Phát hiện bị ung thư máu hiếm gặp từ bất thường khi ngủ
Theo thông tin trên VietNamNet, huấn luyện viên thể hình Dilan Patel ở London (Anh) phát hiện một điều kỳ lạ trong lúc ngủ. “Tôi thức dậy vào giữa đêm trong tình trạng đẫm mồ hôi. Quần áo, giường của tôi - mọi thứ đều ướt. Điều đó xảy ra hàng đêm”, anh kể.
Ban đầu, Patel không bận tâm vì cho rằng trời quá ấm vào buổi tối. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn tiếp diễn trong nhiều tháng. Phải đến 2 năm sau, khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, anh mới tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Sau khi kiểm tra, Patel nhận tin dữ rằng mình bị u lympho Hodgkin - một loại ung thư máu hiếm gặp phát triển trong mạng lưới mạch máu và tuyến khắp cơ thể. Mỗi năm ở Anh chỉ phát hiện khoảng 2.200 ca bệnh này, chiếm chưa tới 1% tổng số ca ung thư.
Theo chia sẻ của Patel, đổ mồ hôi đêm là triệu chứng đáng lo ngại nhất nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất. “Da tôi ngứa kinh khủng đến mức tôi phải mang theo kem dưỡng khắp nơi. Tôi thậm chí còn thấy có cục u trên cổ nhưng lại nghĩ đó là cơ bắp phát triển nhờ tập luyện”, anh cho hay
Các xét nghiệm cho thấy Patel có tổng cộng 5 khối u, có cả ở phổi. Khi khối u di căn sang các bộ phận khác của cơ thể có nghĩa ung thư đã ở giai đoạn 4, hầu như không thể chữa khỏi.
Mặc dù u lympho Hodgkin được các chuyên gia coi là một dạng ung thư “hung hãn” do khả năng lây lan nhưng có thể điều trị bằng hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, những người sống sót có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm các loại ung thư máu khác như bệnh bạch cầu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phổi.
Những người từ 20 đến 40 tuổi cũng như người từ 75 tuổi trở lên có khả năng bị u lympho Hodgkin cao nhất, trong đó nam giới có nguy cơ cao hơn.
Tế bào lympho là tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch có khả năng chống nhiễm trùng. Những tế bào lympho ung thư phát triển bất thường, gây ra các khối u trong hạch bạch huyết ở cổ, nách và bẹn.
Một số triệu chứng phổ biến bao gồm đổ mồ hôi đêm, ngứa dai dẳng cũng như sụt cân không chủ ý, sốt cao, ho dai dẳng. Trong vài trường hợp hiếm gặp, u lympho Hodgkin gây đau, tê hoặc cảm giác ngứa ran khi uống rượu.
Nhập viện cấp cứu sau khi tự đắp lá thuốc vào vết rắn cắn
VTV Times đưa tin, nam bệnh nhân 51 tuổi ở Long An nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Theo lời kể của người nhà, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân đã tự đắp lá thuốc theo kinh nghiệm dân gian tại nhà với hy vọng giảm đau và sưng. Tuy nhiên, tình trạng không những không cải thiện mà còn ngày càng xấu đi.
Khi nhập viện, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt và rối loạn đông máu nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, dùng thuốc vận mạch, truyền huyết thanh kháng nọc rắn, huyết tương tươi đông lạnh.
Sau hai ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, các chỉ số xét nghiệm trở lại bình thường và vết thương cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân được chuyển qua khoa Nội tim mạch để tiếp tục theo dõi và đã được xuất viện.
Ở Việt Nam, rắn lục đuôi đỏ là loại thường gặp nhất. Người bệnh sau vài phút bị rắn cắn sẽ có biểu hiện sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm nơi bị cắn. Sau khoảng 6 giờ, phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ... Nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ sớm bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Kích hoạt báo động đỏ cứu bệnh nhân nguy kịch vì bị dao đâm
Báo Dân Trí đưa tin, tối 28/12, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã cấp cứu thành công một bệnh nhân nguy kịch vì bị dao đâm.
Theo đó, bệnh nhân tên N.T.H (42 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) được đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng mang vết thương ngực trái do dao đâm, có dấu hiệu sốc tuần hoàn nghiêm trọng.
Nhận định đây là trường hợp nguy kịch, đội ngũ y bác sĩ ngay lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ và huy động sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Chỉ trong vòng 20 phút sau khi bệnh nhân nhập viện, ca phẫu thuật khẩn cấp đã được thực hiện ngay tại phòng mổ khoa Cấp cứu.
Ekip điều trị gồm các chuyên gia đến từ khoa Ngoại Lồng ngực, khoa Hồi sức phẫu thuật tim, khoa Cấp cứu và khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức đã thành công khâu phục hồi vết thương thủng cơ tim tại vị trí tâm thất phải cho bệnh nhân. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi phục tốt và được xuất viện vào ngày 19/12.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, thành công điều trị ca bệnh trên là minh chứng cho sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác cấp cứu của đơn vị, nơi luôn sẵn sàng ứng phó với những ca bệnh nguy kịch nhất.
Trước thành tích trên, tại buổi giao ban toàn viện ngày 27/12, TS Nguyễn Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã thừa ủy quyền của người đứng đầu trao quyết định khen thưởng cho 6 bác sĩ và 2 tập thể tham gia ca mổ cứu sống bệnh nhân bị dao đâm nguy kịch.
Trong 6 cá nhân được khen thưởng, có 3 bác sĩ khoa Phẫu thuật lồng ngực và 3 bác sĩ khoa Hồi sức Phẫu thuật tim. 2 tập thể nhận khen thưởng là ekip cấp cứu tua trực ngày diễn ra sự việc (thuộc khoa Cấp cứu) cùng ekip bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê và điều dưỡng dụng cụ, khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức.