Tin thế giới mới nhất ngày 27/2: Mỹ tính đưa Triều Tiên trở lại danh sách nước bảo trợ khủng bố, EU điều tra dự án của Trung Quốc, Iran tập trận hải quân giữa lúc căng thẳng với Mỹ...
Mỹ tính đưa Triều Tiên trở lại danh sách nước bảo trợ khủng bố
Mỹ cân nhắc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố, sau vụ sát hại người đàn ông được cho là Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Kim Jong-un ở sân bay Malaysia.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn các nguồn tin chính phủ và ngoại giao Mỹ hôm 25/2 cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thu thập thông tin về vụ sát hại người đàn ông Triều Tiên hôm 13/2 bằng chất độc thần kinh VX.
Tên lửa Triều Tiên trong cuộc diễu hành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters |
Một nước bị Mỹ liệt vào danh sách bảo trợ chủ nghĩa khủng bố nếu Ngoại trưởng Mỹ xác định nước này liên tục hỗ trợ các hoạt động khủng bố quốc tế. Nước này sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt tài chính, cấm giao dịch buôn bán liên quan đến vũ khí và các biện pháp khác.
Một nguồn tin chính phủ cho biết cần xem xét kỹ lưỡng nhiều thông tin để xem liệu trường hợp có đủ rõ ràng, thoả mãn các điều kiện đưa lại vào danh sách hay không.
Nhiều quan chức lập pháp Mỹ cũng kêu gọi có biện pháp cứng rắn với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa đạn đạo mới.
Nguồn tin ngoại giao dẫn các mối quan ngại rằng Triều Tiên có thể đang hợp tác với Iran hoặc Syria, hai nước bị liệt vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố, trong việc sản xuất vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Trung - Hàn đau đầu vì dân số
Dân số Hàn Quốc đang đối mặt không ít biến động trong năm 2017 giữa lúc tỉ lệ sinh tiếp tục sụt giảm. Số ca sinh tại xứ sở kim chi đã giảm xuống 406.300 trong năm ngoái và được dự báo tiếp tục giảm xuống dưới 400.000 ca trong năm nay.
Chưa hết, theo báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc), dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) dự kiến bắt đầu giảm lần đầu tiên trong năm nay sau khi lên mức đỉnh điểm 37,63 triệu người hồi năm ngoái. Dự báo con số này sẽ giảm xuống còn 30,7 triệu người vào năm 2037.
Các học viên học thổi sáo ở trường học dành cho người cao tuổi tại huyện Như Đông Ảnh: The Guardian |
Hàn Quốc cũng sẽ trở thành xã hội lão hóa khi tỉ lệ người dân trên 65 tuổi dự kiến vượt mức 14% vào cuối năm nay, so với mức 13,6% trong tháng 1. Xu hướng này sẽ gây ra sức ép lớn cho quỹ lương hưu và quỹ bảo hiểm y tế. Quỹ Hưu trí Quốc gia (NPS) được dự báo sẽ cạn tiền vào năm 2060 khi số người đóng phí ít đi còn số người nhận tiền lại tăng lên.
Nỗi lo dân số lão hóa không chỉ tồn tại ở Hàn Quốc mà còn lan sang cả Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới này đang già đi do chính sách một con lâu nay khiến tỉ lệ sinh giảm mạnh cùng với tuổi thọ trung bình được cải thiện. Theo dự báo, hơn 1/4 dân số Trung Quốc (khoảng 500 triệu dân) sẽ trên 65 tuổi vào năm 2050.
Iran tập trận hải quân giữa lúc căng thẳng với Mỹ dâng cao
Iran ngày 26.2 đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân tại vùng Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương giữa lúc căng thẳng với Mỹ leo thang sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đặt nước Cộng hòa Hồi giáo “vào diện lưu ý”.
Theo Reuters, kể từ khi nhậm chức vào tháng trước, Tổng thống Mỹ đã cam kết thực hiện chính sách cứng rắn với Iran, cảnh cáo quốc gia này sau vụ thử tên lửa đạn đạo hôm 29.1 rằng Tehran đang đùa với lửa và mọi lựa chọn của Washington đang “có sẵn trên bàn”.
Hải quân Iran bắn thử tên lửa diệt hạm trong cuộc tập trận Velayat 94 trong năm 2016. Ảnh: Press TV |
Chuẩn đô đốc Habibollah Sayyari cho hay cuộc tập trận thường niên của Iran kéo dài hai ngày sẽ diễn ra tại eo biển Hormuz, vịnh Oman, eo biển Bab el-Mandab và các khu vực phía bắc của Ấn Độ Dương, nhằm rèn luyện các kỹ năng chống khủng bố và cướp biển.
“Mục đích của cuộc tập trận là tăng cường các khả năng phòng thủ cũng như gửi thông điệp hòa bình và hữu nghị đến các nước trong khu vực”, đài Press TV dẫn ông Sayyari nói.
Bab el-Mandab và Hormuz, các tuyến đường biển nằm dọc bờ biển của Yemen và Iran, là nơi hàng triệu thùng dầu được vận chuyển hàng ngày đến châu Âu, Mỹ và châu Á.
EU điều tra dự án của Trung Quốc
Ủy ban châu Âu (EC) đang điều tra dự án đường sắt đầu tiên của Trung Quốc ở châu lục này trong động thái có thể gây khó cho tham vọng mở rộng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh.
Lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt Belgrade-Budapest ở TP Novi Sad – Serbia cuối năm 2015 Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo tờ Financial Times (Anh), mục tiêu điều tra là kế hoạch xây tuyến đường sắt cao tốc dài 350 km, nối liền thủ đô Belgrade - Serbia và thủ đô Budapest - Hungary và có tổng giá trị 2,89 tỉ USD. Một khi được hoàn tất, tuyến đường mới sẽ giúp thời gian đi lại giữa hai thành phố giảm từ 8 giờ hiện nay xuống còn 3 giờ. Giới chức châu Âu cho biết cuộc điều tra sẽ tập trung vào tính khả thi về tài chính của dự án. Một nội dung khác là liệu dự án có vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU), theo đó quy định các dự án giao thông lớn phải được đấu thầu công khai. “EC đang đánh giá vấn đề tuân thủ luật pháp EU của dự án. Cuộc đối thoại với chính quyền các nước liên quan đang diễn ra” - người phát ngôn EC nói.
(Tổng hợp)