(ĐSPL) –“Việc tự ý giải thích, tự ý áp dụng coi "xi măng" là "Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm và hướng dẫn các doanh nghiệp xi măng kê khai thuế suất là 5% của cơ quan Hải quan là không có cơ sở pháp lý, vi phạm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.” – Luật sư Khánh cho biết.
Hiện tại, theo phản ánh từ các doanh nghiệp xi măng, mặc dù xi măng không có tên trong danh mục hàng xuất khẩu phải nộp thuế quy định tại Phụ lục I Nghị định 122/2016/NĐ-CP về“Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan”, nhưng mức thuế mà Hải quan áp cho xi măng xuất khẩu vẫn là 5%.
Lý do là vì, Hải quan cho rằng, Xi măng là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm ....có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì áp thuế 5%”.
Tuy nhiên, doanh nghiệp băn khoăn là, Xi măng xuất khẩu là thành phẩm, không thể bị coi là "vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm"; quy định pháp luật tuy chưa rõ ràng thế nào là “Vật tư, nguyên liệu bán thành phẩm”, thế nào là “Vật tư, nguyên liệu thành phẩm”, nhưng Hải quan lại tự ý giải thích, tự ý hiểu và tự ý coi xi măng là "vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm", từ đó tự quyết định áp thuế xuất cho xi măng 5%.
Phóng viên có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Văn Khánh về vấn đề bất cập nêu trên. Ths Ls. Phạm Văn Khánh Là Luật sư tư vấn pháp lý tại Công ty Luật Vinabiz, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính và Ngân hàng, Doanh nghiệp và Mua bán, sáp nhập, Thị trường vốn và Quản lý doanh nghiệp.
Luật sư Phạm Văn Khánh. |
PV: Việc tự ý nêu trên của cơ quan Hải quan có đúng quy định pháp luật hay không?
Luât sư Phạm Văn Khánh: Trước tiên, cần xem xét cơ quan Hải quan có chức năng, nhiệm vụ để giải thích pháp luật hoặc hoặc được giao, ủy quyền để ban hành văn bản quy định chi tiết đối với các điều, khoản hay nội dung của văn bản quy phạm pháp luật hay không.
Khoản 5 Điều 2 và Điều 11 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có quy định về việc giao cho Chính phủ được hướng dẫn, quy định chi tiết về đối tượng chịu thuế xuất, nhập khẩu và thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành biểu thuế, thuế suất thuế xuất, nhập khẩu.
Theo đó, Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về “Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan” có quy định về Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục hàng hóa chịu thuế tại Phụ lục I và theo các quy định của Phụ lục I này, không có tên mặt hàng "xi măng".
Mặt khác, điểm 211 của Phụ lục I này có quy định mặt hàng là "Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên" sẽ chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật liên quan không có quy định giải thích hoặc làm rõ thế nào là "vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm"; thế nào là "vật tư, nguyên liệu thành phẩm"; xi măng là "vật tư, nguyên liệu" hay xi măng là "thành phẩm/hàng hóa"...
Cũng theo các quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP , cơ quan Hải quan không được Chính phủ giao hoặc ủy quyền quy định chi tiết hoặc hướng dẫn các điều khoản, nội dung liên quan.
Do vậy, việc tự ý giải thích, tự ý hiểu và tự ý áp dụng coi "xi măng" là "Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên" (và hướng dẫn các doanh nghiệp xi măng kê khai thuế suất là 5%) của cơ quan Hải quan (như hướng dẫn tại văn bản số 9744/TCHQ-TXNK ngày 12/10/2016 của Tổng cục Hải quan) là không có cơ sở pháp lý, vi phạm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không có loại văn bản do cơ quan Hải quan ban hành và khoản 1, khoản 2 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định:
"Điều 11. Văn bản quy định chi tiết
1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định, cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.
2. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp.
Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết."
PV: Nếu không đúng, Doanh nghiệp xi măng có được hoàn lại thuế đã nộp hay bồi thường thiệt hại do đã đóndg thuế xuất khẩu xi măng 5% trong một thời gian dài không? Việc hoàn thuế, bồi thường thiệt hại diễn ra theo trình tự, thủ tục nào?
Luật sư Phạm Văn Khánh: Theo quy định tại Điều 19 Luật thuế xuất, nhập khẩu và các quy định hướng dẫn thi hành của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không có bất kỳ quy định nào về việc hoàn thuế xuất khẩu trong trường hợp áp dụng sai, hướng dẫn sai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể ở đây là cơ quan Hải quan.
Trong trường hợp này, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng đã phải kê khai và nộp thuế 5% khi xuất khẩu xi măng, Hiệp hội xi măng Việt Nam, Tổng Công ty xi măng Việt Nam... có thể xem xét và có văn bản kiến nghị đến Chính phủ, cơ quan Hải quan về nội dung này.
Mặt khác, trong trường hợp có thiệt hại xảy ra, các doanh nghiệp xi măng có thể xem xét, yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 13 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, trong đó có việc "Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất"do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.
Trường hợp cơ quan Hải quan, cá nhân người thi hành công vụ có hành vi vi phạm trong trường hợp tự ý áp thuế sai, tùy theo mức độ vi phạm, tính chất vi phạm... sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của luật công chức, viên chức, Bộ luật lao động.
Bên cạnh đó, hành vi vi phạm của cơ quan Hải quan, cá nhân người thi hành công vụ mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, thì cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009. Sau đó, người thi hành công vụ có hành vi trái quy định và gây ra thiệt hại phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
PV: Cám ơn ý kiến của Luật sư.