Trong phiên tòa sơ thẩm vụ đại án Vinashinlines, Giang Kim Đạt bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, Giang Văn Hiển, bố đẻ Giang Kim Đạt, bị tuyên 12 năm tù về tội Rửa tiền. Cho rằng mức án là quá nặng, bố con Giang Kim Đạt đã làm đơn kháng cáo...
Báo Dân trí dẫn nguồn thông tin từ TAND Cấp cao cho biết, ngày 7/3, các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ đại án tham nhũng Giang Kim Đạt tại Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đã nộp đơn kháng cáo lên Toà án nhân dân cấp cao.
Theo đó, Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines, người bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản; Giang Văn Hiển, bố đẻ Giang Kim Đạt, bị tuyên 12 năm tù về tội rửa tiền.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Ngân, mẹ của bị cáo Đạt, cũng có đơn kháng cáo về phần liên quan đến tài sản bất động sản bà đứng tên bị kê biên.
Ngoài ra, 2 bị cáo khác là: Trần Văn Liêm, nguyên tổng giám đốc Vinashinlines, bị tuyên án tử hình vì tội Tham ô tài sản và bị cáo Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines, bị tuyên phạt mức án tù chung thân vì tội Tham ô tài sản. Phần lớn các mức án này đều bị TAND TP Hà Nội tuyên cao hơn so với mức đề nghị án của VKSND TP Hà Nội.
Các bị cáo tại phiên toà - Ảnh: Vnexpress |
Cụ thể, VKS đề nghị, bị cáo Giang Kim Đạt chịu án tử hình, bị cáo Trần Văn Liêm chung thân, bị cáo Trần Văn Khương 20 năm tù giam và bị cáo Giang Văn Hiển 8-9 năm tù giam.
Trao đổi trên báo Dân Việt, ông Giang Văn Hiển cho biết, sau phiên tòa sơ thẩm ông bị ốm phải vào bệnh viện nằm điều trị, hiện sức khỏe vẫn chưa tốt.
Báo Dân Việt cũng cho hay, theo nhận định của Hội đồng xét xử, trên cơ sở lời khai của các bị cáo, luận tội của đại diện VKS, lời bào chữa của các luật sư và các tài liệu chứng cứ trong vụ án, có đủ căn cứ xác định, trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị cáo Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị cáo Khương chiếm đoạt 110.000USD.
Để che giấu nguồn tiền bất chính, bị cáo Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, mua 40 bất động sản gồm nhà ở, biệt thự, đất đai ở TP.HCM, Hà Nội, TP.Nha Trang (Khánh Hòa)… cùng nhiều ô tô đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình.
Điều 278. Tội tham ô tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 251. Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có 1. Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội nhiều lần. 3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp