+Aa-
    Zalo

    Bài 1: Kiện Trung Quốc vụ giàn khoan, Việt Nam đã có “nỏ thần”!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trên mặt trận pháp lý quốc tế, Việt Nam có những lợi thế mà Trung Quốc không có. Luật pháp quốc tế là tử huyệt của họ, song lại là chiếc “nỏ thần” của ta trong thời đại mới.

    (ĐSPL) - Trên mặt trận pháp lý quốc tế, Việt Nam có những lợi thế mà Trung Quốc không có. Luật pháp quốc tế là tử huyệt của Trung Quốc, song lại là chiếc “nỏ thần” của Việt Nam trong thời đại mới.

    LTS: Nhiều luật sư tin rằng bằng những chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu khởi kiện việc Trung Quốc đặt giàn khoan khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng tiến hành khởi kiện như thế nào? Trình tự vụ kiện ra sao? Có nên khởi kiện ngay ở trong nước trước khi đưa ra tòa án quốc tế như ý kiến của nhiều luật sư đã đề xuất? Ai là người đứng ra kiện và trong thời gian bao lâu? Báo Đời sống Pháp luật khởi đăng loạt bài “Bao giờ Việt Nam kiện Trung Quốc?” nhằm lý giải những vấn đề trên. 

    Theo PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế, việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ Bắc – 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự, rõ ràng là hành vi xâm phạm chủ quyền đặc biệt nghiêm trọng.

    Điều 57 của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 quy định rằng chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển sẽ không vượt quá 200 hải lý, đồng thời tại điều 76 của Công ước quy định một trong những cách lựa chọn để xác định chiều rộng của thềm lục địa của một quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý. 

    Bài 1: Kiện Trung Quốc, Việt Nam đã có “nỏ thần”!

    PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế.

    Cách xác định khác lớn hơn 200 hải lý, đó là nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. Như vậy, theo 4 cách xác định chiều rộng thềm lục địa, 200 hải lý là khoảng cách xác định nhỏ nhất. Chiểu theo ranh giới 200 hải lý sẽ thấy vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản, đó quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếu theo điều 56 và điều 76 của Công ước Luật biển. Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan nhằm mục đích thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên gắn liền với đáy biển của thềm lục địa nằm hoàn toàn trong nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển, đó là Việt Nam.

    Quyền tài phán của quốc gia trong vùng biển này là quyền được cấp phép cho phép các quốc gia khác lắp đặt xây dựng các công trình nổi trên biển. Giàn khoan Hải Dương 981 là một công trình nổi trên biển mà Trung Quốc đã đưa vào và hạ đặt trong thềm lục địa của Việt Nam khi không được sự đồng ý của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc vi phạm quyền tài phán của Việt Nam.

    Bên cạnh đó, các tàu của Trung Quốc đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật – tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư – của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa nghiêm trọng tính mạng.

    Bài 1: Kiện Trung Quốc, Việt Nam đã có “nỏ thần”!

    Với những hành động ngang ngược của mình, Trung Quốc không có trong tay cả pháp lý và đạo lý.

    “Khu vực giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, TS Diến khẳng định.

    Hành vi của Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến, máy bay quân sự hộ tống giàn khoan 981, dùng vòi rồng, dùng tàu đâm va và cản trờ cảnh sát biển Việt Nam và ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động hoàn toàn phi pháp trong chiến lược hợp pháp hóa hành động xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tạo thế có lợi cho việc đàm phán với Việt Nam nếu có thể trong tương lai, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp.

    Phân tích sâu hơn, PGS.TS Nguyễn Bá Diến cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là hiện thực hóa đường lưỡi bò, một bước rất nguy hiểm trong tham vọng bành trướng bá quyền độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. “Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa vào các năm 1956, 1974, Trường Sa 1988. Họ ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, tiến hành cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, công khai chào thầu 9 lô dầu khí và đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vừa qua, đã thể hiện âm mưu đầy tham vọng của Trung Quốc là muốn nuốt trọn biển Đông”.

    Theo TS Diến, với những hành động nêu trên, Trung Quốc đã vi phạm một loạt các văn bản quốc tế.

    Cụ thể, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp quốc, các Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế tuyên bố ngày 24/10/1970; Vi phạm Công ước Luật biển 1982 (Trung Quốc phê chuẩn năm 1996), vi phạm các quy định về ứng xử của các bên trong biển Đông ký giữa Asean và Trung Quốc năm 2002. Vi phạm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải pháp vấn đề trên biển giữa 2 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký ngày 10/11/2011 tại Bắc Kinh.

    “Với bộ hồ sơ, căn cứ pháp lý như vậy chúng ta có quyền đưa ra các cơ quan Liên Liên Hiệp quốc, Đại hội đồng Bảo An Liên Hiệp quốc, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc. Căn cứ lập luận, chứng cứ pháp lý và văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam có đầy đủ có thể khởi kiện việc Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam. Dựa vào kho chứng cứ khổng lồ, Việt Nam có thể đưa ra các tổ chức Quốc tế: tòa án Công lý Quốc tế, tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, tòa án Luật Biển, tòa án trọng tài đặc biệt của Công ước Luật Biển.

    “Thời cơ đến rồi, không còn chần chừ nữa”, TS Diến nói và cho rằng, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện bộ hồ sơ pháp lý, hoàn thiện chứng cứ lập luận của mình, tập hợp các chuyên gia pháp lý Việt Nam làm lực lượng nòng cốt trên mặt trận pháp lý quốc tế. Trên mặt trận này, Việt Nam có những lợi thế mà Trung Quốc không có.

    “Trung Quốc lâu nay đuối lý, thấp lý, phi lý, đó là điểm yếu của Trung Quốc. Luật pháp quốc tế chính là tử huyệt của Trung Quốc nhưng chính là một trong những “nỏ thần” của Việt Nam trong thời đại mới”, TS Diến nhận định.

    Mời độc giả đón đọc bài 2: Ai đứng ra kiện? Kiện ở đâu?

    Xem thêm clip Máy bay trinh sát Trung Quốc quay lại hoạt động của tàu Cảnh sát biển Việt Nam:

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-1-kien-trung-quoc-vu-gian-khoan-viet-nam-da-co-no-than-a33863.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan