Người đàn ông bị đột quỵ khi đang tắm
VnExpress dẫn thông tin trên Daily Mail cho biết, Liam Rudd (30 tuổi, ở Guildford, Anh) bị đột quỵ khi đang tắm tại nhà vào ngày 11/11. Anh được bạn gái Stella Slinger Thompson phát hiện và đưa đi cấp cứu.
Vào ngày 24/12, cặp đôi chia sẻ câu chuyện của mình để nhắc nhở mọi người về các dấu hiệu của bệnh và cách xử lý nhanh chóng. Theo lời kể, ban đầu, Thompson nghĩ rằng bạn trai bị chấn động mạnh do nôn mửa. Tuy nhiên, tại bệnh viện, các bác sĩ xác định anh bị đột quỵ, liệt nửa người bên trái.
Người đàn ông đã trải qua hai cuộc phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông trong não. Ca phẫu thuật thứ nhất kéo dài 6 tiếng. Bác sĩ phải mở hộp sọ để giảm áp lực lên não. Ca mổ thứ hai diễn ra ngày hôm sau do phát hiện thêm một cục máu đông khác. Rudd được gây mê trong ba ngày sau phẫu thuật.
Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân đột quỵ liên quan đến u xơ đàn hồi, một khối u lành tính có thể phát triển trên van tim và gây ra cục máu đông. Nếu không siêu âm, chụp chiếu, sẽ rất khó phát hiện u này.
Trước đó, Rudd được nhận định là một người hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh nền, luôn duy trì ăn uống và tập luyện lành mạnh. Hiện tại, Rudd được điều trị tại khoa đột quỵ, có bạn gái chăm sóc hàng ngày.
Trường hợp của Rudd là lời cảnh báo về sự gia tăng đáng báo động các ca đột quỵ ở người trẻ tuổi. Theo phân tích của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), số nam giới dưới 39 tuổi bị đột quỵ đã tăng gần 25% trong hai thập kỷ qua, trong khi nữ giới cùng độ tuổi chỉ tăng 1%. Các ca đột quỵ trong độ tuổi 50-59 cũng tăng 55% trong 20 năm.
Được biết, mỗi năm, ở Anh có 100.000 người bị đột quỵ và 38.000 người tử vong vì tình trạng này, cứ 5 phút lại có một người đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở Anh.
Kích hoạt báo động đỏ cứu bệnh nhân sốc đa chấn thương
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, đơn vị vừa cứu sống thành công B.T.M. (69 tuổi (Phương Nam, Uông Bí, Quảng Ninh) bị sốc đa chấn thương.
Cụ thể, người bệnh nhập viện trong tình trạng bị sốc đa chấn thương nguy kịch, huyết áp tụt 50/30mmHg. Ngay lập tức, người bệnh được đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, truyền máu cấp cứu, sử dụng thuốc vận mạch kiểm soát huyết áp. Kíp cấp cứu đã nhanh chóng kích hoạt "báo động đỏ" nội viện với sự có mặt của các bác sĩ chuyên khoa để cùng hội chẩn.
Kíp hội chẩn nhận định người bệnh bị sốc đa chấn thương do tai nạn giao thông. Cụ thể, bệnh nhân bị tụ máu dưới màng cứng, chảy máu khoang dưới nhện, dập phổi phải, gãy nhiều xương sườn (từ xương 1-5 bên phải và 9-11 bên trái), gãy hở 1/3 trên 2 xương cẳng chân 2 bên, gãy xương chậu phải.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp với sự tham gia của các bác sĩ khoa Thần Kinh, Chấn thương chỉnh hình, hồi sức để vừa hồi sức trong mổ; vừa phẫu thuật cầm máu, xử trí tổn thương cho người bệnh.
Sau phẫu thuật người bệnh được hồi sức và chăm sóc điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực nội của bệnh viện. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định và đang được chăm sóc phục hồi sau phẫu thuật.
Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của tỉnh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã và đang cấp cứu và điều trị cho rất nhiều trường hợp sốc đa chấn thương.
Việc tổ chức cấp cứu báo động đỏ với sự tham gia của nhiều chuyên khoa diễn ra nhanh chóng, chính xác, tận dụng được thời gian vàng trong cấp cứu, xử lý, kịp thời cứu sống nhiều người bệnh đột quỵ, ngừng tim, tai nạn, thương tích nặng… trên địa bàn tỉnh.
Cần tuân thủ nguyên tắc gì khi sử dụng Oresol để đảm bảo an toàn?
Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, ngày 26/12, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian gần đây, tại khoa Cấp cứu và Chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ vào cấp cứu do tiêu chảy cấp, điển hình là bé trai 9 tháng tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng mất nước nặng và rối loạn ý thức.
Trước đó, trẻ được chẩn đoán mắc tiêu chảy cấp và được chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, gia đình đã pha Oresol không đúng tỷ lệ (chỉ sử dụng nửa gói Oresol với 70ml nước thay vì pha thuốc với 200ml nước đun sôi để nguội như hướng dẫn).
Trẻ vào khoa Cấp cứu và Chống độc trong trạng thái li bì, rối loạn ý thức. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao). Ngay lập tức trẻ được các bác sĩ điều trị bù dịch và điều chỉnh rối loạn điện giải, hiện sau hơn 1 tuần điều trị theo phác đồ, sức khỏe của bé đã ổn định và được ra viện.
Bác sĩ CKII Nguyên Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc cho biết, tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày. Đây là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường do virus như: Rotavirus, Enterovirus, Norovirus, Adenovirus… Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: Vi khuẩn, ký sinh trùng, vệ sinh kém, ăn các thức ăn thức ăn không đảm bảo, do dùng thuốc hoặc dị ứng…
Triệu chứng nổi bật của bệnh là tình trạng mất nước, mỗi trẻ có với các dấu hiệu khác nhau như: Khát nước, nôn, đi ngoài, môi khô, mắt trũng, sụt cân, tùy theo các mức độ. Trong tình trạng nặng có thể gây rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích, nhiễm khuẩn… thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng, Oresol là thuốc giúp bù nước và điện giải hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em, được khuyến cáo dùng trong những trường hợp trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, sốt cao,…
Tuy nhiên, hiệu quả của Oresol chỉ đạt được khi pha đúng liều lượng. Sai lầm trong việc pha thuốc, như pha quá đặc hoặc quá loãng, có thể gây rối loạn điện giải, thậm chí dẫn đến tổn thương não, tử vong ở trẻ nhỏ.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc sau khi sử dụng Oresol: Đọc kĩ hướng dẫn cách pha Oresol trên bao bì, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định…
Ví dụ, một gói Oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha chính xác 200ml nước, không ước lượng hoặc đong bằng các dụng cụ đo lường không chính xác.
Cho trẻ uống Oresol từng thìa nhỏ (với trẻ nhỏ) hoặc từng ngụm (với trẻ lớn). Chỉ sử dụng dung dịch trong vòng 24 giờ sau khi pha.