Việc phản đối diễn ra trong vòng 2 giờ đồng hồ đã gây ách tắc giao thông kéo dài gần 20 cây số từ Cầu 20 Cẩm Phả đến gần Đền Cửa Ông.
Chiều ngày 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), hơn 50 ô tô của người dân địa phương TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã biểu tình phản đối việc thu phí tại Trạm BOT Biên Cương đoạn qua TP. Cẩm Phả.
Theo phản ánh của người dân, họ không có ý chống đối chính quyền, song nhiều vấn đề bất hợp lý liên quan tới việc thu phí tại trạm BOT Cẩm Phả đã khiến họ bức xúc.
Cụ thể, một là mức thu phí của trạm BOT Cẩm Phả quá cao: 35.000Đ/lượt, cao hơn cả phí đường cao tốc mới. Hơn nữa, đường quốc lộ độc đạo của nhà nước và nhân dân đi từ tới nay; chủ đầu tư chỉ nâng cấp, sửa chữa, trải nhựa rồi tiến hành thu phí. Trong khi đó, đoạn nâng cấp, sửa chữa mà người dân được đi qua chỉ chưa đầy 15 KM, lại chỉ là tráng lại một lớp nhựa đường mỏng, hai bên đường không được mở rộng, gây khó khăn cho phương tiện khi di chuyển.
Nhiều người tập trung biểu tình tại trạm thu phí BOT Biên Cương. Ảnh: CAND |
Hai là, trạm BOT của Công ty CP Biên Cương đặt tại Cẩm Phả có khoảng cách chỉ khoảng 57 KM tính từ tạm BOT đoạn qua phường Đại Yên ( TP. Hạ Long) của Công ty CP BOT Đại Dương, chưa đủ cự ly là 70 km như đã được quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.
Ba là, từ khi có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa đường hay tiến hành thu phí, người dân hoàn toàn không được lấy ý kiến đóng góp. Như vậy là chính quyền địa phương thiếu sự tôn trọng người dân.
Ngoài ra, cũng có người đưa ra ý kiến thắc mắc là tại sao dân vùng Vân Đồn không được giảm phí qua trạm, trong khi người dân tại Cẩm Phả và Mông Dương được giảm? Trong khi thực tế, người dân từ Mông Dương sử dụng đi qua đoạn đường nhiều hơn người dân Vân Đồn.
Người dân tại địa bàn Vân Đồn bày tỏ sự bất bình: Nếu để mức thu 35.000 đồng/lượt qua trạm thì cuộc sống sinh hoạt của họ hoàn toàn bị ảnh hưởng. Cụ thể, nếu một ngày thu nhập của người dân Vân Đồn chỉ khoảng 50 -100.000 đồng; trong khi đi làm bằng xe riêng từ Vân Đồn qua Cẩm Phả cũng mất 70 ngàn đồng cả đi lẫn về, thì họ chỉ còn lại 30 ngàn đồng.
Hay theo tính toán của một người chuyên mua hải sản bán lẻ để phân phối đi các nơi, trước đây, mỗi ngày người này thuê xe tải dưới 5 tấn chở hàng sang Cẩm Phả là 400.000 đồng. Từ khi thu phí BOT lại phải chịu thêm 100 ngàn tiền phụ phí.
Hoặc như một gia đình ở Vân Đồn có người nhà bị bệnh, phải điều trị bên bệnh viện Cẩm Phả; với mức phí 70.000 đồng tiền vé cho 2 lượt đi - về qua trạm BOT, tính trung bình, mỗi tháng gia đình đã mất hơn 2 triệu.
Vụ phản đối của các tài xế đã gây ách tắc giao thông kéo dài gần 20 cây số từ Cầu 20 Cẩm Phả đến gần Đền Cửa Ông. |
Một ngày sau khi xảy ra vụ việc tại trạm thu phí BOT Biên Cương, UBND tỉnh Quảng Ninh đã gửi văn bản tới các bên liên quan về việc giữ gìn trật tự, đảm bảo cho giao thông được thông suốt.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan an ninh khẩn trương điều tra các trường hợp có hành vi cố tình gây rối, cản trở giao thông, gây mất an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí.
Lực lượng thanh tra giao thông tăng cường tổ chức kiểm tra điều kiện hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông, rà soát cắm biển báo cấm đỗ, cấm dừng tại khu vực trạm, đảm bảo đúng quy định hiện hành.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn nắm tình hình, rà soát, phân loại những trường hợp người dân đi đến trạm tập trung đông người, xác định rõ mục đích, hành vi. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối tượng có biểu hiện chống đối, cản trở giao thông, gây mất an ninh trật tự tại khu vực trạm. Chính quyền địa phương phải có ngay phương án giải tỏa, không để gây ách tắc giao thông với các ô tô qua trạm.
Vũ Đậu