+Aa-
    Zalo

    Bài 2: Vụ giàn khoan 981- Ai sẽ đứng ra kiện Trung Quốc?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đối với các cơ quan tài phán quốc tế, vì đây là việc kiện giữa các quốc gia với nhau nên người đứng kiện phải là Nhà nước, là Chính phủ, phải thông qua con đường ngoại giao để đệ trình.

    (ĐSPL) –Việc Trung Quốc gây hấn và ngang nhiên đưa giàn khoan trái phép và tàu quân sự cùng tàu công vụ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.

     

    Ai có thể là người đứng ra khởi kiện?

    Ở đây có hai loại cơ quan tài phán quốc tế. Loại cơ quan tài phán quốc tế thứ nhất là Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ. Đối với tòa án này, chúng ta nên lập hồ sơ để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của chúng ta đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng, Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ chỉ xem xét vụ việc khi có sự chấp thuận của tất cả các bên liên quan, trong khi đó, chúng ta có thể nhìn thấy trước Trung Quốc sẽ không chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ.

    Nhưng dù có thế thì chúng ta vẫn nên làm bởi lẽ, việc lập hồ sơ để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của chúng ta đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nó có ý nghĩa chính trị pháp lý rất lớn, nó cũng là căn cứ để chúng ta chia sẻ với quốc tế cũng như nhân dân Việt Nam rằng căn cứ pháp lý đã được xây dựng đầy đủ trong bộ hồ sơ này.

    Về phía Trung Quốc, nếu họ từ chối việc đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế thì hành vi từ chối của họ sẽ làm bộc lộ những tuyên bố yêu sách chủ quyền không có căn cứ pháp luật nên họ sợ, họ phải từ chối. Đó cũng là một thách thức rất lớn đối với Trung Quốc, cho nên chúng ta vẫn nên làm việc này.

    Bài 2: Ai sẽ kiện, kiện ở đâu?

    Tiến sĩ Luật Quốc tế Hoàng Ngọc GiaoViện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, Pháp luật và Phát triển, nguyên Phó trưởng Ban Biên giới Chính phủ.

    Loại cơ quan tài phán thứ hai có liên quan trực tiếp đến biển hay các quyền chủ quyền trên biển, đó là Tòa án Luật biển theo Công ước năm 1982. Thẩm quyền của tòa án Luật biển là giải quyết tất cả vụ việc phát sinh, tranh chấp hoặc vi phạm liên quan đến việc áp dụng Công ước Luật biển năm 1982, trong trường hợp giàn khoan của Trung Quốc cùng các tàu quân sự xâm phạm và có những hành vi gây hấn tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì chúng ta nên xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra Toán án Luật biển theo quy định của Công ước năm 1982.

    Đối với các cơ quan tài phán quốc tế, vì đây là việc kiện giữa các quốc gia với nhau nên người đứng kiện phải là Nhà nước, là Chính phủ, phải thông qua con đường ngoại giao để đệ trình.

    Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng quyền tài phán quốc gia của chúng ta. Chúng ta biết rằng, phạm vi lãnh thổ quốc gia của mỗi nước cũng như ở các vùng mà quốc gia đó có quyền tài phán ví dụ như ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế…, thì các quốc gia hay nhà nước ở trên vùng lãnh thổ của quốc gia đó có quyền thực thi các biện pháp pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền thực thi pháp luật. Đó gọi là quyền tài phán. Cho nên trong vụ việc mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã gây hại về vật chất đối với các ngư dân, thì các ngư dân của chúng ta hoàn toàn có quyền khởi kiện họ.

    Hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Hải Dương cũng gây thiệt hại về kinh tế cho hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, vậy thì Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng có quyền được khởi kiện ra trước tòa án của Việt Nam.

    Bên cạnh đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng có thể khởi kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc bởi vì trong quá trình hoạt động của Hội nghề đánh bắt cá thì họ bị ngăn cản, cản trở. Thực tế cho thấy, bây giờ cứ ra ngoài đảo Lý Sơn cách khu vực giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép khoảng 10 hải lý thì Trung Quốc đã ngăn chặn không cho vào, người dân Lý Sơn cũng không thể vào trong khu vực đó để đánh cá được nữa.

    Đặc biệt, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hiện nay, kể cả 1 người dân làm nghề đánh cá cũng có quyền khởi kiện.

    Đây là những vụ kiện có tính chất kinh tế dân sự, thể hiện việc Tòa án Việt Nam thực hiện quyền tài phán của mình trong phạm vi lãnh thổ quốc gia cũng như trên những vùng biển mà Việt Nam có quyền tài phán được Luật Biển quốc tế công nhận.

    Hồ sơ khởi kiện gồm những gì?

    Nếu ta khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế để khẳng định chủ quyền về lãnh thổ đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì về mặt nội dung, chắc chắn chúng ta phải đưa ra được những chứng cứ thuyết phục về việc nhà nước Việt Nam chiếm hữu, kiểm soát, quản lý một cách liên tục và hòa bình những hòn đảo mà trước đó không có nhà nước nào tuyên bố chủ quyền, chiếm hữu hoặc tranh chấp với Việt nam. Chúng ta phải chứng minh được điều đó cả về mặt lịch sử, cả về mặt pháp lý.

    Chiếm hữu về mặt nhà nước có nghĩa là thực hiện các hành vi mang tính nhà nước. Như chúng ta đã biết, dưới thời kỳ nhà Nguyễn, chúa Nguyễn đã từng cử những đội hải binh Hoàng Sa, Trường Sa ra các đảo đó để tuần tra, kiểm soát. Sự chiếm hữu về mặt nhà nước còn thể hiện trong quan hệ quốc tế. Vào khoảng thế kỷ thứ XVII – thế kỷ thứ XVIII, một số các tàu buôn của Hà Lan khi muốn vào các vùng biển của Trường Sa, Hoàng Sa đã từng phải ghé qua để xin phép triều đình nhà Nguyễn. Điều đó thể hiện rằng, ở thời điểm đó, Nhà nước Trung Hoa chưa hề có sự hiện diện tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.

    Về mặt hồ sơ thì phải theo quy tắc tố tụng của cơ quan tài phán. Điều này đòi hỏi sự công phu và sự chuẩn bị hết sức cẩn thận, đòi hỏi trí tuệ của cả một tập thể gồm các chuyên gia, các luật sư, các nhà nghiên cứu. Trong trường hợp của Việt Nam, chúng ta cũng nên huy động thêm sự tham gia của các luật sư quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, không chỉ ở trong khu vực mà kể cả ở các nước phát triển như Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp… Từ những năm 90 thế kỷ trước đã có nhiều học giả, chuyên gia quốc tế đã cùng với các chuyên gia Việt nam nghiên cứu về các vấn đề lịch sử và pháp lý liên quan tới Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Có thể nói kho lưu trữ để chứng minh về quyền lịch sử và sự hiện diện về mặt nhà nước của chúng ta là tương đối phong phú. Vấn đề bây giờ là phải tập hợp lại để chuẩn xác các hồ sơ và chuẩn bị được bộ hồ sơ theo đúng quy tắc tố tụng của cơ quan tài phán.

    Hồ sơ chứng minh về lịch sử bao gồm các sự kiện lịch sử, những văn kiện của Nhà nước Việt nam qua suốt các triều đại, những công bố, tuyên bố về mặt nhà nước của các quốc gia khác liên quan tới Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, những tài liệu ký kết thương mại, kinh tế nhưng trong đó có thể hiện vấn đề công nhận chủ quyền, bản đồ qua những thời kỳ khác nhau gồm cả bản đồ quốc tế và bản đồ quốc gia trình ra tòa để xem xét về tính lịch sử và xem xét về sự thừa nhận của các quốc gia… Vậy nên chắc chắc bộ hồ sơ đó sẽ rất lớn, cần sự chuẩn bị rất công phu.

    Quy trình khởi kiện thế nào?

    Trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hợp Quốc, chúng ta nên có sự trao đổi trước với Trung Quốc, và có thể với các quốc gia liên quan ven biển Đông. Nên lưu ý rằng, không chỉ mình Việt Nam có yêu sách về vấn đề chủ quyền trên các quần đảo của Trường Sa và Hoàng Sa mà có cả Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Do đó, chúng ta cần tham vấn các quốc gia có liên quan, không loại trừ khả năng chúng ta có thể mời được họ cùng tham gia với chúng ta trong vụ kiện này.

    Chúng ta khởi kiện về việc xác định chủ quyền về các quốc gia ven biển Đông tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ đòi lại chủ quyền hợp pháp của mình theo Công pháp quốc tế, mà chúng ta cũng đang thể hiện rằng chúng ta sẵn sàng giải quyết việc phân định chủ quyền đối với các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Pháp luật và Tập quán Quốc tế, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982.

    Bài 2: Ai sẽ kiện, kiện ở đâu?

    Các tàu của Trung Quốc mở vòi rồng, sẵn sàng hướng tấn công vào các tàu của Việt Nam.

    Trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án Luật biển để chống lại hành vi xâm phạm của Trung Quốc tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế thì chúng ta cũng cần có một hành động ngoại giao là trao đổi trước với phía Trung Quốc, rằng trước tình hình đang bế tắc như thế này, Việt Nam đề nghị không còn gì để đàm phán bởi Trung Quốc đã vi phạm rất rõ ràng. Và để có căn cứ pháp lý thì Việt Nam sẽ đưa vụ kiện này ra Tòa án Luật biển quốc tế, đề nghị Trung Quốc hợp tác. Còn nếu Trung Quốc từ chối thì chúng ta công bố với thế giới rằng, Việt Nam muốn đưa vụ việc này ra Tòa án Luật biển nhưng Trung Quốc đã từ chối. Tuy vậy, Việt Nam vẫn khẳng định rằng Việt Nam cần phải bảo vệ quyền chủ quyền của mình tại Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa bằng biện pháp hòa bình, thông qua một cơ quan tài phán quốc tế - là Tòa án Luật Biển. Dù Trung quốc có hợp tác hay không trong việc đưa ra vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 ra Tòa án Luật Biển, Chính phủ Việt nam nên cho lập bộ hồ sơ khởi kiện và tiến hành ngay các thủ tục tố tụng cần thiết tại Tòa án Luật Biển. 

    Tiến sĩ Luật Quốc tế Hoàng Ngọc Giao
    (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, Pháp luật và Phát triển, nguyên Phó trưởng Ban Biên giới Chính phủ)

    Mời độc giả đón đọc bài 3: Kiện cách nào cho chắc thắng?

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-2-vu-gian-khoan-981--ai-se-dung-ra-kien-trung-quoc-a33903.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan