(ĐSPL) – “Việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên cả vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta là sai, vì vậy mà các ngư dân của ta vẫn hoạt động bình thường”.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết như trên khi trao đổi nhanh với báo Đời sống và Pháp luật chiều 21/5 xung quanh việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Trước thông tin cho rằng, ngay sau khi đơn phương ban hành lệnh đánh bắt cá trên biển Đông, Trung Quốc đã cho lực lượng cảnh sát biển cùng các lực lượng ngư chính, hải giám của mình thường xuyên tăng cường tuần tra trên biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài, họ thường quấy nhiễu, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu, ông Thắng cho rằng, kể cả khi không có "lệnh cấm" này thì tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên gây khó khăn cho các tàu của Việt Nam đang hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và hiện tượng này vẫn thường xuyên lặp lại.
|
Hội nghề cá Việt Nam khẳng định ngư dân vẫn hoạt động bình thường sau lệnh cấm phi lý của Trung Quốc. |
Về phía Hội nghề cá Việt Nam, ông Thắng cho biết, Hội cũng luôn đề nghị các cơ quan hữu quan và cơ quan chấp pháp của Việt Nam tăng cường bảo vệ cho các hoạt động của ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, đồng thời cần tăng cường các lực lượng cảnh sát biển, lực lượng tàu kiểm ngư để tham gia vào các hoạt động bảo vệ chủ quyền cũng như bảo vệ các ngư dân của Việt Nam khi tiến hành các hoạt động đánh bắt cá trên biển.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, "lệnh cấm" đánh bắt cá của Trung Quốc chỉ có hiệu lực trên vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. “Đối với tất cả các ngư dân đang hoạt động tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, lệnh cấm ấy hoàn toàn không có giá trị”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm, thực ra việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm bắt cá từ nhiều năm nay. Thông thường, Trung Quốc vẫn quy định cấm đánh bắt cá có thời hạn, đúng hơn là quy định ngừng khai thác có thời hạn, thường là từ 15/5- 30/8. Đây là quy định chung trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo quy định này, tất cả các nghề đều bị cấm, trừ nghề câu, lồng bẫy và lưới rê, thường thì vùng bị cấm là từ 5 độ vĩ Bắc lên hết vùng biển phía Bắc. “Nhưng lần này, Trung Quốc lại đơn phương tuyên bố cấm ngay cả trong vùng biển không thuộc chủ quyền của mình, đó là một vùng quá rộng lớn, thể hiện tham vọng của Trung Quốc tuyên bố cấm cả vùng đường lưỡi bò”, ông Trung cho hay.
Theo các tin tức đã đưa, mới đây, Trung Quốc ngang ngược áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong vòng 2 tháng rưỡi bắt đầu từ ngày 16/5. Tân Hoa xã cho rằng đây là lệnh cấm đánh bắt cá thường niên, áp dụng kể từ năm 1999, sẽ có hiệu lực từ ngày 16/5-1/8/2014. Hồi đầu năm 2014, Trung Quốc còn áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hết sức phi lý ở biển Đông. Lệnh này buộc các tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) nếu muốn hoạt động nghề cá tại khu vực mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền, vốn bao phủ gần trọn biển Đông. Tỉnh Hải Nam đã ban hành quy định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền Trung Quốc nếu muốn đánh bắt trong “vùng quản lý” của tỉnh Hải Nam. "Vùng quản lý" tự nhận này vốn bao trùm hơn 2/3 biển Đông, theo AFP. Cũng theo lệnh cấm này, những tàu vi phạm sẽ bị phạt gần 83.000 USD, bị tịch thu dụng cụ đánh bắt và hải sản. Lệnh cấm này đã được thông qua hồi tháng 11/2013 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, theo AFP. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lenh-cam-danh-bat-ca-cua-trung-quoc-vo-gia-tri-a33836.html