thì buộc trở lại những chiêu thức marketing như trên. Đây là cái vòng luẩn quẩn, khiến giá thuốc chỉ tăng không thể giảm khi đến tay người bệnh.                 

    Theo lời một lãnh đạo Cục Quản lý Dược thì, khi Thông tư 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc cho người bệnh có hiệu lực từ 1/6/2012 thì BYT thí điểm quản lý giá thuốc bán toàn chặng từ khâu nhập khẩu đến bán lẻ, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý giá thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu. Tuy nhiên, làm thế nào để hài hòa lợi ích của người bệnh và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, xem ra vẫn là bài toán khó.

    Ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dược phẩm ECO (sở hữu hệ thống nhà thuốc ECO) cho hay: Cần tạo cơ chế nhập khẩu song song để tránh cơ chế độc quyền trong việc nhập khẩu và phân phối một chủng loại thuốc  nào đó, nhất là đối với các loại biệt dược, làm vậy sẽ kiểm soát được việc tăng giá thuốc, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ, một doanh nghiệp độc quyền phân phối thuốc A. ở Việt Nam với giá 2 USD/hộp chẳng hạn, mà một doanh nghiệp khác cũng có thể nhập khẩu và phân phối loại thuốc A. nhưng giá chỉ 1,5 USD/hộp thì nên khuyến khích cho nhập khẩu để tránh độc quyền.

    Cần xem lại “cơ chế chi hoa hồng”

    Bên lề Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội  chia sẻ với báo chí liên quan đến  thông tin công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ bị cáo buộc trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức tại Nga (4,6 triệu USD), Thái Lan (hơn 700 ngàn USD) và Việt Nam (2,2 triệu USD) trong nhiều năm để giành hợp đồng: Tôi nghĩ, trong 5 năm mà có 2,2 triệu USD, thực tế có lẽ còn quá nhỏ bởi vì nguyên chuyện bảo hiểm xã hội công bố chúng ta đấu thầu thuốc lại với giá dư ra mấy ngàn tỉ đồng. Đấy là cái chúng ta phải kiểm tra rõ xem. Bởi vì thực tế hiện nay, những vấn đề về chi hoa hồng cho những người bán thuốc, bác sỹ kê đơn khá phổ biến. Nhưng làm thế nào để kiểm soát được thì lại là vấn đề rất lớn. Các nước như Mỹ đã công bố kiểm soát ngay từ các công ty, xem chi hoa hồng như thế nào, chi cho những ai, từ đó mới phản ngược lại mình. Việt Nam muốn kiểm soát lắm nhưng rất khó. Chúng tôi hy vọng qua đợt kiểm tra này, chúng ta sẽ tìm ra xem ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-thau-tom-quyen-luc-ngam-thao-tung-gia-thuoc-a79328.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan