Nước ngọt, đồ uống có đường
Một số loại nước ngọt có gas là đồ uống ưa thích của nhiều người. Thế nhưng chúng là lựa chọn không tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.
Đầu tiên, nước ngọt rất giàu carbohydrat là đường. Đường trong những loại đồ uống này thường là fructose, một loại đường đơn có thể nhanh chóng đi vào máu, liên quan chặt chẽ đến tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường.
Nước ngọt còn làm tăng mỡ nội tạng, cholesterol và triglyceride có hại. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tiểu đường như gan nhiễm mỡ.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, hãy uống nước lọc, nước khoáng hoặc trà đá không thêm đường.
Chất béo chuyển hóa
Được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến, đồ nướng và thức ăn nhanh, chất béo chuyển hóa làm tăng tình trạng viêm và kháng insulin. Chúng cũng làm tăng cholesterol "xấu" (LDL) và giảm cholesterol "tốt" (HDL), đặc biệt có hại cho những người mắc bệnh tiểu đường vốn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Đồ ăn nhẹ và đồ ngọt đóng gói
Nhiều đồ ăn nhẹ đóng gói, bao gồm khoai tây chiên, bánh quy giòn và bánh ngọt, có nhiều đường tinh luyện, chất béo không lành mạnh và chất bảo quản. Những thành phần này có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng và thường không có các chất dinh dưỡng có lợi như chất xơ, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Sữa chua vị trái cây
Sữa chua là một thực phẩm tốt cho người bị tiểu đường. Tuy nhiên, các loại sữa chua có hương vị lại là chuyện khác.
Sữa chua có vị trái cây được làm từ sữa không béo hoặc ít béo, chứa nhiều tinh bột và đường. Tương tự, yaourt đông đá cũng không tốt vì chúng chứa nhiều đường, có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Người bị tiểu đường nên chọn sữa chua nguyên chất và không có đường để hỗ trợ sức khỏe đường ruột, kiểm soát sự thèm ăn và cân nặng.
Ngũ cốc tinh chế
Ngũ cốc là một thực phẩm lành mạnh nhưng đối với người bị tiểu đường thì ngũ cốc không phải là lựa chọn lý tưởng vì nó chứa nhiều carbohydrat. Đặc biệt là những loại ngũ cốc tinh chế được chế biến kỹ, ít protein và thường bổ sung chất tạo ngọt như đường hoặc mật ong.
Một bữa ăn giàu protein và ít carbohydrat (tinh bột và đường) là lựa chọn tốt cho người bị tiểu đường để kiểm soát cơn đói và giữ lượng đường trong máu được ổn định.
Mật ong và mật hoa
Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn mật ong. Những người bị bệnh tiểu đường thường giảm ăn đường trắng. Họ chuyển sang sử dụng đường nâu và các loại chất tạo ngọt tự nhiên như mật ong, mật hoa, mứt hay sirô.
Mặc dù những chất này không chế biến nhiều nhưng chúng cũng là nguồn cung cấp nhiều carbohydrat dưới dạng đường, có thể gây ra tình trạng viêm và làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, tốt nhất là không nên sử dụng đường dưới mọi thể loại.
Carbohydrate tinh chế
Thực phẩm làm từ bột mì trắng như bánh mì trắng, mì ống và nhiều loại ngũ cốc có tác dụng tương tự như đường trong cơ thể. Chúng nhanh chóng bị phân hủy thành glucose, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mì nguyên hạt và bột yến mạch là lựa chọn tốt hơn vì chúng có tác động chậm hơn và vừa phải hơn đến lượng đường trong máu.
Trái cây sấy khô
Trái cây là một trong những thực phẩm lành mạnh, cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Khi trái cây được sấy khô sẽ loại bỏ nước khiến các thành phần dinh dưỡng được cô đọng. Nhưng đồng thời, lượng đường có trong trái cây cũng trở nên cô đặc hơn.
Bên cạnh đó, trái cây khô thường dễ ăn nên chúng ta có xu hướng ăn nhiều, có thể dẫn đến dung nạp quá nhiều đường, làm tăng lượng đường trong máu và tăng cân.
Những người bị tiểu đường nên ăn nhiều các loại trái cây tươi ít đường, ví dụ như bưởi, dâu tây, táo, cam, lê, bơ, cherry, thơm, lựu... Những loại trái cây này có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trong khi vẫn giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Nước trái cây
Nước trái cây không tốt cho người bị tiểu đường.
Nhiều người nhầm tưởng rằng nước ép trái cây cũng giống như trái cây tươi, thậm chí là tốt hơn trái cây tươi. Nhưng thực tế, nước trái cây, dù là loại 100% không thêm đường cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Lý do là vì khi trái cây ép nước sẽ bị loại bỏ gần như hoàn toàn chất xơ nhưng vẫn giữ nguyên lượng đường có trong nó. Chất xơ khi vào đường ruột sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp kiểm soát lượng đường hấp thu vào máu. Khi trái cây không còn chất xơ, lượng đường sẽ tăng nhanh trong máu.