+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 20/8/2024: Bé 9 tuổi bị rắn cắn khi đang chơi trong nhà

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 20/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 20/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bé 9 tuổi bị rắn cắn khi đang chơi trong nhà

    Theo VietNamNet, tai nạn xảy ra với bệnh nhi 9 tuổi ở huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) vào ngày 15/8. Người nhà cho biết, bệnh nhi đang chơi trong nhà thì bị rắn không rõ loại cắn vào ngón chân. Sau đó, ngón chân chảy máu, bệnh nhi đau nhiều, người nhà đã dùng thuốc nam đắp vào vết thương rồi đưa đến cơ sở y tế.

    Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Lúc này, vùng tổn thương do rắn cắn bị sưng nề, có dấu hiệu hoại tử ngón 4 bàn chân trái. Bệnh nhi được truyền dịch, kháng sinh và chuyển lên tuyến trên.

    Các bác sĩ cho biết, khoảng thời gian mưa nhiều, ẩm ướt như hiện nay là điều kiện thuận lợi để các loài rắn hoạt động mạnh. Nếu không may bị rắn độc cắn, bệnh nhân có thể tử vong, thường là suy hô hấp do liệt cơ.

    Các loại rắn gây liệt thường là cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ mang, rắn biển… Liệt cơ thường xuất hiện từ một đến vài giờ sau khi bị rắn cắn. Một số trường hợp vết cắn vào tĩnh mạch, bệnh nhân liệt rất nhanh ngay sau khi gặp tai nạn. Không ít người có thể bị liệt cơ, suy hô hấp và tử vong trên đường vận chuyển tới cơ sở y tế.

    Tuyệt đối không tự ý dùng lá thuốc chữa rắn cắn, trích rạch hay chữa bằng mẹo,... khi bị rắn cắn. Ảnh minh họa: Dân Trí

    Tuyệt đối không tự ý dùng lá thuốc chữa rắn cắn, trích rạch hay chữa bằng mẹo,... khi bị rắn cắn. Ảnh minh họa: Dân Trí

    Dưới đây là các bước xử trí khi bị rắn cắn:

    - Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.

    - Trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.

    - Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương.

    - Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, hoặc bằng nước sạch.

    - Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

    - Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, khẩn trương đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất (có thể cầm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn). 

    Lưu ý, tuyệt đối không tự ý dùng lá thuốc chữa rắn cắn, trích rạch hay chữa bằng mẹo,... khi bị rắn cắn. Điều này có thể làm tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng như hoại tử mức độ tối đa, biến chứng nặng hoặc tử vong.

    Hà Nội ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay

    Báo Tin Tức dẫn thông tin từ đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 9/8-16/8, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 274 ca sốt xuất huyết; tăng 86 trường hợp so với tuần trước đó; thêm 15 ổ dịch sốt xuất huyết tại 8 quận, huyện. 

    Các ca mắc tập trung nhiều tại một số quận, huyện như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng...

    Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.

    Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, hiện thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

    Theo kết quả giám sát tại một số ổ dịch sốt xuất huyết vẫn ghi nhận chỉ số muỗi, bọ gây cao vượt ngưỡng nguy cơ.

    Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 7 ca mắc ho gà, tăng 2 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 222 ca mắc ho gà, tại 29 quận, huyện, thị xã.

    Năm nay, bệnh ho gà gia tăng đột biến, trong khi cùng kỳ năm 2023 Hà Nội không có ca bệnh ho gà nào. Bệnh nhân ho gà chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

    Trước tình hình các dịch bệnh vẫn gia tăng, CDC Hà Nội đã đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cần tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch.

    Đồng thời, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.

    Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp ngành GD&ĐT thành phố tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch bệnh, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch.

    Với các bệnh có vaccine, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn để có miễn dịch phòng bệnh.

    Nguyên nhân khiến ban đỏ lan rộng toàn thân cụ ông, ngứa ngáy dữ dội

    Theo báo Nhà Báo & Công Luận, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa thông tin, trước khi nhập viện hai ngày, ông P.Q.G (78 tuổi, ở Hà Nội) có triệu chứng sốt, mệt mỏi, chán ăn và đi ngoài.

    Ngay ngày hôm sau, cơ thể xuất hiện ban đỏ tại một vài điểm, nhưng chỉ trong vòng một ngày, ban đỏ lan rộng toàn thân với tốc độ nhanh chóng, kèm theo ngứa ngáy dữ dội, sốt, suy giảm ý thức và xuất hiện loét do gãi.

    Bệnh nhân được người nhà đưa vào cơ sở y tế và được chẩn đoán: theo dõi phản vệ nghi do dị ứng thuốc, theo dõi nhiễm khuẩn huyết, suy gan và suy thận cấp. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, được tiếp nhận và điều trị tích cực tại khoa Nội Tổng hợp.

    Người bệnh có tiền sử bệnh lý rất phức tạp, bao gồm suy đa tạng, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và gút mạn tính. Ảnh: Nhà Báo & Công Luận

    Người bệnh có tiền sử bệnh lý rất phức tạp, bao gồm suy đa tạng, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và gút mạn tính. Ảnh: Nhà Báo & Công Luận

    Sau gần một tháng điều trị liên tục và nghiêm ngặt, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hiện đã dần ổn định. Các nốt dị ứng đã giảm bớt, ông đã qua giai đoạn nguy hiểm.

    Người nhà bệnh nhân cho biết: “Ông mắc nhiều bệnh nền, vì thế hàng ngày ông sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau".

    TS.BS Trần Thị Hải Ninh – Trưởng khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Qua khai thác bệnh sử chúng tôi được biết bệnh nhân có tiền sử bệnh lý rất phức tạp, bao gồm suy đa tạng, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và gút mạn tính.

    Những bệnh nền này đã làm tăng nguy cơ phản ứng phụ khi sử dụng thuốc điều trị. Trường hợp của bệnh nhân là một minh chứng rõ ràng về dị ứng thuốc điều trị các bệnh mãn tính ở những bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt là những người có nhiều bệnh nền".

    Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh khuyến cáo: "Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc mới hoặc không rõ nguồn gốc. Đối với những người cao tuổi có nhiều bệnh nền thì việc thăm khám định kỳ là rất cần thiết để phát hiện sớm và quản lý kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn. Qua đó cũng giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh để điều chỉnh liệu pháp điều trị nếu cần và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-20-8-2024-be-9-tuoi-bi-ran-can-khi-ang-choi-trong-nha-a457779.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan