+Aa-
    Zalo

    Nỗi day dứt của một cựu chiến binh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bốn lần đào hầm vượt ngục, một lần chết "hụt", được đồng đội báo tử về quê và tên của ông đã được khắc trên tấm bia gỗ ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn…

    Bốn lần đào hầm vượt ngục, một lần chết "hụt", được đồng đội báo tử về quê và tên của ông đã được khắc trên tấm bia gỗ ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn… Đó chính là cuộc đời của "liệt sỹ" Đậu Đức Nam (SN 1942), trú tại đường Bùi Quang Là, phường 12, quận Gò Vấp (TP HCM). Điều đáng lưu ý là ông vẫn còn sống và khắc khoải mong một ngày được trả lại tên cho người đồng đội của mình...

    Nỗi day dứt của một cựu chiến binh
    Ông Đậu Đức Nam cùng tấm bằng công nhận ông là liệt sỹ.

    Nhầm lẫn từ chiếc đồng hồ

    Đã nhiều lần hẹn nhưng đến hôm nay, chúng tôi mới có dịp được gặp ông. Ấn tượng đầu tiên về người cựu chiến binh Đậu Đức Nam chính là mái tóc bạc phơ, bước đi chậm rãi, nhưng đôi mắt vẫn còn rất tinh anh.

    Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời của mình, đôi mắt ấy sáng lên rồi chợt chùng xuống, nét tự hào xen lẫn một nỗi buồn khó tả. Qua lời kể của ông, những "thước phim" về một cuộc đời bi tráng nhưng thật hào hùng dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi.

    Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Hòa Bình, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tháng 4/1962, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đậu Đức Nam lên đường nhập ngũ. Lúc đó do thiếu cân, sợ không trúng tuyển nên ông phải bỏ đá vào người để vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe.

    Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), ông Nam được đơn vị chọn đi học ngành thông tin vô tuyến điện và được phân công về ngành thông tin của Trinh sát đặc công, Cục 2, Bộ Quốc phòng.

    Từ đó, nhiệm vụ của Nam cùng đoàn trinh sát đặc công là hoạt động điều tra địch, bảo vệ đoàn tàu không số tại Vĩnh Linh. Cuối năm 1964, đoàn được lệnh nhập vào Sư đoàn 325 ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây, ông cùng đồng đội đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay trực thăng và bắt hàng chục tên biệt kích của quân địch.

    Năm 1965, đoàn đổi tên thành Nông trường 10, tiếp tục hành quân vào giải phóng vùng A So, A Lưới (miền Tây Thừa Thiên  - Huế). Sau ngày giải phóng A So, những đồng đội hy sinh và bị thương được chuyển ra Bắc. Số anh em còn lại trong đơn vị tiếp tục hành quân lên Tây Nguyên, vừa đi vừa mở đường Hồ Chí Minh. Đến gần Kon Tum thì Nam bị "chết" do sốt rét ác tính. Đơn vị báo tử và khiêng ông Nam đi chôn.

    Tuy nhiên, khi chuẩn bị chôn thì đồng đội kiểm tra thấy mạch tim còn đập nên đưa ông Nam trở về điều trị. Sau khi sức khỏe bình phục, ông Nam tiếp tục chiến đấu. Đoàn của ông Nam được cử đi điều tra tình hình địch phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại chiến trường B3 Tây Nguyên. Tại đây, ông Nam được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

    Với cương vị là Đài trưởng, ông Nam cùng đồng đội đã chiến đấu hết sức quả cảm. Nhưng không ngờ địch bắt được sóng ra-đa và chúng đã phục kích bằng máy bay, bom đạn và bộ binh.

    Trong trận chiến ác liệt và không cân sức ấy, một số anh em bảo vệ đài bị địch bắn chết. Lúc đó, đồng chí Trần Văn Vu, quê Thanh Hóa, là nhân viên báo vụ đang làm việc trên máy bị trúng đạn và thủ pháo khiến cho khuôn mặt của Vu không còn nguyên vẹn. Riêng ông Nam thì bị đâm đầu vào ngách hầm và ngất lịm. Sau đó, ông Nam bị địch bắt và chuyển ra nhà tù Phú Quốc.

    Thời gian bị giam tại "địa ngục trần gian" này, Đậu Đức Nam đã gặp lại Nguyễn Hữu Phước (quê ở Đô Lương, Nghệ An). "Ông Phước là người đã kết nạp tôi vào Đảng, tự tay chôn xác Trần Văn Vu và báo tử tôi về quê. Trong cuộc hội ngộ bi tráng đó tôi mới biết, sau trận tập kích, đồng đội vào lượm xác những chiến sỹ hy sinh, khi lật xác Vu lên thì khuôn mặt đã không còn nguyên vẹn nữa, nhưng trên tay vẫn còn đeo chiếc đồng hồ của tôi nên ông Phước báo tử tên là Đậu Đức Nam. Chiếc đồng hồ đó tôi dành dụm mãi mới mua được. Lúc ấy, đồng chí nào đi trực đài cũng mượn đồng hồ của tôi để xem giờ. Và cái ngày định mệnh đó, chiếc đồng hồ lại nằm trong tay Vu...  Đến nay đã hơn 40 năm, thủ tục hồ sơ liệt sỹ của Trần Văn Vu, tôi vẫn chưa thể trả lại cho người đồng đội của mình. Đó là điều khiến tôi day dứt bao nhiêu năm nay", Giọng ông trầm xuống.

    Bốn lần đào hầm vượt ngục

    Cũng chính tại nhà tù Phú Quốc, ông Nam cùng một số anh em trong tù đã tổ chức sinh hoạt chi bộ Đảng bí mật và thành lập Đội cảm tử tổ chức đào hầm vượt ngục. Căn hầm vượt ngục đầu tiên không thành công, vì đào trúng mạch nước ngầm nên chuyển sang thành giếng. Đây cũng chính là giếng nước ngọt đầu tiên trên đảo Phú Quốc.

    Mặc dù không thành công nhưng việc đào hầm lan tỏa ra các trại. Anh em đều đào giếng để lấy nước ăn uống sinh hoạt trong tù. Bị địch phát hiện, chúng chuyển ông sang khu trại giam B2.

    Tại đây, Nam cũng tổ chức sinh hoạt chi bộ Đảng bí mật, đào hầm và vượt ngục thành công được 32 người. Ông Đậu Đức Nam được tổ chức cài ở lại, nhưng bị bọn chiêu hồi báo với địch. "Biết tôi là người cầm đầu nên bọn địch bắt ra tra tấn chết đi sống lại nhiều lần. Chúng bẻ 6 cái răng, đóng đinh ghim vào 10 đầu ngón tay, đập dập 10 ngón chân tôi rồi tống vào chuồng cọp dầm mưa dãi nắng ngoài trời... Nói chung là nhục hình nào ở nhà tù Phú Quốc tôi đều nếm trải, nhưng bọn chúng không thể làm gì được", ông Nam nhớ lại.

    Nỗi day dứt của một cựu chiến binh
    Bằng công nhận "liệt sỹ" Đậu Đức Nam.

    Vậy là chúng lại giam ông vào trại giam B4, B5, A4. Ở chỗ nào ông cũng giữ vững ý chí của người cộng sản, cùng anh em trong tù tiếp tục đào hầm vượt ngục. Và thành công nhất là ở trại giam A4, có 42 người vượt ngục thành công.

    Tuy nhiên, Đậu Đức Nam vẫn bị kẹt lại trong tù với những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Sau đó, bọn chúng đưa ông về giam tại khu C8 - nhà giam những người cộng sản kiên trung cho đến ngày trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri năm 1973.

    Nỗi khắc khoải giữa thời bình

    Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương với niềm tự hào của một người lính. Nhưng trớ trêu thay, do thông tin sai lệch nên dân làng quê ông coi ông là tên chiêu hồi, phản động. Bị mọi người dị nghị, buộc lòng ông phải rời bỏ quê hương ra Bắc lập nghiệp và xây dựng gia đình.

    Thế nhưng, nghiệt ngã cuộc đời vẫn không hề buông tha khi ông mang trong mình chất độc da cam. Vợ ông sinh được 4 người con thì một người không qua khỏi, một người lớn lên trong hình hài trẻ con... Sau đó, cả gia đình ông vào TP HCM sinh sống bằng nghề bán rượu.

    Năm 2005, nhớ lại lời dặn của những người đồng đội "người nào còn sống thì phải nhớ tên, quê quán đồng đội đã hy sinh để đưa anh em về". Vậy là ông lại khăn gói ra đảo Phú Quốc tìm những đồng đội của mình.

    Đến nay, ông đã tìm được 14 mộ liệt sỹ đưa về mọi miền Tổ quốc, trong đó có ngôi mộ tập thể gần 200 hài cốt. "Suốt bao năm qua, lòng tôi lúc nào cũng day dứt không yên. Phải trả lại danh phận cho người đồng đội Trần Văn Vu thì tôi mới yên lòng nhắm mắt được", ông Nam tâm sự.

    Trở về cuộc sống đời thường, ông tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Từ Tổ trưởng tổ dân phố đến Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh, Trưởng ban Mặt trận khối phố, việc gì ông cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước và chính quyền tặng nhiều huân huy chương, bằng khen cao quý. Nhưng có nỗi khắc khoải ám ảnh mãi trong lòng là chưa thể trả lại tên cho người đồng đội của mình là liệt sỹ Trần Văn Vu, điều này làm ông day dứt khôn nguôi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-day-dut-cua-mot-cuu-chien-binh-a36606.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan