Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, vào một ngày thông thường, 1/3 số người trưởng thành ngủ trưa. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, giấc ngủ ngắn vào ban ngày không phải là điều tốt cho tất cả mọi người.
Ngủ trưa đem lại lợi ích cho hầu hết mọi người
Chợp mắt một chút có thể giúp bạn nạp năng lượng cho phần còn lại của ngày. Tiến sĩ Kelly Waters, chuyên gia về thuốc ngủ, nói với Yahoo Life: “Ngủ trưa giúp bạn có một chút thời gian nghỉ ngơi vào giữa ngày, rất hữu ích để thể chất và nhận thức được làm mới”.
Tiến sĩ W. Christopher Winter, tác giả của Giải pháp giấc ngủ, giải thích: “Thật tuyệt nếu bạn có thể ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, nếu bạn không thể làm vậy, ngủ trưa là cách tốt để lấp đầy sự thiếu hụt".
Điều đó đồng nghĩa, ngủ trưa giúp bạn bớt buồn ngủ, cải thiện năng lực học tập, làm việc, ghi nhớ mọi thứ và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Ngủ trưa có thể hỗ trợ quá trình chữa bệnh
Theo Tiến sĩ Waters, có thể chợp mắt khi bạn bị ốm là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang thực hiện công việc của mình. “Khi bạn bị ốm, các tế bào miễn dịch sẽ giải phóng tín hiệu hóa học để chỉ đạo cơ thể phản ứng và chữa lành. Những tín hiệu đó cũng khiến bạn buồn ngủ", Tiến sĩ Waters nói.
Khi đó, hệ miễn dịch sẽ thực hiện những việc cần làm để giúp bạn khỏe hơn. Chợp mắt khi bị ốm đặc biệt hữu ích nếu bệnh ảnh hưởng đến khả năng ngủ của bạn vào ban đêm.
Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe liên quan đến ngủ trưa
Tuy nhiên, không phải tất cả giấc ngủ trưa đều có lợi. Ngủ trưa có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe ở người lớn, bao gồm huyết áp cao và đột quỵ.
Một nghiên cứu gần đây trên 360.000 người được công bố trên tạp chí Hypertension cho thấy, những người thường ngủ trưa có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn 12% và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 24% so với những người không ngủ trưa.
Ngủ trưa nhiều và kéo dài (hơn 1 giờ/lần) cũng liên quan đến khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và trầm cảm.
Nhưng Tiến sĩ Winter nói rằng rất khó để biết liệu chính những giấc ngủ ngắn dẫn đến các bệnh trên hay ngủ ngày thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo ai đó có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Một số người nên tránh ngủ trưa
Các chuyên gia nói rằng giấc ngủ ngắn có thể hữu ích đối với rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng nên áp dụng. "Ngủ trưa có thể không hữu ích nếu bạn không cảm thấy sảng khoái khi thức dậy, khó ngủ vào ban đêm hoặc ngủ ngày quá 1 giờ", Tiến sĩ Winter nói.
Nếu là người hay mất ngủ, tốt nhất bạn nên tránh ngủ trưa nếu có thể. Vị tiến sĩ giải thích: “Bộ não tính toán thời gian ngủ hằng ngày. Có những yếu tố hình thành trong thời gian thức dậy gây ra cảm giác buồn ngủ. Ngủ trưa sẽ làm giảm yếu tố này nên không có điều gì để thúc đẩy một người chìm vào giấc ngủ buổi tối”.
"Nếu bạn nằm xuống và chợp mắt 2 giờ, bạn có thể cảm thấy tồi tệ hơn trước đây. Bạn bắt đầu bước vào chu kỳ ngủ khó đánh thức”.
Làm thế nào để ngủ trưa đúng cách?
Có một số điều bạn phải ghi nhớ để đạt được lợi ích tối đa trong việc ngủ trưa:
Khi nào - Ngay sau bữa trưaLàm thế nào - Nằm xuống theo tư thế "bào thai"- tức là cuộn tròn người về phía đầu gối và nghiêng người theo phía bên tráiThời lượng - 10 đến 30 phút (90 phút cho người rất trẻ, rất già và rất ốm yếu)
Thời gian lý tưởng – Khoảng thời gian để nghỉ trưa từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều. Nếu bạn đang ở nhà, hãy nằm xuống giường. Tại nơi làm việc nếu không có chỗ ngủ thì chỉ cần gục đầu xuống bàn làm việc để nghỉ ngơi.
Một số điều cần tránh làm trong ngày nếu muốn có một giấc ngủ ngắn yên bình:
Không ngủ trưa từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối
Tránh các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, socola sau bữa trưa
Ngủ nhiều hơn 30 phút
Vừa ngủ vừa mở tivi.