Tin thế giới mới nhất ngày 10/8: Trump: 'Kho vũ khí hạt nhân Mỹ đang ở thời mạnh nhất'; Ngoại trưởng Mỹ trấn an người dân ngủ ngon sau đe dọa của Triều Tiên; Nga: Cháy lớn tại trung tâm thương mại ở thủ đô Moscow;...
Trump: 'Kho vũ khí hạt nhân Mỹ đang ở thời mạnh nhất'
Báo VnExpress đưa tin, ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Trump viết trên Twitter: "Yêu cầu đầu tiên của tôi với tư cách tổng thống là nâng cấp và hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của chúng ta. Giờ đây, nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
"Hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng sức mạnh này, nhưng sẽ không có lúc nào chúng ta không phải là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới!", ông viết thêm.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa MX của Mỹ. Ảnh: Corbis |
Mỹ và Triều Tiên trước đó có màn đấu khẩu ác liệt. Trump đe dọa Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "lửa và cơn giận dữ" sau khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng Bình Nhưỡng đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Triều Tiên phản ứng bằng lời đe dọa tấn công tên lửa vào đảo Guam, nơi có nhiều máy bay ném bom chiến lược Mỹ.
Ngoại tưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 9/8 trấn an rằng "không có mối đe dọa kề cận nào" từ Triều Tiên và nói thêm rằng "người Mỹ nên ngủ ngon".
Ngoại trưởng Mỹ trấn an người dân ngủ ngon sau đe dọa của Triều Tiên
Theo báo Dân trí, phát biểu với báo giới ngày 9/8 trước khi tới Guam, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã tìm cách xoa dịu căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo trút "lửa giận chưa từng có" lên Triều Tiên.
Ông Tillerson cho biết, Tổng thống Trump muốn gửi tới Triều Tiên thông điệp rằng Bình Nhưỡng nên tránh những tính toán sai lầm, tuy nhiên, có thể Bình Nhưỡng đã hiểu sai ngôn ngữ ngoại giao này.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Reuters. |
"Điều mà tổng thống muốn là gửi đi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên theo một ngôn ngữ ngoại giao mà ông Kim Jong-un có thể sẽ hiểu. Tổng thống gửi gắm thông điệp này để tránh bất cứ tính toán sai lầm nào của Triều Tiên".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng tìm cách trấn an người dân sau khi Triều Tiên đe dọa cân nhắc tấn công tên lửa vào đảo Guam của Mỹ. "Tôi không thấy tình hình có gì thay đổi đáng kể trong vòng 24 giờ qua. Tôi không nghĩ đây là mối đe dọa ngay tức thì. Người Mỹ cứ yên tâm ngủ ngon", Ngoại trưởng Tillerson nói.
Ông cho rằng, việc Triều Tiên liên tục đưa ra những lời đe dọa cho thấy chiến lược gây sức ép của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt đã có tác dụng.
Ông cũng bác bỏ đồn đoán cho rằng Mỹ đang tiến gần tới phương án quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Những lời trấn an này được đưa ra sau khi quân đội Triều Tiên tuyên bố đang cân nhắc tấn công tên lửa vào đảo Guam, đáp trả lại cảnh báo trước đó của Tổng thống Trump rằng Triều Tiên có thể đối mặt với “lửa và cơn thịnh nộ chưa từng có”.
Sau lời đe dọa Triều Tiên, trong một bình luận trên Twitter, Tổng thống Trump tiếp tục “khoe” sức mạnh hạt nhân của Mỹ.
“Mệnh lệnh đầu tiên của tôi với tư cách tổng thống là nâng cấp, hiện đại hóa lực lượng hạt nhân. Lực lượng này đang lớn mạnh nhất từ trước đến nay. Chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải sử dụng đến sức mạnh này, nhưng chắc chắn Mỹ luôn là quốc gia mạnh nhất thế giới”, ông Trump viết.
Nga: Cháy lớn tại trung tâm thương mại ở thủ đô Moscow
Báo Hà Nội mới ngày 9/8 thông tin, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Ban Giám đốc của Bộ Khẩn cấp Nga cho biết, ngọn lửa bùng lên tại trung tâm thương mại Atom tại Quảng trường Taganskaya đã bao trùm một khu vực rộng 1.500 mét vuông.
Đám cháy được cho là bắt đầu từ tầng áp mái của tòa nhà. |
Ngọn lửa được cho là bắt đầu từ tầng áp mái của tòa nhà trung tâm thương mại Atom. Trong trung tâm thương mại có nhiều cửa hàng café và cửa hàng điện thoại. Giao thông quanh khu vực đã được khoanh vùng để triển khai công tác chữa cháy.
TASS dẫn lời Bộ Khẩn cấp Nga cho biết: “Ngọn lửa đã bao trùm khu vực rộng 1.500 mét vuông. Bộ phận di động của Bộ Khẩn cấp tại thủ đô Moscow đang ứng phó tại hiện trường”.
Hiện tại, các trực thăng đang tiến hành dập lửa.
Ngày 10/7 vừa qua, một vụ cháy cũng đã xảy ra ở trung tâm thương mại Rio nằm ở phía Đông Bắc thành phố Moscow khiến 14 người bị thương, trong đó có trẻ em.
Sau Guam, đến lượt Alaska lo ngại bị Triều Tiên tấn công tên lửa
Báo Lao Đông cho biết, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cân nhắc kế hoạch phóng tên lửa tấn công đảo Guam, các nhà lập pháp ở Alaska - lãnh thổ của Mỹ gần Triều Tiên nhất - bày tỏ lo ngại về một cuộc tấn công tên lửa vào tiểu bang này.
Triều Tiên thử tên lửa ICMB Hoả Tinh 14. Ảnh: Chosun TV |
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Dan Sullivan ở Alaska lo ngại Triều Tiên có thể dùng tên lửa tấn công tiểu bang và phần còn lại của nước Mỹ.
"Có những quan ngại, nhưng cũng có niềm tự hào" - ông Sullivan nói trong chương trình "The Story" của kênh Fox News. Ông Sullivan giải thích, niềm tự hào ở đây là do thực tế "Alaska là vị trí quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ".
Ngày 8.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên rằng, bất kỳ mối đe doạ nào với Mỹ sẽ bị đáp trả bằng "lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy".
Thống đốc Alaska, ông Bill Walker cũng bày tỏ quan ngại về một cuộc tấn công tiềm ẩn từ Triều Tiên. "Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta có công nghệ và nhận thức được những gì có thể xảy ra" - ông Walker nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Politico.
Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng trước. Cả hai tên lửa đều được bắn ở độ cao lớn và rơi xuống biển Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng, những tên lửa này có thể bắn tới Alaska, Los Angeles hay Chicago nếu chúng được bắn vào quỹ đạo phẳng, bình thường.
Syria phá âm mưu tấn công liều chết của IS bằng 5 xe thuốc nổ
Theo TTXVN, ngày 9/8, quân đội Chính phủ Syria đã kịp thời chặn đứng âm mưu tấn công liều chết của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại tỉnh miền Trung Homs.
Binh sĩ Syria làm nhiệm vụ trong chiến dịch chống khủng bố tại tỉnh Homs ngày 12/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo nguồn tin tại chỗ, các lực lượng quân sự đã ngăn chặn các phần tử IS âm mưu thực hiện loạt vụ tấn công liều chết tại khu vực Hmaimeh, phía Đông tỉnh Homs tiếp giáp với tỉnh miền Đông Deir ez-Zor gần Iraq. Quân đội Syria đã đụng độ 5 đối tượng đi trên 5 xe chứa đầy chất nổ trước khi chúng thực hiện các vụ tấn công.
Lực lượng quân đội Syria và các lực lượng ủng hộ chính phủ hiện đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm đẩy IS ra khỏi vùng sa mạc ở miền Trung Syria.
Trước đó, quân đội chính phủ đã giành lại thành phố Sukhneh, thành trì cuối cùng của IS ở tỉnh Homs. Diễn biến này sẽ cho phép quân đội Syria nhanh chóng phá vỡ vòng vây của IS ở Deir al-Zour do thành phố này nằm giữa thành phố cổ Palmyra và Deir al-Zour.
Trung Quốc mời phóng viên Ấn Độ đến Bắc Kinh, bác tin đồn chiến tranh
Báo Tiền Phong trích dẫn báo cáo từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ren Guoqiang, khẳng định không có kế hoạch tiến hành “chiến tranh quy mô nhỏ” để trục xuất quân Ấn Độ ra khỏi khu vực Doklam tranh chấp, giáp ranh Sikkim của Ấn Độ.
Binh sĩ Trung Quốc (đưa tay) và binh sĩ Ấn Độ tại biên giới hai nước. Ảnh: AFP |
Theo ông Ren, nhận định về “chiến tranh quy mô nhỏ” tại biên giới Trung-Ấn chỉ đại diện cho quan điểm của giới truyền thông và các chuyên gia tư vấn.
Tuy nhiên, người phát ngôn nhắc lại cảnh cáo từ các nhà lãnh đạo và quan chức Trung Quốc trước đó, yêu cầu binh sĩ Ấn Độ rút khỏi khu vực tranh chấp ở Doklam (theo cách gọi của Trung Quốc) và “nhắc nhở” New Delhi không nên đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh để bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
“Chúng tôi có tất cả các quyền hợp pháp để xây dựng con đường trên lãnh thổ Trung Quốc”, ông Ren nói.
Ông này nói thêm, Trung Quốc đã thông báo trước cho Ấn Độ về hoạt động xây dựng đường bộ vào giữa tháng 5 bằng thái độ thiện chí dù Bắc Kinh không cần thiết phải làm điều đó với lập luận “tại sao chúng tôi cần phải thông tin cho Ấn Độ khi đây là lãnh thổ của Trung Quốc?”.
Trong khi đó, các chuyên gia Ấn Độ cho rằng, sự chênh lệch ở Doklam là dấu hiệu để Ấn Độ và Trung Quốc khôi phục các kênh đàm phán chính thức, giải quyết tranh chấp biên giới dai dẳng giữa hai nước, khởi đầu bằng việc tuân thủ thỏa thuận năm 2012.
“Chúng ta có một cơ chế theo thỏa thuận năm 2012 để giải quyết các tranh chấp như vậy và hai bên nên hành động trên tinh thần đó. Những gì chúng ta đọc trên Thời báo Hoàn cầu và các ấn phẩm truyền thông tiếng Anh khác từ Trung Quốc không nên được hiểu là ý kiến của chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng biết Ấn Độ đang có lợi thế ở khu vực Doklam. Bắc Kinh có thể có nhiều lợi thế hơn trong các lĩnh vực khác, nhưng ở Doklam thì không”, Tiến sĩ Swaran Singh, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế - Đại học Jawaharlal Nehru, bình luận trên Sputnik.
Trung Quốc và Ấn Độ đang bị “mắc kẹt” ở Doklam – ngã ba giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, kể từ giữa tháng 6 sau khi quân đội Ấn Độ ngăn cản nước láng giềng xây dựng đường bộ trong khu vực.
(Tổng hợp)