+Aa-
    Zalo

    Học hộ - thi thuê: “Bản án chờ tuyên” cho những kẻ tội đồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - SV đi thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ, đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

    (ĐSPL) - Sau khi báo Đời sống và Pháp luật đăng tải loạt bài Điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi thuê ở hàng loạt trường đại học, PV trao đổi với thạc sỹ, luật sư Hồ Ngọc Hải, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Công Phúc, đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

    Luật sư Hải hết sức bức xúc trước việc các trường đại học còn quá thờ ơ với thực trạng mà báo đã phản ánh và càng bức xúc hơn khi một trường đại học danh tiếng như Ngoại thương có tên trong danh sách cùng với cách hành xử không ổn của cán bộ trường này khi PV đến làm việc.

    Trong buổi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Ths. LS. Hồ Ngọc Hải khá bức xúc trước thực trạng học hộ - thi thuê đang nở rộ.

    Có thể xử lý hình sự, buộc thôi học vĩnh viễn

    Liên quan đến vấn đề này luật sư Hải cho biết: “Tôi đã theo dõi tuyến bài này đăng trên báo Đời sống và Pháp luật. Ban đầu, tôi nghĩ tình trạng học hộ, thi thuê chỉ xảy ra nhỏ lẻ với một vài trường hợp cá biệt, hay trường đại học dân lập. Theo dõi các bài viết về sau, tôi bàng hoàng về loại dịch vụ này đang ngày càng nở rộ. Chúng thâm nhập vào cả những trường đại học được coi là biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam. Trước khi trả lời những câu hỏi của PV, luật sư Hải còn “rất lấy làm buồn” trước tình trạng, các cơ quan có chức năng thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, triệt phá các cơ sở làm giả giấy tờ, mà cụ thể ở đây là làm giả chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên cùng nhiều loại giấy tờ khác.

    Người làm giả thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân (CMND), cùng nhiều giấy tờ khác, người sử dụng những giấy tờ giả đó tức là tiếp tay cho hành vi gian lận trong thi cử mà xã hội lên án thì đã vi phạm pháp luật như thế nào thưa ông?

    Đầu tiên, chúng ta phải phân biệt được các khái niệm làm giả và sửa chữa để xác định đúng hành vi vi phạm pháp luật. Làm giả là hành vi của người không có chức năng, quyền hạn đã sử dụng các thủ đoạn, phương pháp để tạo ra các giấy tờ, tài liệu giống như thật. Các giấy tờ, tài liệu có thể bị giả một phần hoặc toàn bộ. Sửa chữa là hành vi tẩy xóa các nội dung của giấy tờ, tài liệu thật và thay thế các nội dung khác vào đó. Thứ hai, chúng ta phải xác định hành vi học hộ, thi thuê là hành vi trái pháp luật giáo dục, mà cụ thể là các hành vi học sinh, sinh viên (HSSV) không được làm theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Quy chế học sinh, sinh viên được ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13/08/2007 của Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo: Điều 6: Các hành vi HSSV không được làm. 2. Gian lận trong thi cử: ...học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, trực hộ;...; Tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác”.

    Sau đó, khi đã xác định được giấy tờ, tài liệu là giả mạo thì chúng ta sẽ xử lý theo các cách thức dưới đây: 1. Đối với hành vi làm giả CMND, sử dụng CMND giả để thi thuê, thi hộ người khác có thể bị xử lý:

    Tại điểm b, khoản 3, Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình đã xác định: Điều 9: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng CMND. 3. Phạt tiền từ hai triệu đồng đến bốn triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: b) Làm giả CMND; c) Sử dụng CMND giả.

    Đối với trường hợp có dấu hiệu tội phạm (làm giả CMND hoặc sử dụng CMND giả để thi hộ) thì người có hành vi làm giả CMND, sử dụng CMND giả để thi hộ đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 tại Điều 267, tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm.

    Như vậy, việc một số SV đã làm CMND giả hoặc nhận CMND giả từ người khác để thi hộ đều có đầy đủ dấu hiệu của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự năm 1999.

    Trong trường hợp, người đi thi hộ không phải là người trực tiếp làm giả CMND thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả mà chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi sử dụng CMND giả để thi hộ.

    Đối với hành vi làm thẻ SV giả hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung thẻ SV thì theo điểm a, khoản 2, Điều 7 Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được ban hành kèm theo Quyết định số 17/VBHN-BGDĐT, ngày 15/05/2014 của bộ Giáo dục & Đào tạo thì thẻ SV được cấp cho những người đã có quyết định công nhận là SV.

    Theo quy định, thẻ SV chưa được xác định là giấy chứng nhận hoặc tài liệu do tổ chức giáo dục phát hành mà chỉ được xem như là loại giấy tờ quản lý nội bộ do mỗi tổ chức giáo dục sử dụng để quản lý sinh viên theo học. Vì vậy, nếu chỉ giả mạo giấy tờ này để nhờ người thi hộ, học thuê thì bị xử lý theo quy định tại khoản 2, Điều 29 của Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Điều này quy định: SV đi thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ, đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

    Hệ quả khôn lường

    Luật sư đã dẫn ra những quy định cụ thể, những hình phạt rõ ràng theo quy định đối với hành vi học hộ, thi thuê, làm các loại giấy tờ giả. Vậy, ý kiến cá nhân của luật sư trước thực trạng trên?

    Trong thực tế, tôi thấy rằng, việc xác định ranh giới giữa xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi: Làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu là chưa được xác định rõ ràng. Đến hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về việc xác định rõ tính chất và mức độ nào thì xử lý hành chính và đạt mức nào sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự không rõ ràng như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xác minh, điều tra và xử lý tội phạm, có thể dẫn đến gây oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tôi thiết nghĩ rằng: Cơ quan lập pháp và các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn, phân định cụ thể về vấn đề trên để thực tiễn giải quyết các vụ việc được chính xác, đúng người, đúng tội.

    Và tôi cũng cho rằng: Hành vi làm giả thẻ SV, CMND để thi hộ, tổ chức thi hộ của các đối tượng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn xã hội và sự trong sạch của ngành giáo dục. Tính nghiêm trọng của vấn đề này là ở hậu quả khi mà hành vi làm giả để thi hộ trót lọt và đạt được mục đích, chúng ta lại đón nhận thêm một con người không có kiến thức, kỹ năng cho xã hội để rồi trong công tác, họ sẽ có thể gây ra nhiều sai lầm làm thiệt hại đến những người khác và cộng đồng xã hội.

    Trân trọng cảm ơn luật sư!

    Vẫn nhiều ca thi thuê diễn ra ở những trường mà báo chưa nêu

    Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, vào ngày 28/12/2014 (gần một tháng sau bài viết đầu tiên trong loạt phóng sự: “Điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi thuê ở hàng loạt trường đại học” được đăng tải vào ngày 5/12/2014), sinh viên tại một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục thuê các đối tượng ở ngoài đội lốt mình, trà trộn vào phòng làm bài thuê.

    PV đang theo dõi hoạt động thi thuê của các đối tượng trong một trường đại học.

    Chiều ngày 28/12, tại phòng thi B8.101, sinh viên Ng.Ng.A. (SN 1993, mã SV: 3318...), lớp P.T K33, học viện Báo chí và Tuyên truyền thuê N.P.A., một đối tượng thi thuê chuyên nghiệp – mà chúng tôi đã đề cập ở trong loạt phóng sự điều tra độc quyền trên - đội lốt mình vào phòng làm bài thi thuê môn tiếng Anh 3 (thi nói và viết).

    Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại đây, công tác kiểm tra sinh viên trước khi vào phòng thi hết sức lỏng lẻo, không cần trình thẻ, cán bộ coi thi không gọi tên, đối tượng thi thuê cứ đến là thản nhiên vào bàn ngồi làm bài.

    Trước đó, vào khoảng 5h cùng ngày, các “mũi điều tra viên” của báo Đời sống và Pháp luật theo dõi một đối tượng chuyên thi thuê đi xe bus từ khu vực cửa sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) sang trường đại học Nông nghiệp I (ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) thi thuê. Khoảng 6h30, đối tượng thi thuê có mặt tại cổng trường Nông nghiệp. 6h45, tại đây, đối tượng này gặp sinh viên Đ.Th.L.Ch. (mã SV 570...; lớp C.N 1, SN 1994) để nhận thẻ sinh viên. Rồi sau đó, đối tượng thi thuê “đột nhập” phòng thi ngay tức khắc. Khi đối tượng này đến cửa phòng, ca thi đã diễn ra được 5 phút, nhưng đối tượng vẫn vào phòng trót lọt để hoàn thiện bài thi môn tiếng Anh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-ho---thi-thue-ban-an-cho-tuyen-cho-nhung-ke-toi-do-a78767.html
    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.