Đây là thành tựu được ca ngợi là một bước đột phá mặc dù bệnh nhân vẫn chưa lấy lại được thị lực.
Người nhận mắt, Aaron James, là một cựu quân nhân 46 tuổi đến từ bang Arkansas, sống sót sau một vụ tai nạn điện cao thế liên quan đến công việc, khiến nửa bên trái của khuôn mặt, mũi, miệng và mắt trái của ông bị phá hủy.
Ca phẫu thuật kéo dài 21 tiếng đồng hồ đã mang đến kết quả tốt đẹp ban đầu. Ban đầu, các bác sỹ chỉ dự định đưa nhãn cầu vào hốc mắt vì lý do thẩm mỹ. Tuy nhiên, sau đó các bác sỹ đã nghiên cứu cách để kết nối mạng lưới thần kinh trong não với mắt cấy ghép bằng công nghệ tế bào gốc.
Bác sỹ võng mạc Vaidehi Dedania cho biết mắt trái được cấy ghép đang trong tình trạng tốt khi được cung cấp máu, duy trì áp lực và tạo ra tín hiệu điện. Mặc dù bệnh nhân vẫn chưa thể nhìn thấy nhưng các bác sỹ vẫn đang rất hy vọng ca cấy ghép thành công.
Xuất hiện trong buổi họp báo, anh James đã tỏ lòng biết ơn đến gia đình người hiến tặng và đội ngũ bác sỹ. Sau ca phẫu thuật, anh đã trở về cùng gia đình ở Arkansas hồi tháng 9 nhưng mỗi tháng sẽ quay lại kiểm tra sức khỏe ở New York.
Các bác sỹ ở NYU Langone Health cho biết đã sử dụng tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy xương để thúc đẩy quá trình phục hồi dây thần kinh. Việc khôi phục thị lực liên quan đến việc áp dụng các phương pháp tiên tiến khác, trong đó có liệu pháp gene để thúc đẩy sự tự phục hồi của dây thần kinh thị giác, sử dụng thiết bị để bảo vệ mô, hoặc sử dụng các thiết bị thu tín hiệu.
Ghép toàn bộ mắt được coi là một thành tựu lớn của y khoa. Các nhà nghiên cứu từng đạt một số thành công trong việc ghép toàn bộ mắt trên chuột, giúp chúng khôi phục một phần thị lực, song kỹ thuật này chưa từng được thực hiện trên người.
Giới chuyên gia khẳng định ca cấy ghép toàn bộ mắt cho thấy nỗ lực của các bác sỹ nhằm khôi phục thị lực cho bệnh nhân cũng như mang lại hy vọng cho nhiều người trên thế giới.
Thùy Dung (T/h)