Loại bỏ khối u nằm ở vùng nguy hiểm cho bé 9 tuổi
Theo VTV Times, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, bệnh nhi Đ.T.Đ. (9 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) có tiền sử đã được phẫu thuật thông não thất tại một bệnh viện tuyến trung ương và trải qua một đợt điều trị hóa chất.
Một số bác sĩ cho rằng tình trạng của bệnh nhi không còn khả năng cứu chữa, thậm chí trong gia đình, có người đã có ý định đưa bệnh nhi về vì không còn hy vọng nào.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nguy kịch: không thể trả lời khi được gọi hỏi, không thực hiện được các yêu cầu như giơ tay hay mở mắt, chỉ có phản ứng cử động tay chân khi được kích thích đau.
Kết quả chụp chiếu cho thấy khối u tuyến tùng phát triển rất nhanh, kích thước lớn hơn 5cm, chèn ép nhiều cấu trúc quan trọng trong não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, vận động và các mạch máu quan trọng trong vùng này.
Khối u vùng tuyến tùng được xem là một thách thức lớn trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Vì là trung tâm của não bộ nên phẫu thuật khối u này rất khó và phức tạp.
U có thể lành tính hoặc ác tính nhưng dù kích thước nhỏ hay lớn, việc phẫu thuật đều gặp nhiều khó khăn. Điều này chủ yếu do vị trí của khối u nằm sâu ở giữa não, khiến việc tiếp cận và xử lý trở nên cực kỳ phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự cẩn trọng tuyệt đối của các phẫu thuật viên thần kinh.
PGS Đồng Văn Hệ chia sẻ thêm, khối u nằm ở vùng nguy hiểm, cụ thể là vùng tĩnh mạch Galen – nơi tập trung 5 tĩnh mạch quan trọng. Trong quá trình phẫu thuật, nếu làm tổn thương bất kỳ tĩnh mạch nào, người bệnh có thể rơi vào tình trạng hôn mê, liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.
Khác với động mạch, thành tĩnh mạch rất mỏng và dễ rách, khiến việc phẫu tích để tách bỏ khối u trở nên vô cùng khó khăn. Chỉ một vết rách nhỏ ở tĩnh mạch cũng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Bệnh nhi đã được phẫu thuật cắt bỏ hết khối u, khỏi liệt, tỉnh táo, chơi ngoan, ăn ngủ tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Đồng Nai ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong liên quan bệnh sởi
Theo TTXVN, ngày 28/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Đây là ca tử vong thứ ba có liên quan đến bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong năm 2024.
Cụ thể, trường hợp tử vong là anh H.M.N. (26 tuổi, ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Bệnh nhân mắc hội chứng Down, tim thông liên thất, vảy nến từ nhỏ, không đi học, giao tiếp khó khăn nên ở nhà với cha mẹ, không được tiêm ngừa các loại vaccine phòng bệnh, trong đó có vaccine sởi.
Ngày 1/12, bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng sốt, ho, người nhà tự mua thuốc về cho uống và theo dõi tại nhà. Ngày 3/12, bệnh nhân phát ban toàn thân, ban nổi từ ngực đến chân, nốt ban dạng chấm đỏ nhỏ, nổi thành từng mảng, có dấu hiệu khó thở, và được nhập viện cấp cứu.
Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm sởi và đặt ống thông tiểu, đặt ống nội khí quản, đồng thời được tiêm một mũi thuốc an thần. Đến ngày 5/12, bệnh nhân được tiên lượng nặng, gia đình đã xin về nhà và tử vong sau đó với chẩn đoán suy hô hấp cấp (viêm phổi nặng), choáng nhiễm trùng từ phổi, theo dõi sởi bội nhiễm, vảy nến, hội chứng Down.
Ngày 23/12, Viện Pasteur TP.HCM trả kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus sởi.
Ngay sau khi ghi nhận sự việc, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Định Quán, Trạm y tế xã Phú Cường điều tra, xác minh thông tin dịch tễ. Đồng thời, tiến hành khử trùng tại nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh.
Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc quệt tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Đặc biệt, tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân và cộng đồng các biện pháp phòng chống bệnh sởi - rubella bằng vaccine.
Trung tâm y tế huyện Định Quán tiếp tục phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện, các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, rà soát những học sinh trong độ tuổi từ 1 -10 chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine có chứa thành phần sởi, để thực hiện tiêm chủng vaccine theo hướng dẫn.
Huyện Định Quán tiếp tục rà soát những trẻ em trên địa bàn chưa được tiêm chủng và chưa tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine, nhất là các đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền để thực hiện tiêm chủng nhằm tăng tỷ lệ bao phủ miễn dịch trên địa bàn.
Riêng Trạm y tế xã Phú Cường có trách nhiệm cập nhật thông tin ca bệnh lên Hệ thống giám sát Bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến ngày 28/12, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6.300 ca mắc sởi, 3 trường hợp tử vong do liên quan đến bệnh sởi. Đến ngày 20/12, có hơn 94.000 trẻ từ 1-10 tuổi được tiêm vaccine sởi – rubella, đạt 97% đối tượng cần tiêm chủng trong chiến dịch lần này.
Cứu sống bé 8 tuổi uống nhầm thuốc trừ sâu đựng trong chai nước ngọt
Theo TTXVN, chiều 28/12, Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, đơn vị vừa cứu sống bệnh nhi P.T.Q. (8 tuổi, trú tại xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị ngộ độc nặng Abamectin – một loại thuốc trừ sâu nguồn gốc vi khuẩn.
Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tím tái, ngừng tim, ngừng thở, nguy cơ tử vong rất cao do uống nhầm thuốc Abamectin được để trong chai nước ngọt.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực, hỗ trợ thở máy và các thuốc vận mạch; hội chẩn với khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện, loại bỏ ngay độc chất với rửa dạ dày bằng than hoạt tính, song song tích cực khai thác thông tin người nhà về tên chính xác của chất ngộ độc.
Đánh giá bệnh nhi vẫn hôn mê sâu, tổn thương phổi rất nặng nề nên bệnh nhi được tiến hành lọc máu hỗ trợ các cơ quan nội tạng bị tổn thương. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhi dần cử động lại được tay chân và sau 1 tuần, bệnh nhi được rút ống nội khí quản. Hiện tại, bệnh nhi phục hồi sức khỏe tốt, không để lại di chứng.
Abamectin là một loại thuốc trừ sâu nguồn gốc vi khuẩn phục vụ trong nông nghiệp, để diệt rầy nâu, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ xít, rệp muội… trên lúa, xoài, cam, cà, dưa hấu, đậu…
Các trường hợp ngộ độc abamectin chủ yếu được báo cáo từ các quốc gia châu Á có nền tảng nông nghiệp, được ghi nhận là gây ra hậu quả nghiêm trọng về thần kinh, tim phổi và đến nay chưa có chất giải độc. Khi uống nhầm chất này, người bị ngộ độc sẽ có các triệu chứng nôn ói, co giật, hôn mê sâu, chậm nhịp tim, suy hô hấp và nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Bệnh viện Trung ương Huế khuyến cáo người dân không để lẫn các thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong các chai nhựa được thiết kế bắt mắt như chai nước ngọt, hộp bánh…, dễ gây nhầm lẫn cho các trẻ nhỏ, phải để xa tầm tay của trẻ em để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.