(ĐSPL) - Một mức thuế mới được nêu ra, doanh nghiệp phản ứng. Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc chính sách khuyến khích xuất khẩu bị ảnh hưởng, mà còn ở khía cạnh pháp lý: Có hay không việc tự ý “giải thích luật” của một cơ quan nhà nước đã ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp?
Theo quy định tại Mục 211 Phụ lục I, Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 thì “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm ... có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” sẽ bị áp thuế xuất khẩu là 5%. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại Công văn 9744/TCHQ-TXNK ngày 12/10/2016 thì mặt hàng xi măng được coi là thuộc nhóm “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” và phải chịu 5% thuế xuất khẩu. Điều này khiến Hiệp hội Xi măng Việt Nam mới đây đã “lên tiếng”, cho rằng xi măng là “thành phẩm” chứ không phải “bán thành phẩm” và mặt hàng này không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu tại Phụ lục I Nghị định 122/2016/NĐ-CP nên không phải chịu thuế xuất khẩu. Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu xi măng còn cho rằng việc Tổng cục Hải quan hướng dẫn áp thuế suất 5% với xi măng xuất khẩu là thiếu căn cứ, chưa đúng quy trình pháp lý.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink để làm rõ một số khía cạnh pháp lý liên quan. Luật sư Lê Đình Vinh là Tiến sĩ Luật học, có hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn cho các tập đoàn, doanh nghiệp, chế định tài chính và tổ chức kinh tế nước ngoài.
TS Luật học, Luật sư Lê Đình Vinh. |
PV: Ông nhận xét thế nào về việc một số doanh nghiệp nói Tổng cục Hải quan hướng dẫn áp thuế suất 5% với mặt hàng xi măng xuất khẩu là “chưa đúng quy trình”?
Mục 211 Phụ lục I, Nghị định 122/2016/NĐ-CP quy định đối với “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm ... có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” thì áp thuế xuất khẩu là 5%. Tuy nhiên, Nghị định 122 không có định nghĩa hay hướng dẫn thế nào là “bán thành phẩm” để làm căn cứ áp dụng quy định trên. Tại Công văn số 9744/TCHQ-TXNK, Tổng cục Hải Quan hướng dẫn hải quan các tỉnh áp dụng mức thuế suất 5% cho các mặt hàng thuộc nhóm trên, trong đó có xi măng. Từ đó nhiều doanh nghiệp cho rằng Tổng cục Hải Quan đã xếp xi măng thuộc nhóm “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” khi áp thuế xuất khẩu.
Theo khái niệm thông thường thì “bán thành phẩm” là sản phẩm đã hoàn thành nhưng ở dạng thô, chưa đủ quy cách phẩm chất để thành sản phẩm cuối cùng bán ra thị trường. Khái niệm này cũng tương tự định nghĩa về “bán thành phẩm” được quy định trong một số văn bản pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, khoản 6 Điều 3 Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu định nghĩa“Rượu bán thành phẩm” là rượu chưa được hoàn thiện, cần thêm một số công đoạn sản xuất, ví dụ như: Lọc, phối chế, đóng chai, dán nhãn… để trở thành sản phẩm rượu hoàn chỉnh. Tại Phụ lục 01 Thông tư 14/2012/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 31/08/2012 cũng định nghĩa “bán thành phẩm” lànguyên liệu đã được xử lý một phần, cần phải trải qua các bước xử lý tiếp theo trước khi trở thành thành phẩm để lưu thông trên thị trường". Nếu hiểu theo đúng tinh thần các quy định nêu trên thì mặt hàng xi măng không phải là “bán thành phẩm”.
Như vậy, để xác định mặt hàng xi măng có phải là “bán thành phẩm” và có phải áp thuế theo quy định tại khoản Mục 211 Phụ lục I, Nghị định 122/2016/NĐ-CP hay không thì cần có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ hoặc các Bộ chuyên ngành được Chính phủ ủy quyền. Trong khi Chính phủ và các Bộ chưa có quy định hướng dẫn xác định mặt hàng xi măng là "bán thành phẩm" thì việc cơ quan hải quan tự ý áp dụng thuế suất 5% đối với xi măng xuất khẩu là không có căn cứ.
PV:Như vậy, theo ông, Tổng cục Hải quan đã “tự ý” giải thích pháp luật?
Giải thích pháp luật được hiểu là việc làm rõ tinh thần, nội dung của một văn bản pháp luật và các quy định của nó. Thẩm quyền này thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Đối với Nghị định 122/2016/NĐ-CP thì cơ quan ban hành văn bản pháp luật là Chính phủ, vì vậy chỉ có Chính phủ hoặc các Bộ chuyên ngành được Chính phủ ủy quyền mới có quyền giải thích Nghị định này. Tổng cục Hải quan không có quyền giải thích hay định nghĩa thế nào là “bán thành phẩm” để áp dụng quy định tại Mục 211 Phụ lục I, Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên Công văn 9744/TCHQ-TXNK chỉ là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong nội bộ ngành hải quan. Nó không chứa đựng các quy phạm pháp luật nên không vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng do bản thân quy định tại Mục 211 Phụ lục I, Nghị định 122/2016/NĐ-CP cũng chưa rõ ràng nên nội dung hướng dẫn tại Công văn 9744/TCHQ-TXNK chưa phản ánh đầy đủ điều kiện áp dụng pháp luật cũng như chưa đủ căn cứ để các cơ quan hải quan thi hành.
PV: Hệ quả của việc áp thuế “sai quy trình” này sẽ ra sao, thưa ông?
Đối với cơ quan hải quan, nếu tự ý áp thuế sai khiến doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều hơn mức quy định, ngoài trách nhiệm hoàn thuế cho doanh nghiệp, có thể sẽ phải bồi thường cho doanh nghiệp theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân người thi hành công vụ, nếu thực hiện sai các quy định của pháp luật về thuế sẽ chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan quản lý phù hợp với mức độ vi phạm; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trong trường hợp này, việc cơ quan Hải quan hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật với một đối tượng hàng hóa khi chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết của Chính phủ và các Bộ chuyên ngành thì có thể được xem là việc làm nóng vội. Còn chưa thể kết luận là có làm sai quy định về thu thuế xuất khẩu hay không. Tất cả phải đợi văn bản hướng dẫn của Chính phủ.
PV: Xin cám ơn Luật sư!