Theo đó, về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 99,9%, hiện còn 1 hộ tại mố M1 cầu Tư Sang (tỉnh Hậu Giang) cản trở thi công và 200m tuyến nối tại TP.Cần Thơ vướng bãi rác; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành, bao gồm 7/7 đường điện cao thế.
Đến nay, sản lượng thi công đạt 46%/57% kế hoạch, chậm 11%. Cụ thể, phần tuyến chính đã đắp đến cao độ cắm bấc thấm 78km/91,4km (đạt 85%); cắm bấc thấm 67/91,4km (đạt 73%); đắp đến cao độ gia tải 24km/91,4km, thi công cọc xi măng đất được 4,7km/10,35km. Đang thi công 117/117 cầu; 45/117 cầu đã xong bản mặt cầu; dự kiến hoàn thành toàn bộ các cầu trên tuyến chính trước 31/12/2024.
Về giải ngân vốn năm 2024, đã giải ngân 4.648/5.850 tỷ đồng, đạt 79% so với kế hoạch giao. Giải ngân lũy kế từ đầu dự án đến nay khoảng 13.559/14.766 tỷ đồng, đạt 92%.
Về mỏ cát, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết nhu cầu đến hết năm 2024 khoảng 15,5 triệu m3. Đến nay đã đưa về công trường 9,8 triệu m3, còn thiếu 5,67 triệu m3. Để bảo đảm hoàn thành đắp gia tải trong năm 2024, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chủ động làm việc với địa phương để bổ sung thêm nguồn cát.
Cụ thể, các tỉnh đã hoàn tất thủ tục mỏ cung ứng cho Dự án thêm 2,2 triệu m3 (An Giang điều phối 1,4 triệu m3; Vĩnh Long xong thủ tục 3 mỏ 0,8 triệu m3); Đồng Tháp tăng công suất 2 mỏ. Hiện đang tiếp tục phối hợp với địa phương để hoàn tất thủ tục 1 mỏ tại Tiền Giang khoảng 0,6 triệu m3 (đã trình ĐTM) và 2 mỏ tại Bến Tre khoảng 2 triệu m3, đã xong hồ sơ khảo sát và chờ tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương.
Về mỏ đá, kế hoạch huy động đá để gia tải trong năm 2024 là 1,6 triệu m3, thế nhưng hiện mới chỉ huy động về được 0,135 triệu m3 (đạt 8,5%). Nguồn đá có trữ lượng lớn và điều kiện vận chuyển thuận lợi nhất là mỏ Antraco, tỉnh An Giang, hiện giấy phép khai thác đã hết hạn từ tháng 6/2024, Thủ tướng đã chỉ đạo An Giang hoàn thành thủ tục gia hạn trong tháng 8/2024, nhưng đến nay chưa xong. Hiện các nhà thầu đã chủ động huy động đá từ các tỉnh lân cận (Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương...).
Khó khăn của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là nguồn cát phục vụ thi công. Để đảm bảo huy động khối lượng cát còn lại trong năm 2024 (khoảng 5,67 triệu mét khối), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT xem xét, tiếp tục có ý kiến với các địa phương (Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang) sớm hoàn thành thủ tục khai thác, nâng công suất mỏ cát để cung ứng đủ nguồn cát cho dự án.
Đồng thời, Bộ GTVT có ý kiến với tỉnh Vĩnh Long hoàn thành thủ tục khai thác mỏ, nâng công suất mỏ để cung ứng thêm 2 triệu m3, đảm bảo đủ chỉ tiêu 5 triệu m3 trong tháng 10/2024. Tiếp tục hỗ trợ các nhà thầu trong quá trình khai thác các mỏ cát trên địa bàn đảm bảo công suất khai thác.
UBND tỉnh Bến Tre sớm hoàn thành thủ tục giao 2 mỏ cát theo cơ chế đặc thù trong tháng 10/2024 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Tiền Giang hoàn thành các thủ tục giao mỏ (0,6 triệu m3) trong tháng 10/2024 và tiếp tục giới thiệu thêm mỏ mới cho đủ 2 triệu m3 phục vụ Dự án.
UBND tỉnh An Giang chỉ đạo ưu tiên 100% khối lượng cát khai thác được từ 3 điều phối từ trục ngang cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2024 đủ 1,4 triệu m3; Cho phép khai thác trở lại mỏ Vàm Nao để cung cấp cho Dự án; gia hạn giấy phép mỏ đá Antraco để cung cấp cho dự án.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho phép khai thác theo công suất năm (không quy định công suất ngày); bổ sung các nguồn khác để bù khối lượng còn thiếu do dừng mỏ An Nhơn và Định Yên (0,476 triệu m3).
Bộ TNMT sớm có văn bản điều chỉnh thời gian khai thác từ 5h – 19h thay vì từ 7h – 17h như hiện nay để có thể tăng công suất khai thác cát biển.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, khởi công tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Đoạn tuyến cao tốc này gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km; tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73km; tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.