Tin thế giới mới nhất ngày 20/7: Bà Park Geun-Hye từ chối làm chứng tại phiên xét xử lãnh đạo Samsung; Công bố nguyên nhân máy bay Myanmar chở 122 người rơi xuống biển; Bất mãn Tổng thống Macron, Tổng tham mưu trưởng Pháp từ chức; ....
Công bố nguyên nhân máy bay Myanmar chở 122 người rơi xuống biển
Truyền thông quốc gia Myanmar đưa tin thời tiết xấu là nguyên nhân khiến chiếc máy bay quân sự chở 122 người rơi xuống biển.
Không một ai sống sót khi chiếc Y-8 do Trung Quốc sản xuất rơi xuống biển Andaman vào hôm 7/6, BBC cho hay.
Thi thể của các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Myanmar được đưa vào bờ. (Ảnh: EPA) |
Các nhà điều tra phát hiện phi công đã bị mất kiểm soát sau khi đi vào một đám mây bão dày đặc. Một lớp băng đã hình thành trên cánh máy bay và những cơn gió đột ngột thổi ngang qua khiến phi cơ bị tròng trành.
Đây là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không Myanmar. Hầu hết các hành khách đều là các quân nhân và người thân của họ, trong đó có cả trẻ em.
Mặc dù đang vào mùa mưa tại Myanmar nhưng không hề có báo cáo nào về thời tiết xấu vào thời điểm xảy ra tai nạn. Máy bay đã bị mất liên lạc chỉ nửa tiếng sau khi cất cánh.
Sau khi nghiên cứu dữ liệu từ hộp đen, các nhà điều tra xác định nguyên nhân gây ra tai nạn "không phải là một hành động phá hoại, cháy nổ hay hỏng động cơ".
Máy bay gặp nạn khi đang trên đường từ Myeik tới Yangon và các mảnh vỡ được tìm thấy ở ngoài khơi thành phố biển Dawei. Cho tới nay lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 92 nạn nhân.
Bà Park Geun-Hye từ chối làm chứng tại phiên xét xử lãnh đạo Samsung
Ngày 19/7, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tiếp tục từ chối xuất hiện làm chứng tại phiên tòa xét xử người thừa kế của Tập đoàn Samsung với lý do sức khỏe yếu.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (phải, trước) tại Tòa án trung tâm quận Seoul ngày 23/5. (Nguồn: EPA) |
Luật sư của bà Park cho biết bà không thể xuất hiện tại tòa là do bị kiệt sức và đau chân sau khi liên tục phải tham gia các phiên xét xử với tần suất 4 ngày/tuần và kéo dài tối đa 10 giờ dưới thời tiết oi bức.
Bà Park hiện bị giam giữ trong trại tạm giam và cũng phải tham gia phiên tòa riêng rẽ xét xử chính bản thân bà này.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần qua, cựu Tổng thống Hàn Quốc từ chối thực hiện lệnh triệu tập của tòa án để lấy lời khai tại phiên xét xử Phó Chủ tịch Tập đoàn điện tử Samsung, Lee Jae-Yong.
Ông Lee bị cáo buộc đưa hối lộ, tham nhũng, khai man và một số vi phạm khác có liên quan tới vụ bê bối chính trị làm rúng động Hàn Quốc hồi năm 2016 xoay quanh bà Choi Soon-sil, một người bạn thân cận của bà Park Geun Hye.
Bà Choi bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Park khi đó để ép các công ty trong nước "quyên góp" gần 70 triệu USD vào hai quỹ mờ ám do bà này thành lập, sử dụng một phần quỹ vào mục đích cá nhân.
Vụ bê bối này chính là lý do khiến bà Park Geun Hye bị phế truất.
Bất mãn Tổng thống Macron, Tổng tham mưu trưởng Pháp từ chức
Tổng thống Emmanuel Macron (trái) và tướng Pierre de Villiers. Ảnh: REUTERS |
Tướng Pierre de Villiers ngày 19/7 đã trình đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron và đã được chấp nhận, theo AFP. Trong thông báo, ông Villiers cho biết ông không còn đủ khả năng để đảm bảo quân đội đủ vững mạnh nhằm bảo vệ đất nước và người dân trong điều kiện tài chính bị kiềm chế.
Mâu thuẫn nổ ra sau khi chính quyền Macron hồi tuần trước đề xuất cắt giảm 850 triệu euro ngân sách quốc phòng năm 2017. Đề xuất này khiến tướng Villiers nổi giận trước quốc hội và sau đó viết trên Facebook rằng “chẳng ai xứng đáng được tin theo một cách mù quáng”.
Bình luận của tướng Villiers được xem là sự kiện chấn động tại Pháp vì quân đội nước này có truyền thống không can thiệp vào chuyện chính trị, theo tờ Financial Times. Trong một bài phát biểu trước nhiều quan chức cấp cao của quân đội hôm 14/7, ông Macron phản pháo rằng “tôi là lãnh đạo của các bạn và tôi không cần áp lực, bình luận”.
Bị phiến quân phục kích, 6 vệ sĩ của Tổng thống Philippines bị thương
Theo người phát ngôn quân đội khu vực, ông Ezra Balagtey, một số tay súng của Quân đội Nhân dân Mới (NPA) vào lúc 6 giờ (giờ địa phương) đã phục kích các thành viên của lực lượng bảo vệ tổng thống đang kiểm tra an ninh dọc tuyến quốc lộ ở thị trấn Arakan, tỉnh Bắc Cotabato thuộc đảo Mindanao trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Duterte.
Sáu thành viên của lực lượng bảo vệ Tổng thống Rodrigo Duterte đã bị thương do bị các phiến quân cánh tả tiến hành. Ảnh: EPA/TTXVN |
Các vệ sĩ bị thương đã được đưa tới một bệnh viện ở Arakan trong khi cảnh sát và binh lính được điều động truy bắt những kẻ tấn công đã lẩn trốn sau vụ nổ súng chớp nhoáng nói trên.
NPA đã được chỉ thị tăng cường tấn công lực lượng chính phủ sau khi Tổng thống Duterte chính thức tuyên bố sẽ gia hạn áp đặt thiết quân luật tại khu vực miền Nam đầy bất ổn cho đến hết năm 2017.
Trump và Putin bí mật gặp lần hai bên lề hội nghị G20
Theo Reuters, một quan chức Nhà Trắng ngày 18/7 xác nhận rằng ông Trump và ông Putin đã có cuộc trao đổi thứ hai trong thời gian diễn ra tiệc tối dành cho các lãnh đạo G20 tại Hamburg, Đức hồi đầu tháng này.
Quan chức trên không nói rõ cuộc gặp thứ hai kéo dài bao lâu cũng như hai lãnh đạo đã thảo luận nội dung gì.
Tổng thống Trump (trái) và Tổng thống Putin bắt tay trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức ngày 7/7. Ảnh: Reuters. |
Ông Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, là người đầu tiên tiết lộ thông tin này. Ông cho biết giữa chừng bữa tối, Tổng thống Trump đã rời ghế của mình và dành khoảng 1 giờ đồng hồ cho cuộc "nói chuyện riêng và sôi nổi" với Tổng thống Putin. Cuộc gặp gỡ lần hai này chỉ có mặt phiên dịch của ông Putin.
Ông Bremmer nói sự vắng mặt của phiên dịch phía Mỹ khiến cho các lãnh đạo G20 tại bữa tiệc chú ý. Ông nói đây là một "vi phạm quy định an ninh quốc gia".
Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm kín chính thức kéo dài hơn 2 giờ hôm 7/7 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg của Đức.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang bao trùm quan hệ Washington - Moscow, bắt nguồn từ nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
(Tổng hợp)