Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Vinashinlines) tử hình tội Tham ô.
Báo Vnexpress đưa tin, chiều nay (18/2), sau hơn hai ngày thẩm vấn, đại diện VKS đã đề nghị mức án với các bị cáo trong đại án tham ô 260 tỷ đồng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines.
Theo đó, VKS đề nghị tuyên phạt Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Vinashinlines) tử hình tội Tham ô.
Cùng tội danh với Đạt, VKS đề nghị phạt Trần Văn Liêm (cựu tổng giám đốc Vinashinlines) tù chung thân.
Trần Văn Khương (cựu kế toán trưởng Vinashinlines) 20 năm tù. Với tội danh Rửa tiền, VKS đề nghị tuyên phạt ông Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt) 8-9 năm tù.
VKS khẳng định, bản cáo trạng truy tố Khương, Liêm, Đạt tội Tham ô, ông Hiển tội Rửa tiền là có cơ sở và đánh giá, đây là vụ án nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài. Các bị cáo có chức vụ, hành vi đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
Giang Kim Đạt (đeo kính) cùng các bị cáo liên quan tại thời điểm bị luận tội - Ảnh: An ninh thủ đô |
Cùng đưa tin về vụ việc, báo Dân Việt thông tin thêm, trước đó, sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, cả 4 bị cáo: Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương và Giang Văn Hiển đều cho rằng cáo trạng đã truy tố không đúng.
Trong phần xét hỏi, HĐXX đã áp dụng biện pháp cách ly các bị cáo.
Khai về việc mua tàu biển, bị cáo Trần Văn Liêm cho biết: "Khi thực hiện hợp đồng mua tàu, Giang Kim Đạt có nói với bị cáo về việc sẽ có nguồn tiền đối tác gửi cho để làm quà cho anh em. Tôi hỏi thì Đạt nói không liên quan đến hợp đồng. Tôi hỏi nhiều không thì Đạt nói 'chắc không đáng bao nhiêu đâu anh'".
Bị cáo Liêm thừa nhận, sau khi mua 3 con tàu, bị cáo được Giang Kim Đạt đưa 150 nghìn USD.
Theo lời khai của Trần Văn Liêm, trong khoảng 150 nghìn USD được Giang Kim Đạt đưa, bị cáo giữ lại 40 nghìn USD để giải quyết công việc, còn lại đưa cho bị cáoTrần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines). Nhận tiền, bị cáo Khương nói, cái này không liên quan đến hợp đồng thì chắc là để ngoài sổ sách để chi cho anh em được.
Về phía bị cáo Trần Văn Khương, bị cáo không thừa nhận việc đã nhận tiền từ bị cáo Liêm. Trước lời khai ngược này, HĐXX phải công bố nhiều lời khai, bản tường trình của bị cáo Liêm tại cơ quan điều tra.
VKS đã đề nghị mức án với các bị cáo - Ảnh: Vnexpress |
Cũng theo báo Dân Việt, về phía Giang Kim Đạt, bị cáo này cho rằng số tiền hơn 711 nghìn USD, tương đương hơn 11,4 tỷ đồng là “lệ phí môi giới”. Theo thông lệ quốc tế, lệ phí công ty môi giới được hưởng 1%-5,75% hoặc cao hơn, tùy theo thỏa thuận giữa bên bán tàu và môi giới. Sau khi Đạt đặt vấn đề “xin một ít”, bên môi giới đã chuyển số tiền này để “thưởng cho bị cáo”.
Về hành vi chiếm đoạt tiền chênh lệch giá cước cho thuê chín tàu biển của Vinashinlines, theo truy tố tổng số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng cho thuê chín tàu chuyển về tài khoản của bị cáo Giang Văn Hiển là trên 15 triệu USD (tương đương trên 249 tỷ đồng). Giang Kim Đạt cho rằng việc đàm phán giá cước hoàn toàn công khai, đúng giá thị trường, khoản tiền bố bị cáo nhận được là do bị cáo làm môi giới thương mại, không phải là tiền cước hay gửi giá.
Đối với Giang Văn Hiển, bị cáo này đã phủ nhận toàn bộ lời khai trước đó tại cơ quan điều tra. Bị cáo cho rằng, nguồn tiền có được là do bị cáo môi giới có được, không liên quan gì đến Giang Kim Đạt.
Sau khi đại diện Viện KS đề nghị mức án, các luật sư tiến hành bào chữa cho các bị cáo.
Điều 278. Tội tham ô tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 251. Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có 1. Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội nhiều lần. 3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp