Bị cáo Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) và Trần Văn Liêm (nguyên tổng giám đốc Vinashinlines) đã bị HĐXX tuyên phạt án tử hình cho cùng tội danh tham ô tài sản.
Theo thông tin trên báo Vietnamplus, chiều 22/2, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt 4 bị cáo trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).
Tòa đã tuyên phạt mức án tử hình đối với hai bị cáo: Trần Văn Liêm (SN 1955, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines) và Giang Kim Đạt (SN 1980, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) về tội Tham ô tài sản.
Cùng tội danh này, bị cáo Trần Văn Khương (SN 1951, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) bị tuyên án chung thân.
Bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950, bố đẻ bị cáo Giang Kim Đạt) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền."
Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản - Ảnh: Vân Thanh/ Tri thức trực tuyến |
Đối với số tiền hơn 260 tỷ đồng mà các bị cáo đã chiếm hưởng bất chính, tòa đã tuyên thu hồi và trao trả nguyên đơn dân sự là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin.
Cùng đưa tin về phiên tòa, báo Vnexpress thông tin, TAND Hà Nội nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, để chiếm đoạt số tiền lớn trong việc mua tàu, thuê tàu. Ba bị cáo Đạt, Liêm, Khương cố xâm hại uy tín đúng đắn, quan hệ quản lý tài sản của cơ quan Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội nên cần có mức hình phạt cao hơn khung hình phạt truy tố.
Bản án xác định, ông Liêm là tổng giám đốc, điều hành toàn bộ công ty, phân công cho Đạt đàm phán giá hoa hồng mua 3 con tàu và báo cáo trực tiếp cho mình. Ông Liêm đồng ý thì Đạt mới thương lượng với đối tác để mua tàu.
Bút lục có trong hồ sơ thể hiện việc ông Liêm chỉ đạo Đạt đàm phán tiền hoa hồng với mức 1-2% giá trị hợp đồng mua tàu.
HĐXX tuyên án - Ảnh: Vietnamnet |
Đạt khai không phải là cán bộ của Vinashinlines, không đóng bảo hiểm, không có hợp đồng lao động mà chỉ là người tìm các công ty môi giới để Vinashinlines mua tàu. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, bị cáo đã dùng hộp thư của Vinashinlines.
Sau khi mua được 3 con tàu, Đạt xin “một ít” nhưng đại diện công ty môi giới không cho. Đạt phải nhờ qua người khác và sau đó nhận được hơn 700.000 USD và trích 150.000 USD cho ông Liêm.
Toàn bộ nhà đất, 2 ôtô thu giữ của Đạt tiếp tục bị kê biên để đảm bảo thi hành án và bồi thường cho nguyên đơn dân sự vì tòa quy kết đã mua bằng tiền do phạm tội mà có.
Toà xác định Vinashin là nguyên đơn dân sự vì hiện tại Vinashinlines vẫn còn nợ tổng công ty này hơn 48 triệu USD tiền mua tàu. Toà kiến nghị Bộ Công an phối hợp với Singapore và Vương quốc Anh để thu hồi căn hộ do Đạt mua ở đây để sung công quỹ.
Hành vi làm giả tài liệu của Đạt, dùng hộ chiếu của người khác bỏ trốn sang Campuchia và Singapore, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố trong một vụ án khác.
Điều 278. Tội tham ô tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 251. Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có 1. Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội nhiều lần. 3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp