Tin thế giới mới nhất ngày 11/8: Căng thẳng Trung-Ấn: Một làng gần biên giới sơ tán khẩn cấp; Tàu khu trục Mỹ tuần tra sát đá Vành Khăn ở Trường Sa; Bầu cử Đức: Chỉ số tín nhiệm của Thủ tướng Merkel bất ngờ sụt giảm
Căng thẳng Trung-Ấn: Một làng gần biên giới sơ tán khẩn cấp
Báo Dân Việt ngày 10/8 đưa tin Lục quân Ấn Độ được cho là đã ra lệnh sơ tán một làng nằm gần ngã ba biên giới Ấn Độ-Bhutan-Trung Quốc.
Làng Nathang, cách biên giới Trung Quốc 35km. Ảnh: Mạng Zee News |
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đang có tranh chấp tại khu vực Doklam thuộc vùng Sikkim. Cụ thể, Lục quân Ấn Độ đã yêu cầu người dân làng Nathang phải sơ tán ngay lập tức. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu có phải lệnh sơ tán này được đưa ra để lấy chỗ cho hàng nghìn binh sĩ thuộc Quân đoàn số 33 (lực lượng được điều động từ khu vực Sukna đến Doklam) hay không.
Đây được xem như là một biện pháp phòng ngừa của Lục quân Ấn Độ nhằm tránh thương vong cho dân thường trong trường hợp xảy ra giao tranh.
Làng Nathang nằm cách ngã ba Doklam Ấn Độ-Bhutan-Trung Quốc 35 km, nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài hai tháng. Theo các nguồn tin, vài trăm người dân sống trong làng Nathang đã được yêu cầu rời nhà cửa ngay lập tức.
Trang News18.com xác nhận chứng kiến sự di chuyển của quân đội ở khu vực. Trong khi quân đội Ấn Độ không có phát ngôn chính thức nào về thông tin này.
Theo một số báo cáo, quân đội Ấn Độ đã kêu gọi lực lượng quân đội trong khu vực di chuyển thường xuyên. Các báo cáo đã trích dẫn nguồn tin quân đội nói rằng quân đội đang ở chế độ "không có chiến tranh, không có hòa bình".
Trong khi đí, các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong vài tuần gần đây đã đánh động cảnh báo chiến tranh có thể xảy ra với Ấn Độ. Trong một bài xã luận gần đây được xuất bản trên tờ China Daily, Ấn Độ đã được cảnh báo rằng "đếm ngược thời gian đến cuộc đụng độ giữa hai lực lượng".
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã thổi bùng suốt 2 tháng qua. Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ đơn phương rút quân khỏi Doklam, mặt khác từ chối đề nghị tương tự của New Delhi. Kể từ đó đến nay, hai bên không có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ rút bớt quân khỏi “điểm nóng” Doklam.
Truyền thông Trung Quốc nói rằng, căng thẳng hiện nay ở Doklam đang ở “thời điểm nguy hiểm”. Các chuyên gia quân sự cũng đánh giá đây là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ những năm 1980 khi hai bên điều động hàng nghìn binh sĩ tới khu vực biên giới.
Tàu khu trục Mỹ tuần tra sát đá Vành Khăn ở Trường Sa
Theo báo Dân trí ngày 10/8, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, tàu khu trục USS John S. McCain của Hải quân Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới chức Mỹ cho biết hoạt động trên là một phần trong chiến dịch tuần tra “đảm bảo tự do hàng hải” trên Biển Đông.
Tàu USS John S. McCain (Ảnh: Navaltoday) |
Trung Quốc được cho là đã tiến hành các hoạt động bồi đắp trái phép trên đá Vành Khăn và các hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng các công trình quân sự phi pháp trên đá này.
Trước đó, tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ cũng đã tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải xung quanh đá Vành Khăn hôm 24/5. Đây là động thái thách thức Trung Quốc đầu tiên của Mỹ tại Biển Đông kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi cuối tháng 1.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng phản đối động thái này của Washington.
Bầu cử Đức: Chỉ số tín nhiệm của Thủ tướng Merkel bất ngờ sụt giảm
Báo VOV đưa tin, chỉ số tín nhiệm của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel bất ngờ giảm 10 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 10/8.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters |
Cuộc thăm dò dư luận của công ty Infratest dimap cho thấy, 59% số người được hỏi cho rằng, bà Angela Merkel sẽ đảm đương tốt vai trò người đứng đầu Chính phủ Đức, giảm 10% so với cuộc thăm dò tiến hành cách đây 1 tháng.
Tuy nhiên, ứng cử viên đảng Dân chủ Xã hội cho vị trí người kế nhiệm bà Angela Merkel trong các cuộc bầu cử sắp tới, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng không cao hơn, khi nhận được 33% ý kiến ủng hộ, giảm 4%.
Tất cả các cuộc thăm dò được tiến hành trước cuộc bầu cử ngày 24/09 đều cho thấy một chiến thắng dễ dàng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Angela Merkel và thường xuyên dẫn trước đảng Dân chủ Xã hội ít nhất 17%.
Những tuần qua, Thủ tướng Angela Merkel đều tránh phát biểu công khai trong những cuộc tranh luận về những vấn đề nóng như nhập cư và mới đây nhất là những mối liên hệ giữa tầng lớp chính trị Đức với các lãnh đạo ngành công nghiệp ô-tô.
Theo các nhà phân tích, đây có khả năng là lý do gây ảnh hưởng tới chỉ số tín nhiệm của bà Angela Merkel, người đang nỗ lực để có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ.
EU mở rộng danh sách trừng phạt Bình Nhưỡng theo nghị quyết của LHQ
Theo thông tin trên TTXVN, ngày 10/8, Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung 9 người và 4 thực thể vào danh sách trừng phạt Triều Tiên, một phần trong các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc (LHQ) sau các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Người dân Triều Tiên theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa "Hwasong-14" trên màn hình lớn gần một nhà ga xe lửa ở Bình Nhưỡng ngày 4/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội đồng châu Âu (EC) cho biết trong số các thực thể bị liệt vào danh sách trừng phạt mới có Ngân hàng Ngoại thương (FTB) thuộc sở hữu nhà nước. Quyết định trên đã nâng tổng số cá nhân và thực thể của Triều Tiên nằm trong diện trừng phạt của EU lên tới 62 người và 50 thực thể.
EC cho biết sẽ nhanh chóng thực thi các phần khác trong nghị quyết của HĐBA LHQ, trong đó có nỗ lực hạn gửi tiền về nhà của các lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
EU đã không ngừng tăng cường phong tỏa tài sản và cấm du lịch đối với Triều Tiên sau khi nước này liên tục vi phạm các nghị quyết của LHQ về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hồi tuần trước, LHQ đã thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên liên quan đến 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng trong tháng 7. Nghị quyết do Mỹ soạn thảo đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản.
Nghị quyết này cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với nước này. Nghị quyết cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, buộc họ phải chịu sự đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại.
Dự kiến, các biện pháp trừng phạt này có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD hàng năm.
Malaysia bác tin Trung Quốc chào hàng rocket và radar
Báo VnExpress cho hay, ngày 10/8, quân đội Malaysia tuyên bố không nhận được bất cứ đề nghị nào từ Trung Quốc để mua các bệ phóng rocket và hệ thống radar đặt tại cực nam của quốc gia Đông Nam Á này.
Hệ thống pháo phản lực AR-3. Ảnh: Military Today. |
"Đối với lực lượng vũ trang, hiện không có bất cứ đề nghị nào như vậy", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Malaysia khẳng định.
Trước đó, cổng thông tin Malaysia Insight dẫn nguồn tin giấu tên cho biết các quan chức Trung Quốc mời chào Malaysia mua 12 đơn vị pháo phản lực phóng loạt (MLRS) AR-3 và một hệ thống radar theo chương trình mua sắm kèm khoản vay có thời hạn 50 năm.
Malaysia Insight nói rằng quy mô khoản vay và loại radar không được tiết lộ. Quyết định cuối cùng về đề nghị dự kiến được đưa ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Malaysia vào cuối năm nay, báo Singapore Straits Times đưa tin.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này, nói rằng việc xuất khẩu vũ khí không nằm trong thẩm quyền của bộ này.
Trung Quốc chế tạo AR-3 để xuất khẩu. Hệ thống pháo phản lực này được đưa vào sử dụng lần đầu năm 2011 và được mô tả là một trong những MLRS uy lực nhất hiện nay.
Hàn Quốc tuyên bố cứng rắn trước hành động khiêu khích của Triều Tiên
Báo Tiền Phong dẫn nguồn tin từ đài KBS, ngày 10/8, quân đội Hàn Quốc cho biết, việc Triều Tiên uy hiếp tấn công phủ đầu để trả đũa Seoul và Washington là một động thái thách thức nghiêm trọng đối với liên quân Hàn-Mỹ.
Ảnh: Express |
Đại diện quân đội Hàn Quốc khẳng định đang trong trạng thái sẵn sàng đối phó ngay lập tức và cứng rắn với bất cứ động thái khiêu khích nào của Bình Nhưỡng.
Tuyên bố của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đưa ra chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng liên tục uy hiếp sẽ tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam bằng cách phóng đồng thời bốn tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12.
Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên hiện vẫn chưa có dấu hiệu sẽ khiêu khích ngay lập tức. Tuy nhiên, nước này hoàn toàn có thể tiếp tục khiêu khích ngay khi có mệnh lệnh từ ban lãnh đạo. Hiện, Hàn Quốc vẫn đang duy trì trạng thái sẵn sàng đối phó với mọi tình huống nguy cấp có thể xảy ra.
(Tổng hợp)