3 người cùng một nhà nhập viện sau khi ăn nấm
Báo Lào Cai đưa tin ngày 15/8, tại xã La Pan Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) xảy ra vụ ngộ độc sau ăn nấm khiến 3 người trong một gia đình phải nhập viện.
Cụ thể, khoảng 15h45 ngày 15/8, anh H.C. (36 tuổi, trú tại thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương) khi làm vườn đã hái khoảng 1kg nấm có màu trắng mọc ở thân cây gỗ mục trong vườn mang về nhà để nấu ăn tối.
Trong bữa ăn tối có 4 món gồm: nấm xào (khoảng 800g), canh rau bí, cá khô và cơm. Sau khi ăn khoảng 40 - 50 phút, cả 3 người ăn (vợ anh C., con dâu và con trai) đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn và nôn.
Đến khoảng 22h08 cùng ngày, 3 người đã được người nhà đưa đến Phòng khám Đa khoa khu vực Cao Sơn và được chẩn đoán ngộ độc chất độc do ăn thực phẩm (ngộ độc nấm không rõ loại).
Các bệnh nhân được xử trí sơ cứu ngộ độc ban đầu: Rửa dạ dày, truyền dịch, lợi tiểu, nhuận tràng, sau đó được chuyển về khoa Hồi sức - Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương để tiếp tục điều trị. Ngày 16/8, cả 3 bệnh nhân đã ổn định, không còn các biểu hiện ngộ độc thức ăn.
Qua điều tra dịch tễ và triệu chứng lâm sàng của các bệnh nhân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (nấm rừng).
Đây là loại nấm có kích thước trung bình, cao khoảng 5cm, đường kính mũ nấm khoảng 4 - 5cm, có màu trắng, phiến rộng, giữa phiến nấm có màu vàng. Trung tâm Y tế Mường Khương đã lấy được khoảng 200g nấm tươi (số nấm còn lại mà gia đình anh C. chưa chế biến) để gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm tìm độc tố.
Nam thanh niên phản vệ độ 4 nghi do thuốc tê
Báo Đồng Nai đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) vừa có báo cáo nhanh gửi Sở Y tế về một trường hợp ngưng hô hấp tuần hoàn ngoại viện nghi do phản vệ thuốc tê.
Theo lời kể của người đưa bệnh nhân nam N.H.T.K. (22 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vào viện, khoảng 17h ngày 11/8, bệnh nhân đi nhổ răng, được gây tê bằng một loại thuốc. Sau khi tiêm thuốc khoảng 15 phút, bệnh nhân khó thở kiểu nuốt nghẹn, mệt, tái mặt dần và được xử trí bằng 3-4 ống adrenalin tiêm bắp.
Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp. Các y, bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ép tim, dùng thuốc, đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bệnh nhân khẩn trương được ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng qua nội khí quản, dùng thuốc. Sau khi hồi sinh tim phổi thành công, bệnh nhân được chuyển đến khoa Tim mạch can thiệp để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời rồi chuyển đến khoa Hồi sức tích cực.
Ở khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân tiếp tục được cho thở máy, truyền thống, kháng sinh, hội chẩn toàn viện để đưa ra hướng xử trí tiếp theo cho bệnh nhân.
Từ lúc nhập viện đến ngày 16/8, bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử dãn, sốt cao từng cơn, mạch dao động từ 120-140 lần/phút… tiếp tục được điều trị, chăm sóc, lọc máu liên tục.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chẩn bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn đã hồi sinh, phù não lan tỏa, block tim hoàn toàn độ 3 đã được đặt máy tạo nhịp, phản vệ độ 4 nghi do thuốc tê, viêm phổi, suy đa cơ quan.
Cứu người đàn ông bị sốt xuất huyết Dengue nặng, suy đa tạng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho biết, vừa qua đơn vị đã tiếp nhận nam bệnh nhân V.M.G. (54 tuổi, ngụ tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nhập viện trong tình trạng động kinh, xơ gan do rượu, sốt xuất huyết Dengue.
Khai thác tiền sử, các bác sĩ thông tin, bệnh nhân G. đã nghiện rượu khoảng 20 năm. Hơn 10 năm trước, bệnh nhân đã được chẩn đoán xơ gan và động kinh do rượu, nhưng không điều trị.
Ngày 16/7, bệnh nhân lên cơn co giật toàn thân, nhãn cầu đảo ngược, sau đó tỉnh lại rất chậm, mệt nhiều, nên tự bắt xe xuống Bệnh viện 19-8 thăm khám.
Đến ngày 31/7, nam bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực do suy hô hấp, tụt huyết áp, rối loạn nhịp, rối loạn đông máu.
Sau khi kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi, sốt xuất huyết Dengue nặng, xơ gan, động kinh, tiền sử lạm dụng bia rượu.
Hai ngày sau, nam bệnh nhân rơi vào hôn mê gan, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận cấp, phải thở máy và lọc máu liên tục, rơi vào tình trạng nguy cấp.
Ths.BS Bùi Nam Phong - Trưởng Khoa Điều trị tích cực - Chống độc Bệnh viện 19-8 cho biết, các bác sĩ đã quyết định can thiệp kỹ thuật cao là thở máy bảo vệ phổi theo ARDS.NET, lọc máu liên tục và lọc máu đào thải CO2.
"Lọc máu đào thải CO2 là kỹ thuật cao, mới nhất trong ngành hồi sức cấp cứu. Phương pháp này loại bỏ CO2 ở những bệnh nhân nguy kịch do viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, phổi tắc nghẽn mãn tính hay các trường hợp tăng CO2 máu mà việc hỗ trợ máy thở thông thường không đủ", Ths.BS Bùi Nam Phong chia sẻ.
Sau thời gian tích cực điều trị, ngày 15/8, bệnh nhân đã dừng lọc máu, dừng thuốc vận mạch, cai thở máy rút ống nội khí quản. Hiện bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng hô hấp, vận động.
Theo Ths.BS Bùi Nam Phong, được sự chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại Khoa Điều trị tích cực – Chống độc Bệnh viện 19-8 đã cập nhật, đưa vào triển khai quy trình kỹ thuật mới này và trở thành một trong những trung tâm ICU đầu tiên trong cả nước thực hiện được kỹ thuật đào thải CO2 trong điều trị bệnh nhân suy hô hấp nặng.