+Aa-
    Zalo

    Tổ chức học hộ - thi thuê "như mafia" ở hàng loạt trường đại học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau gần 3 năm âm thầm hoạt động trong các nhóm Học hộ - Thi thuê trên mạng xã hội, cuối cùng tôi cũng có "đơn hàng" đầu tiên. Người liên hệ với tôi là một "khách hàng" nữ.

    (ĐSPL) - Trong khi hàng ngàn sinh viên tại các trường đại học ở Hà Nội hì hụi học ngày, "cày đêm" để mong đạt được điểm số cao trong các kỳ thi giữa kỳ, thi hết môn, thì có một bộ phận không nhỏ sinh viên bỏ tiền thuê người ngoài "bịt mắt" giám thị, cán bộ coi thi nhằm "kiếm" điểm số cao.

    Hơn 3 năm âm thầm thâm nhập vào các nhóm thi thuê, học mướn, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có đủ tư liệu để vạch mặt các chiêu thức hết sức tinh vi trong quá trình hoạt động, giao dịch đưa người vào phòng thi của các băng nhóm thi thuê tại hơn 20 trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội. Nguy hiểm hơn, các đối tượng cầm đầu còn móc nối với giáo viên hám tiền, biến chất, để thực hiện trót lọt hàng loạt các lần thi trong những căn phòng được kiểm soát nghiêm ngặt, bằng thẻ từ, dấu vân tay.

    Trong vai một sinh viên vừa ra trường thất nghiệp, nhưng có kỹ năng tốt về ngoại ngữ, chúng tôi lập 2 tài khoản facebook lấy tên khá trẻ trung: Tomy Đoàn và CCVDC. Kiên trì hàng năm trời, cuối cùng chúng tôi cũng được một vài nhóm học hộ - thi thuê chấp thuận "hợp tác". Từ đây, chúng tôi lần lượt tiếp cận với các đầu mối sừng sỏ và khách hàng có nhu cầu thi hộ lần lượt tìm đến.

    (bgiay)Khởi đăng loạt bài: Điều tra độc quyền về những đường dây

    Cuộc tiếp xúc trao đổi, ngã giá với sinh viên tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

    Thâm nhập băng nhóm Học hộ - Thi thuê

    Để được tham gia nhóm học hộ - thi thuê, ban đầu chúng tôi ghé trang web lagody.com. Tại đây có mục "Học hộ - Thi hộ". Sau khi xem xét, tìm hiểu, chúng tôi biết được thông tin, số tiền nhận được từ học hộ dao động từ 40 đến 60 nghìn đồng/buổi, còn thi hộ ít nhất cũng được 300 nghìn đồng/lần thi. Hấp dẫn hơn, một lần thi (hay còn gọi là 1 ca thi) thi kéo dài 2 tiếng, "thù lao" theo giờ là 150 nghìn đồng/giờ.

    Tôi lập tức lập một nickname lấy tên là: TĐ và đăng ký thành viên, sau đó post vài dòng giới thiệu về bản thân lên lagody.com, cùng lời chào "hàng": Nhận học và thi hộ tiếng Anh. Bắt chước các bài đăng khác, tôi quảng cáo bản thân rất oách, giới thiệu trường mình đang học, điểm tiếng Anh kèm theo lời hứa danh dự sẽ đạt điểm như người thuê mong muốn. Và dĩ nhiên, tôi để số điện thoại của mình cho tiện giao dịch, liên hệ. Sau đó, tôi chờ đợi "vận may" là các "khách hàng" sẽ nhanh chóng đến với tôi.

    Một tuần trôi qua trong sự háo hức chờ đợi, nhưng không thấy ai liên hệ. Nhiều tháng sau, tôi cũng chẳng thấy ai đoái hoài tới kỹ năng được quảng cáo hào nhoáng của bản thân. Tôi thấy việc làm "các-ca-đơ thi hộ" không đơn giản như đã được nghe, được ai đó giới thiệu. Vì muốn biết tận cùng của "thế giới" này, tôi chấp nhận sự bạc bẽo và lạnh nhạt, kiên trì như một kẻ đi câu đơn độc, cố gắng chờ đợi... gần một năm. Những ngày sau đó, tôi lên facebook tìm kiếm từ khóa "học hộ- thi hộ", lập tức một loạt kết quả hiện ra. Tôi thấy lạ, sao họ nhiều "khách hàng" thế mà mình lại "ế"? Để giải quyết vấn đề này tôi thay đổi chiến thuật, cứ trang nào hiện ra, tôi bấm like tất cả, đồng thời gửi lời kết bạn và gia nhập hàng loạt các hội nhóm Học hộ - Thi thuê.

    Bỏ ra gần nửa tháng trời mày mò, nghiên cứu chi tiết từng lời bình luận, từng đoạn văn câu khách đăng trên các nhóm này, một điều tôi nhận thấy, các hội nhóm này là nơi hoạt động hiệu quả nhất của hoạt động học hộ, thi thuê đang diễn ra. Với số lượng thành viên khổng lồ, cùng lượng bài post giới thiệu về các nhóm, các đầu mối môi giới, "các tay" thi thuê lão luyện đa dạng tại các trường, các môn học, nên các nhóm này hoạt động rất hiệu quả. "Khách hàng" là các sinh viên có nhu cầu, dễ dàng tìm cho mình một người thi hộ đúng nhu cầu.

    Âm thầm theo dõi các hoạt động này, đồng thời chăm chỉ nhấn like các bình luận và bài viết trên trang, gần 5 tháng sau, cuối cùng tôi cũng được các nhóm: Học hộ & Thi hộ - hơn 12.000 thành viên; Học thuê - 5.500 thành viên; Học hộ - Học thuê khắp Hà Nội -11.000 thành viên chấp nhận.

    Bắt đầu từ đây, chúng tôi âm thầm đột nhập và ghi nhận toàn bộ hoạt động nhộn nhịp của loại dịch vụ hủy diệt nền giáo dục này. Thực tế thâm nhập, chúng tôi thấy đây là một "thị trường tự do", có tính cạnh tranh rất khốc liệt. "Nhanh chân" thì được "khách hàng", "chậm chân" thì mất. Mỗi khi có một người đăng tin cần người học hộ, chỉ vài phút sau đã có đến hàng chục bình luận. Qua tìm hiểu, tôi được biết, để thuê người học hộ, chỉ cần ghi rõ trường, ngày giờ, tiền thù lao là "khách hàng" thoải mái chọn.

    Học hộ cũng rất đơn giản, chỉ cần đến điểm danh, nên "khách hàng" và người thuê thỏa thuận rất nhanh chóng. Có vốn tiếng Anh kha khá, tôi chọn riêng cho mình một lĩnh vực chuyên học hộ, thi hộ môn này để quảng cáo về bản thân. Vì quá sốt ruột, đăng quá nhiều lời quảng cáo về bản thân, nên tôi thường xuyên bị admin của các hội nhắc nhở.

    Vị khách bí mật và đơn hàng đầu tiên

    Sau gần 3 năm âm thầm hoạt động trong các nhóm Học hộ - Thi thuê trên mạng xã hội, cuối cùng tôi cũng có "đơn hàng" đầu tiên. Người liên hệ với tôi là một "khách hàng" nữ. Người này có nhu cầu thuê tôi thi môn tiếng Anh trong đợt thi đầu vào hệ tại chức tại trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Yêu cầu của "khách hàng" này là tôi thi phải trên 8 điểm, vì môn Toán chị làm bài không tốt. Tôi và chị hẹn nhau tại một quán cafe gần trường đại học Kinh tế Quốc dân để trao đổi về "công việc". Thực chất, tôi cũng không muốn "lộ" mặt nhưng bắt buộc phải gặp mặt nhau thì mới tạo được lòng tin để triển khai "công việc" tiếp theo.

    Tại đây, chị đưa cho tôi một cuốn đề cương ôn tập, chứng minh thư nhân dân và 150 nghìn đồng đặt cọc. Chị nói: "Số tiền còn lại sẽ được thanh toán sòng phẳng khi có điểm". Vì là lần đầu tiên "nhập vai" nên tôi khá hoang mang khi nhận chứng minh thư nhân dân của chị, tôi ngập ngừng hỏi: "Chị ơi, mặt của chị trên chứng minh thư nhân dân trông không giống em, liệu có sao không ạ?". Không để tôi lo lắng, vị "khách hàng" mỉm cười nói: "Em chưa từng đi thi thuê lần nào phải không?".

    Lúc đó tôi chỉ biết cúi gằm mặt, trong lòng chỉ lo chị "khách hàng" chê tôi không có kinh nghiệm, không thuê nữa. Nhưng chị chỉ nói: "Không sao, thi đầu vào tại chức, giám thị rất dễ dãi, tạo điều kiện cho mình cả thôi. Nếu em lo lắng, hôm đó để xõa tóc và trang điểm đậm vào, không ai nhận ra đâu. Chứng minh thư nhân dân chị làm cách đây sáu năm rồi, chị còn chả giống chị nữa là em. Em cứ tự tin vào, đừng có lấm la lấm lét, thì chẳng ai để ý đâu". Nhận được lời động viên của "khách hàng" đầu tiên, tôi thấy lo nhiều hơn là may mắn của nghề nghiệp, của sự trải nghiệm và thâm nhập thực tế.

    Ngày thi, tôi đến trước cửa phòng thi chờ giám thị gọi tên, ngoài mặt cố tỏ ra bình thản mà trống ngực đập liên hồi, mồ hôi trán lấm tấm. Lúc đó, tôi tự nhủ, không biết nếu bị bắt sẽ bị xử lý ra sao, chỉ riêng việc bị phát hiện gian lận cũng rất đáng xấu hổ rồi. Tuy nhiên, điều tôi lo sợ đã không xảy ra, mặc dù trước khi gọi tên thí sinh vào phòng, giám thị yêu cầu mang theo thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân hoặc giấy phép lái xe, nhưng khi thí sinh vào phòng, đúng là giám thị chỉ liếc qua rất nhanh, có người còn không kịp nhìn đã cho sinh viên qua cửa.

    Lần đầu thi hộ của tôi đã diễn ra suôn sẻ như vậy. Hai tuần sau, tôi nhận được tin báo, điểm môn thi hộ đạt 9. Do chị đi lại khó, nên tôi không nhận tiền trực tiếp mà nhờ chị gửi vào tài khoản ngân hàng. Cũng bắt đầu từ đây, tôi chính thức bước vào "nghề" học hộ - thi thuê và nhanh chóng thu hút được rất nhiều sự chú ý. Và cũng từ đó, nhiều chuyện thâm cung bí sử dần hé lộ...

    Siêu lợi nhuận!?

    Vào những tháng cao điểm của mùa thi (thi kết thúc các môn học tại các trường đại học) một đầu mối thi thuê chuyên nghiệp có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền thực mà các chủ "cò mồi", "cắt phế" trước khi trả cho người đi thi có thể cao hơn gấp hai, thậm chí ba lần. Vào những ngày cao điểm, một người thi thuê phải chạy đến 5 trường đại học, làm bài cho 5 người khác nhau, tại nhiều khoa khác nhau. Những ngày này, một đầu mối đi thi thuê kiếm ít nhất là 1 triệu đồng. Còn những ngày bình thường, trong năm, trung bình một tuần, một đầu mối đi thi chỉ nhận 3-5 ca thi giữa kỳ, mỗi ca giá chỉ dao động từ 100 - 200 nghìn đồng. Đến lớp điểm danh, ngồi cho có mặt, gọi là học hộ, mỗi buổi được trả 50.000 đồng. Vì siêu lợi nhuận từ dịch vụ này, nhiều sinh viên ra trường, lập gia đình và cả hai vợ chồng lao vào "nghề" này và kiếm bộn tiền.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/to-chuc-hoc-ho---thi-thue-nhu-mafia-o-hang-loat-truong-dai-hoc-a72258.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan