+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 16/8/2024: Loại hạt khiến người phụ nữ bị thủng ruột non

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 16/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Loại hạt khiến người phụ nữ bị thủng ruột non

    Theo báo Dân Trí, ngày 15/8, Bệnh viện E thông tin về ca bệnh đặc biệt, bệnh nhân thủng ruột vì hạt táo đỏ. Cụ thể, người phụ nữ 65 tuổi ở Bắc Giang được đưa đến Bệnh viện E cấp cứu đầu tháng 8, trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng quanh rốn, đau tăng nhiều vùng thượng vị, bụng chướng, bí trung đại tiện, kèm sốt…

    Ths.Bs Nguyễn Khắc Điệp ở khoa Phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện E cho biết, khai thác tiền sử, bệnh nhân trước đó có biểu hiện đau bụng và đi khám ở một cơ sở y tế, được chẩn đoán có dị vật trong ống tiêu hóa.

    Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành khám lâm sàng và chỉ định cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chiếu chụp cần thiết…

    "Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy hình ảnh dị vật trong lòng kèm dày nhẹ thành quai hỗng tràng trước thận trái, thâm nhiễm và có hạch xung quanh. Chúng tôi nhanh chóng xác định người bệnh bị dị vật đâm thủng ruột non", bác sĩ Điệp thông tin.

    Bệnh nhân chỉ nhớ trước đó có ăn yến chưng, có thể do nhai không kỹ, người bệnh đã nuốt cả hạt táo đỏ mà không biết. Ảnh: Dân Trí

    Bệnh nhân chỉ nhớ trước đó có ăn yến chưng, có thể do nhai không kỹ, người bệnh đã nuốt cả hạt táo đỏ mà không biết. Ảnh: Dân Trí

    Các bác sĩ quyết định thực hiện can thiệp lấy dị vật. Tuy nhiên, bệnh nhân có tiền sử mổ van hai lá sinh học, tạo hình van ba lá và đang sử dụng thuốc chống đông máu, do đó các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn chuyên khoa tim mạch để đảm bảo cuộc mổ an toàn cho người bệnh.

    Ngoài việc bệnh nhân phải dừng hoàn toàn thuốc chống đông, truyền máu nhằm làm tăng khả năng đông máu trước khi tiến hành phẫu thuật, việc sử dụng thuốc điều trị, liều lượng cũng được bác sĩ tính toán, "cân đo đong đếm" cẩn thận nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, biến chứng trong và sau mổ cho người bệnh.

    Theo bác sĩ Điệp, khi phẫu thuật đã lấy được dị vật là hạt táo đỏ cứng chắc, nhọn 2 đầu, dài 2 cm ra khỏi vị trí tổn thương. Đầu nhọn cứng của hạt táo đỏ đã đâm thủng thành của quai ruột non, gây tổn thương ruột.

    Bác sĩ Điệp chia sẻ, trước đó, khoa Phẫu thuật tiêu hóa đã phẫu thuật cấp cứu cho nhiều trường hợp nuốt dị vật tương tự như hóc xương cá, xương gà, vỏ thuốc, tăm… Tuy nhiên, nuốt phải hạt táo đỏ, như trường hợp người bệnh này là lần đầu gặp phải.

    Khi xác định dị vật là hạt táo đỏ, chính bản thân người bệnh cũng ngạc nhiên, không nhớ được mình ăn thời điểm nào. Bệnh nhân chỉ nhớ trước đó có ăn yến chưng, có thể do nhai không kỹ, người bệnh đã nuốt cả hạt táo đỏ mà không biết.

    Theo bác sĩ Điệp, tình trạng người bệnh bị các dị vật đâm thủng dạ dày, ruột non không phải là tình trạng hiếm gặp. Như trường hợp người bệnh này, hạt táo đỏ có hai đầu rất sắc nhọn, rất nguy hiểm khi đi vào ống tiêu hóa, đâm thủng ruột.

    Vì thế, bất kể ai, đặc biệt người già, trẻ nhỏ cần thận trọng khi ăn uống, nhất là với thực phẩm động vật có xương nhỏ như gà, cá, các loại quả có hạt cứng…. Mọi người cần nhai kỹ, chậm rãi, không nên chủ quan với các xương dù nhỏ.

    Khi thấy đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, hay bất cứ trường hợp đau bụng bất thường nào, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

    Cảnh báo tình trạng trẻ bị rắn cắn gia tăng vào mùa hè

    VTV Times đưa tin vào khoảng thời gian này trong năm, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh bị rắn cắn trong lúc ngủ và nhập viện trong tình trạng nặng.

    Mới đây, ngày 10/8, bệnh nhi N.L.K. (15 tuổi, trú tại xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sau khi tỉnh dậy để đi uống nước thì phát hiện khó mở mắt, nuốt khó, tê tay chân. Gia đình phát hiện vết cắn ở vùng cánh tay trái, sau đó, bệnh nhi nôn 1 lần, tức ngực, khó thở, chân tay lạnh.

    Bệnh nhi được gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện và được xử lý truyền dịch, thở oxy, sau đó chuyển lên điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

    Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng môi nhợt, khó thở, thở nhanh, khó nuốt, tim nhịp nhanh, sụp mi, chân tay lạnh, đồng tử 2 bên giãn tối đa, cứng gáy, niêm mạc kém hồng, tê tay chân, vùng cánh tay trái có vết cắn không chảy máu.

    Các bác sĩ đã ngay lập tức chỉ định cho bệnh nhi thở máy, đặt nội khí quản cấp cứu, bóp bóng có oxy qua nội khí quản. Hiện, bệnh nhi vẫn tiếp tục được cho thở máy, theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu.

    Bệnh nhi bị rắn cắn đang được điều trị tích cực. Ảnh: VTV Times

    Bệnh nhi bị rắn cắn đang được điều trị tích cực. Ảnh: VTV Times

    Mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong lúc ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…

    Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, người dân không nên rạch vết cắn, nặn máu, hút nọc độc, đắp lá cây hay buộc garo vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết mà phải đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Bên cạnh đó, người dân cần phát quang xung quanh nhà tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công.

    Người đàn ông bất ngờ ngưng thở khi đang siêu âm tim

    Báo Người Lao Động đưa tin, người đàn ông 50 tuổi (trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy khám vì tình trạng đau tức vùng ngực ngày càng tăng lên, cảm giác đè nặng ngực.

    Khi đến trung tâm, người bệnh được các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc thăm khám nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, tiếp tục theo dõi nhồi máu cơ tim. Người bệnh được chỉ định siêu âm tim kiểm tra thêm.

    Người bệnh được đưa đến phòng cấp cứu để ép tim, sốc điện. Ảnh: Người Lao Động

    Người bệnh được đưa đến phòng cấp cứu để ép tim, sốc điện. Ảnh: Người Lao Động

    Trong phòng siêu âm, khi đang thực hiện siêu âm tim, bác sĩ phát hiện người bệnh ngừng tim đột ngột. Ngay lập tức, các y bác sĩ đã gọi nhân viên hỗ trợ, đưa bệnh nhân đến khoa Cấp cứu thực hiện ép tim ngoài lồng ngực.

    Tại đây, bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiểm soát đường thở, sốc điện phá rung, dùng thuốc cắt cơn rung thất, vận mạch cho người bệnh. Sau 20 phút, người đàn ông có nhịp tim trở lại và được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

    Người bệnh được hạ thân nhiệt chủ động, lọc máu, can thiệp mạch. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, tỉnh táo, rút ống nội khí quản và tiếp tục điều trị nội khoa.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-16-8-2024-loai-hat-khien-nguoi-phu-nu-bi-thung-ruot-non-a456693.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan