(ĐSPL) - Thị trường dược phẩm (DP) từ xưa đến nay vốn vẫn được biết đến là miếng bánh vô cùng béo bở. Đây được xem là loại hàng đặc chủng có lợi nhuận siêu khủng và có “luật chơi riêng”, có hệ thống quản lý và phân phối kiểu ma trận. Chính vì lẽ đó, có vô số mánh khóe trong lĩnh vực kinh doanh này từ việc đẩy giá thuốc, vuốt lại “đát” (hạn sử dụng) đến thuốc không đảm bảo chất lượng được “khoác áo” thuốc ngoại... Và, người lãnh đủ những chiêu trò nhẫn tâm ấy là người bệnh trong khi các cơ quan quản lý chuyên ngành luôn kêu rằng, họ ở thế bị động?!
Có thể nói, một trong những thương vụ làm ăn “hái ra tiền” ở lĩnh vực kinh doanh dược phẩm chính là việc “xử lý” những lô thuốc đã hết hạn sử dụng (HSD). Bởi, thuốc thành phẩm ở trần (chưa đóng nhãn mác -PV), khó có thể nhận diện được HSD. Và, trên thực tế, bằng phương thức này hay phương thức khác, không ít đối tượng trong các đường dây phân phối thuốc kém chất lượng cố gắng “gom” những lô thuốc hết HSD với giá rẻ, về “lên đời”, kiếm siêu lợi nhuận chỉ bằng một chiếc máy dập thủ công. Chiếc máy dập này có thể kéo dài hạn sử dụng của hàng trăm loại thuốc đã hết “đát” lên tới vài năm(!).
Tiết lộ bàng hoàng của một trình dược viên
Dũng “cận”, người mà tôi biết, trước đây là một trình dược viên tại một công ty dược có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do vi phạm kỷ luật, Dũng “cận” bị sa thải, nên dạt về Hà Nội làm ăn và được giới buôn bán thuốc tân dược biết đến như một chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực “gom” và “thổi hồn” cho thuốc “hết đát”. Từ khi chợ thuốc Giảng Võ (ở Ba Đình, Hà Nội) tạm bị “dẹp” thì Dũng “cận” cũng rút về “ở ẩn”. Song, những ngón nghề mà Dũng “cận” đã từng thực hiện trong thời gian hoàng kim của mình, được lưu truyền lại khiến không ít người trong cuộc hiểu về thuốc tân dược và người bệnh phải giật mình vì chi tiền “đống” nhưng mua phải thuốc kém chất lượng, “hết đát”.
Theo Dũng “cận”, việc “cải lão hoàn đồng” cho những lô thuốc hết HSD vô cùng dễ dàng, thậm chí hoàn toàn có thể biến thuốc nội thành thuốc ngoại chỉ bằng những dụng cụ thô sơ thao tác bằng tay. Dũng “cận” hé lộ “quy trình” kiếm siêu lợi nhuận như sau: “Với thuốc nội muốn... sang tên ngoại, tôi cho người sang chợ thuốc đặt mua một số loại thuốc tây do các công ty, xí nghiệp trong nước sản xuất với số lượng lớn. Đem thuốc nội về, tôi chỉ đạo lột hết bao bì. Sau đó, mua bao bì giả mạo những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài như Gedeon Richter (Hungary), Janssen Cilag (Mỹ), Solvay (Hà Lan)... Từ đó, nhồi thuốc nội vào trong rồi dập, ép, đóng gói và tung ra thị trường bán với giá thuốc ngoại”.
Một hộp thuốc Dũng “cận” đưa cho phóng viên khẳng định hoàn toàn có khả năng “thổi đát mới”. |
Theo Dũng “cận”, “công nghệ” này cho siêu lợi nhuận, chất lượng nội, bán giá ngoại nhưng là thuốc thật, không kém chất lượng, chưa hết HSD. Cũng theo Dũng, việc làm này chưa đến mức vô đạo đức bằng hành vi mua thuốc hết HSD về dập lại hạn. Để có được lãi suất cao, những loại thuốc được “chuyên gia” như Dũng “cận” chọn để “khoác áo” ngoại thường là thuốc bổ, thuốc kháng sinh, tim mạch, huyết áp.... Nói chung, trên thị trường có những loại dược phẩm ngoại nhập nào đang “hút hàng”, bán chạy thì các “chuyên gia” sẽ tập trung “sản xuất” hàng loạt thành phẩm đó với mẫu mã... y hệt.
Nguồn “hàng” ở đâu ra?
Đối với những lô thuốc “hết đát”, “công nghệ lên đời tuổi thuốc” đơn giản chỉ là một chiếc máy dập hơn triệu đồng nhưng cho lợi nhuận siêu khủng. Vấn đề ở chỗ, lợi nhuận phi pháp đã đành nhưng ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh không thể đong đếm bằng giá trị vật chất. Cứ tưởng, chiếc máy dập là vô tri, vô giác nhưng nó lại là dụng cụ bào mòn sức khoẻ người bệnh một cách kinh hoàng nhất.
Dũng “cận” thành thật: “Chỉ việc nhập nguồn hàng về rồi dùng máy dập lại là xong”. Khi tôi thắc mắc, làm sao có thể mua được nhiều lô thuốc “hết đát” để “gia công” lại như vậy? Bởi tôi biết, quy định của luật Dược trong việc tiêu hủy thuốc “hết đát” là rất nghiêm ngặt. Dũng “cận” cười rất khoái trá, trả lời: “Thông thường thời hạn sử dụng cao nhất của tân dược là 18 tháng, ngoại trừ các loại thuốc đặc trị với thời hạn từ 5-7 năm. Theo quy định, thuốc ngoại nhập trước khi nhập vào Việt Nam phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 12 tháng và đưa vào bệnh viện phải còn thời hạn trên 6 tháng. Và, như vậy thông qua những trình dược viên “ruột”, “cắm” tại các hãng thuốc trong nước hoặc những công ty được ủy quyền nhập thuốc ngoại, người cần mua loại thuốc “hết đát” sẽ biết được những lô thuốc “cận đát” để mà “hỏi han”. Mình sẽ mua những lô thuốc “cận đát” này vì nó có giá rẻ đến mức không tưởng. Mua được rồi, mình về sẽ dùng công nghệ như đã nói, dập thêm vào đó vài năm HSD theo đúng quy định và bán ra thị trường. Làm như vậy, các ông quản lý chức năng dù có “ba đầu sáu tay” cũng rất khó tìm ra “thủ phạm”.
Thu hồi thuốc kém chất lượng... trên giấy?
Từ những chiêu thức kinh doanh như những gì Dũng “cận” chia sẻ đã cho thấy, việc thuốc tân dược kém chất lượng có “đất” tồn tại một phần vì “siêu lợi nhuận” mà mặt hàng này mang lại, một phần cũng chính bởi hệ thống phân phối thuốc tân dược hiện nay được ví là “rối rắm” nhiều đầu mối, nhiều quy định chồng chéo, ngáng đường, thậm chí “bó chân” cả cơ quan chức năng, tạo ra những kẽ hở cho việc trà trộn thuốc thật, thuốc giả, thuốc nội, thuốc ngoại.
Điều đáng nói, dù cơ quan chức năng mà chủ quản là cục Quản lý Dược (bộ Y tế) đã nỗ lực để kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trong thời gian qua, song thực tế chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, chỉ trong tháng 8/2014, cục Quản lý Dược đã phải ký quyết định rút số đăng ký lưu hành hàng loạt loại thuốc nhập khẩu khỏi danh mục các loại thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam do không đạt các chỉ tiêu chất lượng.
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng từ một chuyên viên đang làm việc tại phòng Kiểm nghiệm thuốc, viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương được biết: “Quy trình thu hồi thuốc kéo dài và phức tạp. Cụ thể, từ khi cơ quan chức năng lấy mẫu đến khi có kết quả kiểm nghiệm mất 3-7 ngày, giai đoạn trình lên sở đến khi có thông báo đình chỉ lưu hành là khoảng 15 ngày. Với những mẫu do viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương kiểm nghiệm và gửi công văn kèm phiếu kiểm nghiệm lên cục Quản lý Dược cũng phải mất chừng 15 ngày, có khi tới 30 ngày mới có thông báo đình chỉ. Sau đó, còn phải mất thêm khoảng một tuần nữa để thông báo của Cục về đến các sở y tế. Và như vậy, những thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành vẫn còn “đất sống” hơn một tháng! Cùng với đó, trên thực tế, thu hồi ở mức độ nào, thuốc còn tiếp tục lưu hành trên thị trường hay không... thì không thể kiểm soát. Nhiều nhà thuốc bán sỉ, không ghi hóa đơn nên không thể biết thuốc đó được người mua mang đi đâu, về đâu mà thu hồi. Các thông báo đình chỉ lưu hành thuốc thường không nêu rõ nhà thuốc, hiệu thuốc sẽ phải giao nộp thuốc bị đình chỉ lưu hành cho ai, ở đâu, có được hoàn tiền hay không... Và nếu như vậy, chuyện thu hồi chỉ là trên văn bản”.
Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: “Có bệnh thì vái tứ phương, ai cũng muốn lành bệnh nhờ thầy, nhờ thuốc. Gặp phải “thầy” không hiểu biết cẩn thận, không có y đức thì tiền mất tật mang. Mua thuốc cũng đầy bất trắc, nào thuốc giả, thuốc “quá đát”, giá cả khó mà nhận biết. Các cơ quan chức năng thì gần như bất lực, hệ thống pháp lý thì chưa đủ sức răn đe, còn người bệnh thì lãnh đủ. Vì vậy, hơn hết, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết, khi cầm toa thuốc, mua thuốc phải nhờ tư vấn cho cẩn thận”. PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương cho biết: “Cứ loại thuốc nào trên thị trường bán chạy, có sức tiêu thụ mạnh và phổ biến thì ngay lập tức sẽ có thuốc giả, thuốc lậu tương đương. Trong đó các thuốc thường bị làm giả, nhái, không rõ nguồn gốc là kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt. Việc sử dụng các loại thuốc tân dược giả, nhái sẽ đưa đến rất nhiều hệ lụy, trong đó quan trọng nhất là người dùng không hết bệnh bởi thành phần của thuốc giả đa phần là các loại chất vô thưởng vô phạt và không có tác dụng chữa bệnh. Nguy hiểm hơn là việc dùng thuốc tân dược giả rất khó phát hiện, vì người dùng chỉ nghi ngờ là mua nhầm thuốc giả khi đã sử dụng thuốc lâu mà dấu hiệu bệnh không hết hay không đỡ”. |