Rất nhiều lò tái chế dầu ăn và tóp mỡ siêu bẩn đang hoạt động công khai tại khu vực huyện Hóc Môn và quận 6 của TP HCM. Nhiều ngày tìm cách xâm nhập vào đây, chúng tôi không khỏi thất kinh trước công đoạn chế biến các loại thực phẩm vô cùng độc hại này….
Dầu ăn như nhớt xe
Ngay khi nhận được tin một số cơ sở ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (TP HCM) mua lại dầu ăn từ các nhà hàng, quán ăn đem về tái sử dụng, chúng tôi lập tức thâm nhập để tìm hiểu thực hư.
Mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới xác định được vị trí của những cơ sở tái chế dầu ăn kinh dị này. Bởi lẽ, để đối phó với cơ quan chức năng và báo chí, các cơ sở tái chế dầu ăn đều quy định những mối mới muốn đến xem hay đặt hàng đều buộc phải qua một trong hai "cửa" trung gian: sự giới thiệu của một số chủ quán thân tín hoặc có đối tượng dẫn đường (chim mồi).
Chạy dọc quốc lộ 22, tới xã Tân Thới Nhì, chúng tôi theo lời chỉ dẫn tiến vào một ngõ hẹp, tìm đến nhà chủ cơ sở tên Y, người chuyên tái chế dầu ăn. Theo thông tin, mỗi tối, cơ sở này đều có vài xe máy chở theo can cỡ lớn để lấy dầu, thi thoảng có cả xe tải nhỏ vào "ăn hàng".
Vào vai một chủ quán nhậu muốn đặt dầu về kinh doanh, chúng tôi nói tên một số quán nhậu trên TP HCM giới thiệu đến mua hàng. Do chủ cơ sở không có mặt, người làm công tưởng khách nên dẫn thẳng vào kho để trao đổi.
Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy "sởn da gà" vì nhà kho vô cùng nhơ nhuốc, dầu ăn đổ tràn lan trên nền đất đen sì. Những thùng phuy chứa dầu đã được tái chế để vào một góc khuất phía sau kho, bên ngoài chỉ để bao tải, can rỗng nhìn như đống phế liệu.
Nhà xưởng dơ bẩn |
Sau khi xin số điện thoại, chúng tôi gọi cho chủ và được chào mời rất nồng nhiệt. Ít phút sau, một người đàn ông to con, bặm trợn tiếp chuyện chúng tôi. Anh này liên tục dò hỏi và bắt đầu nảy sinh nghi ngờ khi khách lỡ miệng nói sai địa chỉ quán. Lập tức, anh ta tỏ thái độ khác hẳn và nói to: "Đây là dầu ép từ lạc, giá rất đắt, không phục vụ quán ăn được!", rồi bỏ đi.
Tiếp tục đi sâu vào một căn hẻm nhỏ nằm trên đường Thống Nhất, quốc lộ 22 (xã Tân Thới Nhì), nơi có lò tái chế dầu ăn của bà T. Đi theo chỉ dẫn của một người làm, chúng tôi tiến vào khu vực sản xuất.
Ngay khi cánh cửa mở ra, chúng tôi đã bị sặc vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, từ mái nhà, tường và đất chỉ toàn một màu đen. Dưới nền nhà bóng loáng dầu ăn đang đặt hàng loạt can nhựa, thùng phuy đựng dầu đen ngòm, bám đầy đất cát. Anh này dẫn chúng tôi đi một vòng, xem đủ các loại dầu ăn kinh dị với giá bán siêu rẻ.
Các can dầu ăn tái chế kinh dị chuẩn bị đưa ra thị trường |
Dừng ở khu vực dầu có giá bèo nhất: 15.000 đồng/cân (bán theo trọng lượng), anh ta dùng ca múc ra một thứ "nước" đặc quánh, để trong một cái thùng nhựa nhơ nhuốc và nói: "Loại này ít người xài vì có rất nhiều mùi khác nhau".
Tiếp đó, anh ta tiếp tục mở nhiều can khác nhau có mức giá 16.000 - 18.000 đồng/cân rồi nói: "Loại này khá hơn, nhiều người lấy. Tùy theo nguồn của dầu ăn, dầu nào dùng để chiên, xào, nấu quá nhiều lần, lọc không hết mùi sẽ đưa vào giá rẻ, rồi từ đó tính lên...".
Anh này cũng khẳng định, loại dầu ăn của cơ sở được tiêu thụ chính ở những quán nhậu bình dân, vỉa hè. "Yên tâm đi, chúng tôi tạo màu sắc như mới, khử mùi rất tinh tế, muốn đóng nhãn mác nữa thì cũng có…".
Tóp mỡ đen tựa như than
Tiếp tục vào vai chủ quán nhậu đi mua tóp mỡ, bì heo, chúng tôi thâm nhập vào các con hẻm thuộc đường Hậu Giang, phường 11, quận 6, nơi vốn tập trung hàng chục lò chế biến sản phẩm tóp mỡ kinh dị. Tại đây, các công đoạn chế biến món nhậu siêu bẩn của các nhà hàng lộ nguyên hình.
Theo người dẫn đường tên T, chúng tôi bám theo một chiếc xe máy cà tàng chở hai giỏ da, mỡ heo bốc mùi, nhểu nước khắp đường, rẽ nhánh vào các con hẻm 385, 453 đường Hậu Giang để đưa hàng. T thì thầm nói: "Cứ vào khoảng sáng sớm hay chập tối thì các xe này bắt đầu chuyển hàng, ở đây có vài chục xe chở chuyên nghiệp".
Ngay từ đầu hẻm, mùi hôi của mỡ heo bốc lên nồng nặc, nước thải chảy lênh láng khắp đường khiến chúng tôi phải lấy tay bịt mũi. T dẫn chúng tôi vào một căn nhà nhỏ của chủ lò tên Ch., đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng hãi hùng: cả đống tóp mỡ và da heo đang được một người đàn ông mình trần nhễ nhại mồ hôi, dùng tay bốc và đổ toạch ra nền đất bẩn thỉu.
Nước bẩn chảy ra từ đống mỡ và da heo lênh láng khắp nhà, ruồi nhặng nhanh chóng bám đen đặc.
Thấy chúng tôi, người đàn ông liền nói: "Yên tâm đi, loại mỡ cũ hơn được lựa riêng để làm trước, cho khách lấy sớm, loại mới hơn sẽ cho vào chảo sau, có lấy thì tôi làm cho". Nói rồi, ông ta vục tay bốc từng nắm mỡ, cho hết vào một cái chậu nhôm, rồi đổ ập vào một cái chảo lớn đen sì, nước mỡ đục ngầu đang sôi sùng sục.
Quy trình chế biến tóp mỡ kinh dị
Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UNBD phường 11, quận 6 cho hay: "Hiện tại, toàn phường có 31 cơ sở chế biến mỡ heo, bì, nhưng chỉ 3 cơ sở lớn có phép. Những hộ gia đình làm nhỏ lẻ sẽ không được cấp phép cho tới khi di dời ra ngoại thành theo quy định. Để tạo mọi điều kiện cho người dân, UBND phường 11 cũng đã kiến nghị hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho những hộ gia đình có ý định tái sản xuất ở ngoại thành hoặc đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, đảm bảo VSATTP". |
Cứ như thế, người đàn ông lấy một cây gỗ cắm sẵn dưới đất, vục thẳng vào chảo đang nhung nhúc tóp mỡ, đảo qua, đảo lại, khuấy lên xuống như đang trộn cám. Mùi hôi đáng sợ của chảo dầu chiên đi chiên lại hàng chục lần mỗi ngày bốc lên, tỏa ra khắp bếp khiến chúng tôi cảm thấy khó thở.
Quan sát xung quanh, thấy từng bánh mỡ đen sì được đúc thành một khối cỡ 1 kg, xếp ngay ngắn ngay dưới thành bếp đen ngòm, mặc cho ruồi nhặng, bụi bẩn.
Thấy khách có vẻ săm soi, bà chủ lò tên Ch giải thích: "Nhìn vậy thôi, chú cứ đem về quán nhậu, chế biến thêm chút gia vị vào là ông nào cũng thích ăn cả! Mùa này có World Cup, nếu các chú không đến sớm thì họ lấy hết à".
Rời khỏi lò bà Ch, chúng tôi được người dẫn đường đưa vào lò của chủ tên Th gần đó, cảnh tượng cũng diễn ra tương tự. Mọi việc từ lọc thịt heo, da, mỡ đều được thực hiện một cách thủ công bằng tay trần, dưới nền đất nhớp nhúa, ruồi nhặng bâu đen kịt, nước thải chảy khắp nơi.
Các dụng cụ như chậu, thau, khay nhựa đựng sản phẩm đều đen, cũ kỹ, dơ bẩn. Bà này cũng cho biết, hiện có đủ loại giá để khách hàng lựa chọn, thấp nhất là 40.000 đồng/bánh và cao nhất là 220.000 đồng/bánh. Người dẫn đường nói nhỏ: "Loại rẻ tiền chủ yếu là mỡ thừa, với ít hột mít và một số phụ gia thực phẩm không kiểm chứng được nguồn gốc đâu".
Từng bánh mỡ đen sì được đúc thành một khối cỡ 1 kg |
Trước tình hình vi phạm VSATTP nghiêm trọng tại khu vực này, chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UNBD phường 11, quận 6. Ông Sơn nói: "Chúng tôi cũng biết các lò làm mỡ heo, bì gây mất VSATTP. Cách đây vài năm, các cán bộ phường, quận đã điều tra, xử phạt những hộ vi phạm với số tiền hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đâu lại vào đó".
Nguyên nhân khó xử lý dứt điểm, ông Sơn cho rằng, do đa số các hộ làm bì heo, tóp mỡ đều làm cá nhân, nhỏ lẻ, theo truyền thống gia đình từ xa xưa. Mặt khác, họ đa phần là các hộ nghèo, đời sống khó khăn nên nếu phạt buộc ngừng hoạt động thì họ không biết làm gì (?).
Chính vì thế, các cơ quan ban ngành liên tục tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho người dân kinh doanh ngành nghề này ý thức được việc mình đang làm là vi phạm quy định về VSATTP. "Vào sáng ngày 13/6, cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về VSATTP cho những gia đình này và sẽ kiểm tra trở lại trong 1 tháng để xem mức độ tiến triển ra sao", ông Sơn nói.