Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, quy định buộc luật sư phải tố giác thân chủ như trong dự thảo sửa đổi BLHS 2015 là một quy định có mâu thuẫn về mặt lý luận luật hình sự; mâu thuẫn, xung đột với quy định của Hiến pháp, luật luật sư, Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư và các văn bản pháp luật khác...
Tuần qua, Quốc hội thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự 2015.
Trong đó, một vấn đề được tranh luận sôi nổi đó là: Quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại điều 389 của bộ luật Hình sự.
Quy định trên đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều làm "nóng" phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Luồng ý kiến bảo vệ dự luật cho rằng luật sư cũng là công dân thì công dân luật sư cũng có trách nhiệm bảo vệ công lý. Vì thế khi biết thông tin về tội phạm thì đương nhiên phải có trách nhiệm tố giác.
Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại cho rằng quy định như trên đi ngược với thiên chức của người bào chữa.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, quy định tại khoản 3, Điều 19 BLHS năm 2015 là một quy định có mâu thuẫn về mặt lý luận luật hình sự; mâu thuẫn, xung đột với quy định của Hiến pháp, luật luật sư, Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư và các văn bản pháp luật khác; Vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và của luật hình sự, tố tụng hình sự; Đi ngược lại với xu thế chung, sự phát triển của tố tụng hình sự thế giới; Quy định này không phải là giải pháp hữu hiệu để đấu tranh với tội phạm mà chỉ làm gia tăng tiêu cực trong xã hội, tạo ra sự nguy hi¬ểm cho các luật sư và từng bước bóp nghẹt nghề luật sư tranh tụng...
Luật sư Đặng Văn Cường |
Khoản 3, Điều 19, BLHS năm 2015 quy định: "Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.". Như vậy, với quy định này thì người bào chữa (chủ yếu là luật sư) sẽ phải tố giác "thân chủ" khi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bào chữa mà phát hiện thân chủ đã từng thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội xâm phạm an ninh quốc gia. Quy định này phải được bãi bỏ bởi các lý do sau đây:
Mẫu thuẫn về mặt lý luận trong tranh tụng: Nghị quyết số 08/2002-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Ban chấp hành trung ương quy định rõ: "Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa", đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, tạo điều kiện để luật sư được tranh tụng dân chủ, bình đẳng với kiểm sát viên tại phiên tòa... Sau đó, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản trong hiến pháp, tiếp tới Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự. Theo nguyên tắc này thì sẽ phân định rõ ràng bên "buộc tội" và bên "bào chữa - gỡ tội" tranh luận, phản biện, đối kháng nhau trong vụ án hình sự để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, nêu ra, phân tích những chứng cứ buộc tội, gỡ tội và tòa án sẽ là trọng tài để phân định bên nào đúng, bên nào sai và quyết định kết quả giải quyết vụ án, tăng cường tính dân chủ, công bằng trong tố tụng hình sự... Đó là thành tựu trong công cuộc cải cách tư pháp. Bên buộc tội là các cơ quan tiến hành tố tụng, chủ yếu là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, còn bên bào chữa là bên gỡ tội, duy nhất chức năng gỡ tội chứ không có chức năng buộc tội. Pháp luật của chúng ta có ít nhất 3 cơ quan chuyên trách (điều tra, kiểm sát, tòa án) để thực hiện chức năng buộc tội, trong khi có chỉ có một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên trách "gỡ tội" theo thiên chức của họ mà bắt họ phải đứng về phía cơ quan buộc tội, phải "phản chủ" thì không ổn sẽ thủ tiêu nguyên tắc tranh tụng, kéo lùi sự phát triển của nghề luật sư và phá hỏng kết quả của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay vì vậy, bỏ quy định tại khoản 3, Điều 19 BLHS năm 2015 là phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, tạo điều kiện cho các quy định tiến bộ khác có cơ hội được triển khai trên thực tế.
“Chưa có tiền lệ trên thế giới”
Quy định luật sư phải tố cáo thân chủ chưa có tiền lệ trên thế giới: Theo thống kê của các chuyên gia về hình sự quốc tế thì hiện nay chỉ có một vài nước trong số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy định về luật sư có trách nhiệm thông tin cho chính quyền những kẻ có âm mưu khủng bố, xâm phạm an ninh quốc gia... còn đối với những hành vi nguy hiểm đã thực hiện rồi, luật sư tham gia bào chữa rồi thì không nước nào quy định là luật sư phải "tố giác" thân chủ của mình. Nguyên tắc luật sư phải tuyệt đối trung thành với thân chủ, bảo vệ thân chủ là quy tắc này xuất phát từ công ước về quyền con người, các nghị quyết của Liên hợp quốc về quan hệ giữa luật sư và khách hàng, nhiều nước đã có những quy định rất cụ thể để miễn trừ cho luật sư về vấn đề tố giác tội phạm. Một số nước chỉ có quy định là tiết lộ, cung cấp thông tin của luật sư cho Nhà nước khi phát hiện thân chủ có ý định xâm phạm an ninh quốc gia, chống loài người, còn với những hành vi phạm tội đã diễn ra thì không bắt buộc phải thông tin chứ chưa nói tới hành động cao hơn là "tố giác". Vì vậy, nếu chúng ta quy định luật sư phải "phản chủ" khi thân chủ đã thực hiện một hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì vấn đề này là một quy định trái khoáy và không phù hợp với xu hướng chung của tố tụng hình sự thế giới.
Quy định luật sư phải tố giác thân chủ mâu thuẫn về mặt logic và không đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm: Quy định của luật luật sư và Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư là luật sư phải giữ bí mật khách hàng, nguyên tắc này còn xuất phát từ các công ước quốc tế về quyền con người. Nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự đòi hỏi luật sư phải thực hiện chức năng duy nhất là chức năng bào chữa để gỡ tội cho thân chủ. Nếu nay luật sư phải thêm hoạt động buộc tội thì không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng. Hiện nay, Việt Nam có ba cơ quan chuyên trách để đấu tranh với tội phạm là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, ngoài ra còn vận động toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm... trong khi đó chỉ có một tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện vai trò phản biện, gỡ tội để việc buộc tội có căn cứ hơn, khách quan hơn, công bằng hơn (chứ không phải để cản trở hoạt động buộc tội). Vậy mà, lại bắt luật phải tố giác tội phạm chính là những thân chủ mà mình đang bảo vệ thì điều này là phi logic và xung đột với các quy định về bí mật thông tin, đạo đức nghề nghiệp luật sư, vi phạm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự.
Nếu quy định luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ thì sẽ làm cho các bị can, bị cáo ngại bày tỏ với người bào chữa về những vấn đề "thầm kín" của mình, ngại tiếp cận dịch vụ pháp lý của luật sư và chỉ còn cách là "chạy tội, chạy án" làm gia tăng những tiêu cực trong xã hội. Nếu quy định này được ban hành thì suy nghĩ cần phải giấu tội, giấu thông tin của các bị can, bị cáo sẽ gia tăng dẫn đến càng khó khăn hơn trong việc giải quyết vụ án và không có cơ hội để luật sư động viên bị cáo đầu thú, lập công chuộc tội, tìm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can, bị cáo, làm giảm giá trị, hiệu quả của hoạt động bào chữa.
Nếu quy định luật sư phải "phản chủ" thì sẽ bóp nghẹt hoạt động nghề nghiệp luật sư và tăng mối nguy hiểm cho luật sư: Hiện nay nghề luật sư tranh tụng trong vụ án hình sự ở Việt Nam không dễ dàng gì hành nghề, cần phải có nhiều quy định, cơ chế để hoạt động này phát triển, đáp ứng nhu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Vậy mà, lại quy định luật sư phải "tố giác" thân chủ, đồng nghĩa với việc thân chủ không nên thành thật với luật sư bào chữa cho mình (nếu nói ra sẽ bị tố giác) thì sẽ gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động bào chữa. Thêm vào đó, hoạt động buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác đáng, qua quá trình xác minh, điều tra kỹ lưỡng bằng những phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ, chứng minh bằng chứng cứ. Vậy mà nếu thân chủ chỉ nói miệng với luật sư một vài thông tin về hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nào đó thì luật sư có phải vội vàng đi "tố giác" thân chủ hay không ? Nếu tố giác không có căn cứ rõ ràng, sau này tòa án tuyên bị cáo không phạm tội thì uy tín của luật sư đó thế nào ? Bị cáo kiện lại yêu cầu bồi thường vì làm lộ thông tin, tố cáo không có căn cứ thì ai sẽ bồi thường thay cho luật sư.
Trong quá trình thực hiện hoạt động tranh tụng thì không tránh khỏi những mâu thuẫn, "va chạm", thậm chí thù hằn giữa luật sư bào chữa và những người tiến hành tố tụng. Nếu vin vào quy định tại khoản 3, Điều 19 BLHS mà những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng không khách quan, vì tư thù cá nhân mà cứ khởi tố người bào chữa vì đã nghe bị cáo "nói" mà không tố giác thì quả là đau xót cho hoạt động tố tụng của chúng ta, khi đó quy định này sẽ thành công cụ để trả thù nhau, gia tăng tiêu cực, bất ổn trong xã hội.
Nếu luật sư vi phạm thì có nhiều chế tài, chứ không chỉ có chế tài hình sự: Các quy định về trách nhiệm nghề nghiệp luật sư bào chữa thể hiện rất nhiều ở các văn bản pháp luật như luật luật sư, bộ luật tố tụng hình sự, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp luật sư.,. đồng thời cũng có rất nhiều chế tài như: Kỷ luật, chế tài hành chính, thậm chí hình sự... khi mà luật sư cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Vấn đề ở chỗ, áp dụng chế tài nào khi luật sư vi phạm là câu chuyện cần bàn tính. Không phải luật sư bào chữa là không có trách nhiệm đấu tranh với tội phạm... Thực tế trong rất nhiều các vụ án hình sự, khi luật sư tham gia vụ án, thấy đủ chứng cứ, căn cứ để kết tội thì người bào chữa luôn khuyên thân chủ của mình là thành khẩn nhận tội để được hưởng khoan hồng của pháp luật, tạo tin tưởng để thân chủ dãi bày, chia sẻ thông tin, làm căn cứ để luật sư thực hiện hoạt động bào chữa còn trách nhiệm buộc tội đã giao cho các cơ quan tư pháp. Nếu luật sư bị khởi tố về hành vi không tố giác tội phạm thì đồng thời luật sư đó cũng sẽ bị xóa tên và không còn được hoạt động nghề nghiệp luật sư nữa... Chế tài này quá nghiêm khắc so với tính chất của hành vi và trách nhiệm nghề nghiệp, thiên chức của nghề luật sư.
“Vì vậy, ý kiến của cá nhân tôi và phần lớn luật sư Việt Nam hiện nay là nên bỏ hẳn khoản 3, Điều 19 BLHS năm 2015 để tránh bước thụt lùi của tố tụng hình sự Việt Nam, đảm bảo những quy định mới tiến bộ khác được phát huy giá trị, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động cải cách tư pháp. Nếu cần thiết thì Liên đoàn luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư lớn như Đoàn luật sư Hà Nội, Đoàn luật sư tp HCM có thể tổ chức lấy ý kiến của toàn thể luật sư về vấn đề này để trình Quốc hội xem xét” – luật sư Cường nêu quan điểm.
Tiểu Phương (ghi)