Tin thế giới mới nhất ngày 7/8: Triều Tiên dọa nhấn chìm Mỹ trong “biển lửa” sau lệnh trừng phạt; Iraq không kích dữ dội, tiêu diệt 170 tay súng IS; Tấn công nhà thờ Công giáo tại Nigeria làm 26 người thương vong;...
Triều Tiên dọa nhấn chìm Mỹ trong “biển lửa” sau lệnh trừng phạt
Báo Dân trí đưa tin, ngày 6/8, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cảnh báo: “Ngày mà Mỹ dám đùa cợt dân tộc chúng ta bằng chiếc roi hạt nhân và lệnh pháp trừng phạt cũng sẽ là ngày mà lục địa của Mỹ chìm trong biển lửa không thể tưởng tượng nổi”.
Một vụ phóng tên lửa củ Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
Bài viết nói thêm: “Bè lũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng cố tìm cách thoát khỏi vũng lầy hiện nay, thì quân đội và nhân dân Triều Tiên càng quyết tâm và điều này sẽ tạo thêm lý do để Triều Tiên sở hữu các loại vũ khí hạt nhân. Khả năng răn đe chiến tranh mạnh mẽ là sự lựa chọn chiến lược căn bản của nền quốc phòng của người dân chúng ta”.
Cảnh báo trên được đưa ra ngay sau khi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên.
Theo đó, nghị quyết trừng phạt, do Mỹ soạn thảo, cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản, hạn chế các đầu tư vào nước này. Ngoài ra, nghị quyết cũng cấm Triều Tiên tăng số lượng lao động ở nước ngoài, cấm lập liên doanh với Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói: “Đây là gói trừng phạt cứng rắn nhất (của Liên Hợp Quốc) với bất cứ quốc gia nào trong một thế hệ qua”.
Lệnh trừng phạt nhằm khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên giảm 1 tỷ USD và tiến tới từ bỏ chương trình tên lửa, vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.
Iraq không kích dữ dội, tiêu diệt 170 tay súng IS
Theo TTXVN, ngày 6/8, quân đội Iraq cho biết đã tiêu diệt hơn 170 tay súng tình nghi thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trong một loạt cuộc không kích gần thị trấn Shirqat, thuộc tỉnh Salahudin miền Trung nước này.
Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và các tay súng IS tại Mosul ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Iraq nêu rõ: "Các máy bay trực thăng chiến đấu của quân đội Iraq, phối hợp với Bộ Chỉ huy các chiến dịch của tỉnh Salahudin (SOC), đã tiến hành các cuộc không kích có hiệu quả nhằm vào các phần tử khủng bố IS tại khu vực Tasnei' Askari, phía Tây Nam Shirqat, cách thủ đô Baghdad khoảng 280 km về phía Bắc, tiêu diệt tổng cộng 170 phần tử khủng bố".
Theo thông cáo, các cuộc không kích cũng nhằm vào 8 vị trí của IS có súng máy hạng nặng, 2 xe tải có gắn súng máy và 11 xe cơ giới chở vũ khí và các tay súng. Trong khi đó, một lực lượng thuộc SOC đã tiến hành một chiến dịch truy quét tại các khu vực Ayn al-Faras và E'eiwij, phía Tây Nam tỉnh Salahudin và phá hủy 2 vị trí ẩn náu của IS cùng 4 xe gắn máy, và bắt giữ một thành viên của tổ chức này.
Tháng 9/2016, quân đội Iraq đã giành lại khu vực bờ Tây của thị trấn Shirqat bắc ngang qua sông Tigris từ tay IS. Hiện các lực lượng Iraq đang tìm cách đánh bật IS khỏi bờ Đông của Shirqat cũng như Hawijah ở phía Tây Nam Kirkuk và các khu vực hiểm trở ở phía Tây tỉnh Salahudin. Ngoài ra, IS vẫn còn những thành lũy ở các thị trấn biên giới với Syria ở tỉnh Anbar, miền Tây nước này.
Tấn công nhà thờ Công giáo tại Nigeria làm 26 người thương vong
Báo VOV dẫn ngồn tin từ Cảnh sát Nigeria ngày 6/8 cho biết đã có 8 người thiệt mạng và 18 người khác bị thương trong cuộc tấn công vào một nhà thờ Công giáo tai khu vực Ozubulu, thuộc bang Anambra, đông nam nước này sáng cùng ngày.
Ảnh: premiumtimesng.com |
Theo nhân chứng tại hiện trường, các tay súng đã xông vào nhà thờ Công giáo Sanh Philips vào lúc 5h45 cùng ngày (giờ địa phương) và bắn chết một người đàn ông. Sau đó, những đối tượng này tiếp tục hành hung và bắn vào những người khác trong nhà thờ.
Cảnh sát cho biết chưa tiến hành vụ bắt giữ nào tính đến thời điểm hiện tại và điều tra ban đầu cho thấy cuộc tấn công là do người dân địa phương gây ra. Động cơ gây án vẫn đang được tìm hiểu rõ. Cảnh sát đang tìm kiếm nhóm hung thủ gây ra vụ tấn công.
ASEAN ra thông cáo chung, kêu gọi tránh quân sự hóa ở Biển Đông
Báo VnExpress thông tin, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 6/8 khai thông bế tắc về vấn đề Biển Đông bằng một thông cáo chung kêu gọi tránh quân sự hóa.
Thông cáo chung "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế" ở Biển Đông, Reuters đưa tin.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay các ngoại trưởng ASEAN tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Reuters. |
Thông cáo ghi rõ sau các cuộc thảo luận sâu rộng, một số thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nêu quan ngại về việc cải tạo đảo "cũng như những hoạt động trong khu vực gây xói mòn niềm tin, sự tin tưởng, đồng thời làm gia tăng căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định".
Vài giờ trước, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sau gần 4 năm đàm phán.
Việc thống nhất được dự thảo khung COC sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên hành động 'thông minh'
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, ngày 6/8, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với báo giới về lệnh trừng phạt mới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Hong Yo tại Manila, Philippines: "Nó sẽ giúp Triều Tiên đưa ra quyết định đúng đắn và thông minh".
Tuy nhiên, ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh rằng đàm phán là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề trong bối cảnh Mỹ đã để ngỏ khả năng tấn công quân sự Triều Tiên, theo AFP.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Triều Tiên Ri Hong Yo tại Philippines ngày 6/8. Ảnh: Reuters. |
Ông Vương kêu gọi tái khởi động cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc làm "chủ nhà" với sự tham gia của Mỹ, Nga, Nhật Bản cũng như hai miền Triều Tiên nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các vòng đàm phán bắt đầu từ năm 2003 và rơi vào bế tắc vào năm 2009 sau khi Triều Tiên rút lui.
"Không dễ dàng như vậy, nhưng đây là con đường chúng ta cần cùng nhau hướng tới", ông Vương nói. "Chỉ có đối thoại và đàm phán là giải pháp đúng đắn để xử lý vấn đề bán đảo Triều Tiên".
Ông Vương Nghị cùng quan chức ngoại giao hàng đầu của những nước nêu trên đang có mặt tại Manila để tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), diễn đàn an ninh thường niên sẽ khai mạc vào ngày 7/8.
Theo các trợ lý, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson không có kế hoạch hội đàm người đồng cấp Triều Tiên, nhưng hai bên có thể tiếp xúc tại một trong các cuộc họp.
Hôm 5/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ đề xuất. Các biện pháp trừng phạt này dự kiến giúp cắt giảm một phần ba doanh thu từ xuất khẩu của Triều Tiên, tương đương 1 tỷ USD.
Đây là lệnh trừng phạt Triều Tiên đầu tiên mà Liên Hợp Quốc đưa ra kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, cho thấy sự bằng lòng của Trung Quốc trong việc tăng cường sức ép với đồng minh Triều Tiên.
Nhiều nước lên tiếng về lệnh trừng phạt của HĐBALHQ với Triều Tiên
Theo thông tin trên báo Công an nhân dân, ngày 6/8, nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ quyết định đưa ra lệnh trừng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBALHQ) đối với Triều Tiên, tuy nhiên, một số nước nhấn mạnh rằng lệnh trừng phạt không phải là biện pháp duy nhất để giải quyết căng thẳng.
Trung Quốc nêu rõ biện pháp trừng phạt là cần thiết để đối phó với Triều Tiên, song “chắc chắn” không phải là mục đích cuối cùng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50. |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu hoan nghênh nỗ lực mới của HĐBALHQ. Theo ông Abe, việc cấm Triều Tiên xuất khẩu than và sắt cũng như một số mặt hàng chủ chốt khác của nước này "rõ ràng chứng tỏ ý định của cộng đồng quốc tế nhằm gia tăng sức ép (lên Triều Tiên) ở một cấp độ cao hơn."
Phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, đang diễn ra tại Manila (Philippines), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt là cần thiết để đối phó với Triều Tiên, song “chắc chắn” không phải là mục đích cuối cùng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra sau khi HĐBALHQ thông qua nghị quyết trên cũng khẳng định chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục hợp tác với các nước đồng minh và đối tác nhằm gia tăng sức ép về ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vasily Nebenzya cũng nhấn mạnh cần có một chiến lược chính trị để giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên vì những biện pháp trừng phạt là không đủ.
Ông Nebenzya cho rằng các biện pháp trừng phạt không được dùng để “bóp nghẹt” nền kinh tế Triều Tiên hoặc cố ý làm trầm trọng hơn tình hình nhân đạo, thay vào đó là "một công cụ" khiến nước này tham gia các cuộc đàm phán mang tính xây dựng.
Ở một diễn biến khác, Triều Tiên đã có phản ứng đầu tiên với nghị quyết trừng phạt của HĐBALHQ. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn một bài viết đăng trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 6-8 đã cảnh báo Mỹ sẽ tự hủy hoại chính mình nếu có bất kỳ hành động hạt nhân hay biện pháp trừng phạt nào chống Bình Nhưỡng.
Ngày 6/8, HĐBALHQ đã nhất trí đưa ra nghị quyết trừng phạt tăng cường đối với Triều Tiên, nhằm vào một số ngành xuất khẩu chủ lực của nước này như than đá và sắt, làm thiệt hại kinh tế có thể lên đến hơn 1 tỷ USD, chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Ngoài ra, trong phạm vi của nghị quyết mới này, nhiều kế hoạch và dự án kinh doanh mới có liên quan đến Triều Tiên cũng sẽ bị ảnh hưởng hoặc tạm ngừng.
(Tổng hợp)