(ĐSPL) - Một ngày giữa tháng 10/2014, lướt qua group Học hộ - Thi thuê, bất ngờ, L. thấy facebook: Thuonguyen… đăng dòng tin: Cần tìm người kiểm tra hộ tiếng Anh chuyên ngành Tài chính ngân hàng. Nhận ra đây là "khách hàng" quen, từng qua "cò mồi" nhờ mình thi hộ nhiều lần trong Học viện Ngân hàng, L. liền "nhảy" vào trao đổi riêng.
Học viện Ngân hàng cũng là "miếng mồi béo bở" cho dân thi thuê - học hộ. |
“Cố nhân” gặp mặt
Qua trao đổi, L. biết "khách hàng" này nên hai bên nhanh chóng nhận ra nhau, L. chính là người từng được giới thiệu thi thuê 2 bài kiểm tra trước đó và đạt điểm khá cao (môn tiếng Anh 3 vào tháng 5/2014). Bỏ qua những thủ tục rườm rà kiểu như: Kiểm tra thông tin, gặp mặt trao đổi, đặt tiền... "khách hàng" này đặt thẳng vấn đề nhờ L. kiểm tra và thi hết kỳ môn tiếng Anh chuyên ngành Tài chính Ngân hàng. N. đưa ra mức giá cho L. là 100 nghìn đồng/ca kiểm tra và 300 nghìn đồng/ca cho bài thi cuối kỳ.
Nhận được sự đồng ý từ L., "khách hàng" N. này lập tức báo lịch thi và hẹn ngày gặp mặt. Những buổi kiểm tra sau đó diễn ra rất suôn sẻ. Trong lớp tín chỉ, thầy giáo không thể nhớ mặt từng người và cũng không bao giờ kiểm tra thẻ sinh viên nên L. dễ dàng trà trộn vào kiểm tra được. Còn buổi thi cuối kỳ, vị "khách hàng" này đã tận tay giao cho L. chiếc thẻ sinh viên thật và đưa vào phòng thi. Do khuôn mặt L. khá giống ảnh trên thẻ của "khách", nên khi cầm kiểm tra nhanh, giám thị cũng không phát hiện ra điều gì bất thường. L. nghiễm nhiên ngồi chễm chệ trong phòng thi, nhanh chóng hoàn thành bài và chờ ở cổng trường để nhận tiền.
Tiếp đó vào ngày 31/8/2014, L. tiếp tục được "khách hàng" đặc biệt này "đặt lịch" đi kiểm tra hộ và thi thuê cho môn tiếng Anh 4 vào 13h, thứ Ba ngày 7/10/2014. Do là chỗ khách quen, nên L. đồng ý với các điều khoản trong "hợp đồng" như đã thực hiện trước đây. Tuy nhiên, đợt thi này có đôi chút khó khăn. Giáo viên coi thi lần này khá khó tính, yêu cầu mang giấy tờ tùy thân để kiểm tra, nên "khách hàng" này có hỏi L. về các địa điểm làm thẻ sinh viên giả. L. đưa cho địa chỉ của một vài người chuyên làm thể cùng địa chỉ và gửi kèm theo file ảnh của mình.
Đúng 13h ngày 7/10, tôi có mặt tại chân khu nhà H., Học viện Ngân hàng. Do "khách hàng" thuê chưa kịp làm thẻ sinh viên giả, nên đưa cho L. chứng minh nhân dân và vé tháng xe bus cũng đã được thay ảnh tôi vào. Nhưng do chiếc chứng minh nhân dân làm giả không được chuẩn, vì ảnh mất hết giáp lai, nên tôi vội vàng cất đi, chỉ dùng vé xe bus tháng để mang vào phòng thi.
Phòng thi L. tham dự là H202. Khi phát đề xong, giáo viên đi đến chỗ từng người, kiểm tra giấy tờ tùy thân. Giáo viên này kiểm tra khá kỹ từng trường hợp. Khi đến chỗ L., cô cầm chiếc vé xe bus, cô xem kỹ và sau đó yêu cầu L. dừng làm bài. Cô giáo nói: "Buổi sau, em mang chứng minh hoặc thẻ sinh viên đi, cô sẽ cho em làm bài kiểm tra". Vậy là L. phải đưa bài đang làm dở cho cô và ra về trong tiếc nuối.
L. rời phòng trong tâm lý chán nản, bởi biết chắc, "khách hàng" nhờ mình sẽ không trả tiền và càng lo hơn là sẽ không được người này thuê tiếp. Nhưng không, ngay khi nhận được thông báo của L. về tình hình buổi thi thất bại, "khách hàng" này liền gấp rút đi làm thẻ sinh viên giả. Nếu buổi thi diễn ra theo đúng lịch, L. sẽ có mặt vào ngày tiếp theo nhưng do lớp nghỉ, buổi thi bị đẩy lùi sang ngày 22/10.
Trước ngày thi, vị "khách hàng" này đưa cho L. một bộ đồng phục thể dục và một thẻ sinh viên giả với lý do: "Mặc đồng phục thể dục vào để cô giáo đỡ nghi". Lúc đó, L. khá yên tâm, nhưng cầm chiếc thẻ sinh viên giả, nhạt nhòa của "khách" khiến L. khá lo lắng. Càng lo lắng hơn vì kiểm tra lần này chỉ có một mình L., nếu bị lộ không biết sẽ xoay xở như thế nào.
Để "bịt mắt" giám thị, sinh viên trong Học viện Ngân hàng trao cả áo, thẻ, chứng minh nhân dân cho người được thuê. |
Thấy ảnh trên thẻ sinh viên thật của "khách" này rất mờ, trông khá giống bản thân, nên L. liều lĩnh đề nghị được mang thẻ sinh viên thật của “khách hàng” vào kiểm tra. Chị "khách hàng" chấp nhận và yêu cầu L. học thuộc lòng tất cả thông tin: Họ và tên, quê quán, tên bố mẹ đẻ... để phòng khi giáo viên có hỏi thì trả lời. Nhưng, mọi dự định, chiêu trò của L. hóa ra thừa. Hôm đó, cô giáo vẫn dạy như bình thường và không đả động gì đến bài kiểm tra. Nhưng trong giờ giải lao, cô gọi L. lên bục giảng cho biết, hôm nay cô không chuẩn bị đề, sáng thứ Năm, ngày 24/10, L. lên văn phòng khoa để làm bài kiểm tra.
Sáng thứ Năm tuần đó, do có việc bận, L. không thể có mặt để dự thi. Và sau đó, L. nhận được thông báo, sẽ không cho kiểm tra nữa vì không tôn trọng giáo viên. Rất may, chị "khách" thuê, trả 150 nghìn đồng cho L. với lời "tuyên chiến", gọi là chi phí lấy chỗ đi lại cho những lần thi tiếp theo.
3 ngày "ăn" trọn 3 ca
Nỗi buồn thất bại chẳng tồn tại được bao lâu, đến ngày 23/11, L. một lần nữa được vị khách này liên lạc lại thuê đi kiểm tra. Ca thi diễn ra từ 13h đến 15h ngày 25/11. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, L. mang đầy đủ những "phương tiện" cần thiết để vượt qua sự nghiêm ngặt của vị giáo viên từng cấm L. thi thuê trong Học viện Ngân hàng. Vị "khách" L. thường gọi là "cố nhân" này tên Nguyễn T.T.U. (SN 07/11/1994, HKTT: Thanh Hóa, sinh viên lớp... TCI, khóa 2012 - 2016). Đúng hẹn, L. có mặt trong phòng thi H202 và nhanh chóng vượt qua mọi rào cản để hoàn thiện bài thi. Ngay khi ra cổng trường, L. được U. thanh toán 100 nghìn đồng như thỏa thuận.
Ngay khi rời phòng thi thuê cho Nguyễn T.T.U., L. lê la ra uống cốc trà đá cạnh cổng trường Ngân hàng, lướt qua facebook, L. tiếp tục nhận được tin nhắn của một bạn có tên facebook: Lê Na, với nội dung nhờ kiểm tra hộ môn tiếng Anh. Vui như mở cờ trong bụng, L. ngay lập tức đáp lời. Đồng thời liên lạc với "khách hàng" này qua số điện thoại 01647571... Qua trao đổi, L. được biết, tên thật của "khách hàng" này là N.A., môn thi là TA3, ca thi diễn ra vào lúc 15h30, ngày 26/11. Ngay hôm sau, L. có mặt đúng lịch thi tại trường Ngân hàng, vào phòng, hoàn thiện trót lọt bài thi và nhận được100 nghìn đồng như đã thỏa thuận từ tay N.A. tại sân bóng rổ của trường.
Buổi chiều cùng ngày, L. tiếp tục nhận được lời mời thi thuê môn tiếng Anh từ facebook: Th.A.(https://www.facebook.com/thu.anh.902) cũng trong Học viện Ngân hàng. Qua tìm hiểu, L. phát hiện ra tên thật của "khách hàng" này là Bế Thị A.Th., mã sinh viên là 14a4030..., lớp k14qtma. Môn thi L. được thuê là tiếng Anh 4 và ca thi sẽ diễn ra vào khoảng 9h30 ngày 27/11. Đúng hẹn, L. có mặt tại phòng thi của A.Th. trong trường Học viện Ngân hàng. Nhưng do lớp đang học và chưa đến giờ thi, L. phải ngồi ngoài chờ đợi. Khoảng 10h30', giờ thi đến, A.Th. lẻn ra khỏi phòng, lợi dụng sự nhốn nháo, L. trà trộn vào phòng ngồi làm bài. Chừng nửa tiếng, L. hoàn thiện, lặng lẽ nộp bài thi và rời đi. Cũng tại sân bóng rổ của trường, A.Th. đã đưa cho L. số tiền 100 nghìn đồng như đã thoả thuận trước đó.
Người sử dụng chứng minh nhân dân giả thi hộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Theo Ths. Luật sư Hồ Ngọc Hải, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Công Phúc (Hà Nội), đối với trường hợp có dấu hiệu tội phạm (Làm giả chứng minh nhân dân (CMND) hoặc sử dụng CMND giả để thi hộ) thì người có hành vi làm giả CMND, sử dụng CMND giả để thi hộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Việc một số sinh viên đã làm CMND giả hoặc nhận CMND giả từ người khác để thi hộ đều có đầy đủ dấu hiệu của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp, người đi thi hộ không phải là người trực tiếp làm giả CMND thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả CMND mà chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi sử dụng CMND giả để thi hộ, theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. |