+Aa-
    Zalo

    Bà lang xứ Lạng và “kho thuốc đặc biệt” cứu người...

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hơn 40 năm làm thuốc, giờ đây bà Lan đã có 4 kho thuốc đặc biệt được tích lũy trong nhiều năm và những kho thuốc ấy không ít lần đã “cướp cơm của tử thần”.

    (ĐSPL) - Vừa được thừa kế những bài thuốc từ người thím từng làm “đốc tờ” cho Pháp, vừa tham gia kháng chiến, được sống và chiến đấu cạnh những người dân tộc địa phương, bà Nguyễn Thị Lan (SN 1936, thôn Hồng Phong 2, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã học hỏi được những phương thuốc tưởng chừng như đã thất truyền, chữa bệnh cứu người.

    Hơn 40 năm làm thuốc, giờ đây bà Lan đã có 4 kho thuốc đặc biệt được tích lũy trong nhiều năm và những kho thuốc ấy không ít lần đã “cướp cơm của tử thần”.

    (bgiay)Bà lang xứ Lạng và “kho thuốc đặc biệt” cứu người...

    Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng bà vẫn nhớ bệnh trạng của từng người bệnh mình đã chữa.

    Kho thuốc “cướp cơm của tử thần”

    Đó là căn nhà nhỏ ven quốc lộ 1B, chúng tôi tìm đến nhà bà Lan. Trên bức vách màu nhạt theo năm tháng, treo rất nhiều bằng khen của các cơ quan ban ngành. Tiếp chúng tôi, khi được nghe PV về viết báo, cùng với chất giọng lơ lớ người vùng núi, bà Lan liên tục xua tay: “Tôi đã làm được gì mà phải viết báo, cũng như mọi người thôi, phải duyên với cái nghề thuốc thì cố gắng chữa cho bệnh nhân vì cái tâm. Gặp thầy gặp thuốc thì họ khỏi họ đến cảm ơn thôi mà”.

    Sau một hồi thuyết phục bà Lan cũng đã đồng ý trải lòng những kỷ niệm buồn vui từ những ngày đầu bà theo nghề. “Tôi may mắn được học thuốc từ người thím ruột vốn là “đốc tờ” (bác sỹ) của Pháp, bà cụ giỏi lắm, được các quan Pháp rất tin tưởng nhưng hiềm một nỗi bà cụ lại không có con. Thấy tôi nhanh nhẹn, thím dành hết tâm huyết truyền nghề cho tôi”. Những ngày đầu theo học, bà Lan gặp không ít khó khăn bởi một cô gái miền sơn cước trong những năm 50, việc tiếp xúc với những bài thuốc, thẩm thấu và nhớ về các bệnh là một điều không hề dễ dàng gì.

    Sau 10 năm theo học, bà cũng trưởng thành được nhiều, thế rồi sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, bà Lan thoát ly quê hương gia nhập Lữ đoàn 330. Trong dịp này, bà Lan được dịp tiếp xúc với những người dân tộc thiểu số, học được của họ nhiều phương thuốc đặc biệt.

    Rời quân ngũ, bà Lan trở về nhà cùng người bạn đời đi góp nhặt, tích lũy những bài thuốc trong dân gian. Hiện “cơ ngơi” mà bà Lan cho rằng đó là thứ quý nhất đến lúc này của bà chính là 4 kho thuốc được tích lũy theo năm tháng. Nhìn kho thuốc của bà Lan, chúng tôi không ước tính được số lượng chỉ biết rằng nó rất lớn, chiếm gần hết căn nhà cũ của con gái bà để lại. Số thuốc mỗi lần bà nhập về có khi lên đến dăm bảy tấn được thu mua từ bà con dân tộc Dao vùng núi cao.

    Bà gọi đó là “kho thuốc đặc biệt” bởi những việc như bảo quản, phân loại phải chính tay bà thực hiện. “Nhiều lúc cũng mệt chú ạ. Nhưng hai người bạn già này cũng vẫn còn sức thì còn làm được, các con các cháu, bà con trong chòm xóm cũng giúp nhiều nên cũng đỡ”, bà Lan chia sẻ. Không nặng về kinh tế, nên để có được thang thuốc dù rất tốn kém và kỳ công, nhưng bà Lan bán ra chỉ với một cái giá rất tượng trưng và phù hợp với túi tiền của những người bệnh nghèo quanh vùng.

    Chồng bà - một người lính già từng tham gia Tiểu đoàn 307, đến nay đã ngoài 90 tuổi nên tai ông có phần kém đi nhiều, để nói chuyện với ông, chúng tôi phải “hét to” ông mới nghe thấy. Khi nghe được câu chuyện, ông lại cười xuề xòa, tếu táo: “Chúng tôi thì đã làm được gì mà báo với chả chí. Tôi làm trợ lý cho bà ấy thôi”. Công việc của người trợ lý đặc biệt này là tỉ mẩn ghi lại từng tên tuổi, địa chỉ của người bệnh lấy thuốc, họ mắc bệnh gì, đã lấy được bao nhiêu thang.

    “Người trợ lý” không lương này đưa chúng tôi một cuốn lịch dày, từ đầu năm đến giờ đã có 270 người đến lấy thuốc, trong đó tháng Sáu là 16 người, tháng Bảy, tháng Tám là 27 người, tháng Chín là 25 người... Người bệnh trải khắp cả nước, xa nhất Tây Nguyên, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. ông chỉ vào quyển số chi chít danh sách bệnh nhân giải thích: “Phải ghi cụ thể, tỉ mỉ để theo dõi xem người bệnh tiến triển đến đâu để bà Lan còn điều chỉnh các vị thuốc. Phải ghi chép cẩn thận để cuối năm báo cáo với xã, huyện”.

    Những thang thuốc đặc biệt

    Trong câu chuyện với vị thầy lang đặc biệt, chúng tôi khá ấn tượng với những phương thuốc mà bà Lan dành để chữa cho trẻ em, từ các bệnh thường gặp như bệnh cam, đầy bụng đến các bệnh từng gây hoang mang cho biết bao vị phụ huynh như sởi, viêm màng não... những bệnh nhân nhí này đều được bà chữa trị rất cẩn thận.

    Tính đến nay, bà đã có gần 30 năm bốc thuốc, tiếng lành đồn xa chẳng mấy chốc cả huyện vùng núi Bắc Sơn đều biết tiếng. Trong lúc đang trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Phụng (ở xã Đồng ý, Bắc Sơn) đến lấy thuốc sản hậu cho vợ cũng góp thêm chuyện: “Ngày trước tôi cũng đã lấy thuốc khớp ở đây cho mẹ tôi, chỉ vài thang là khỏi bệnh mà lại không tốn kém mấy”. Số lượng bệnh nhân đến lấy thuốc ngày một đông, bà Lan cũng không thể nhớ hết được tên bệnh nhân của mình, chỉ loáng thoáng nhớ đến quê quán địa chỉ họ, nhưng chỉ cần họ nhắc đến bệnh tình thì bà lại nhớ rất chuẩn.

    Bà kể, có chị ở Hà Nội, chồng ngã từ nóc nhà xuống bị gãy nhiều xương, bệnh viện trả về chấp nhận làm người tàn phế ngồi một chỗ nhưng sau mấy tháng dùng thuốc của bà, anh đã có thể đi lại giúp vợ làm những việc nhẹ nhàng. Trường hợp bà Vạn (60 tuổi) người cùng huyện, cách đây 3 năm bị viêm cầu thận, xuống bệnh viện Hà Nội chữa trị thì các bác sỹ yêu cầu phải thay thận với số tiền khổng lồ. Không có tiền, bà Vạn chấp nhận về nhà đợi Diêm Vương gọi đến lượt mình, nhưng nhờ có 5 thang thuốc của bà Lan mà bệnh tình thuyên giảm đến ngạc nhiên.

    “Một số bệnh như khớp, dạ dày, tiểu đường, thoái hóa cột sống thì tôi chữa khá tốt, thuốc cũng được bà con người dân tộc cung cấp đầy đủ. Thuốc thường lấy từ trên vùng núi Khau Kiêu (Lạng Sơn) về, trên đó thời tiết tốt nên tính dược liệu của các cây thuốc cũng cao. Đối với sỏi thận thì chỉ uống dăm ba thang là khỏi thôi. Bệnh tiểu đường thì không đáng ngại lắm, tuỳ vào tình trạng người bệnh nhân để bốc thuốc phù hợp, bệnh nhân sẽ nhanh khỏi”.

    Tuổi mỗi ngày một cao, nỗi lo thất truyền nghề thuốc của bà lang già vẫn canh cánh trong lòng khi các con mỗi người theo một nghề khác nhau. Nhưng khi thấy cô cháu gái lớn tỏ ra thích thú với các phương thuốc của bà nên bà cũng đã dồn hết tâm huyết như năm xưa người thím chỉ dạy cho mình. Đến nay cô cháu gái cũng đã tự tay bốc thuốc, mang những phương thuốc từ núi rừng xứ Lạng đi khắp nơi cứu chữa cho mọi người.

    Lương y của nhân dân

    Trao đổi với PV, ông Dương Công Thanh, Phó Chủ tịch xã Chiến Thắng cho biết: “Bà lang Lan là hội viên tích cực của hội Đông y của xã Chiến Thắng.

    (bgiay)Bà lang xứ Lạng và “kho thuốc đặc biệt” cứu người...

    Bằng khen của “bà lang xứ Lạng”.

    Bà Lan thường chữa bằng các loại thuốc dân tộc được lấy từ các vùng núi cao. Người dân ở địa phương vẫn được bà Lan chữa trị, giá thuốc bà Lan lấy cũng không cao và được nhân dân địa phương tin tưởng. Việc chữa trị của bà Lan được thực hiện tại nhà nên không xảy ra mất trật tự an ninh ở địa phương”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-lang-xu-lang-va-kho-thuoc-dac-biet-cuu-nguoi-a73859.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan