Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, dự kiến hết quý III, cả nước giải ngân được 320.566,5 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 42,96% kế hoạch, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giải ngân 15.054,1 tỷ đồng, đạt 55,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (KTXH) giải ngân 4.983,3 tỷ đồng, đạt 80,16% kế hoạch.
Bộ Tài chính nhìn nhận, trong 9 tháng qua, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt vẫn là những đơn vị đã xuất hiện thường xuyên tại các báo cáo hàng tháng của Bộ Tài chính như: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Ngân hàng Nhà nước (75,23%), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (70,46%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (63,12%), Long An (71,5%), Hòa Bình (68,4%), Tiền Giang (67,9%), Thanh Hóa (66,64%).
Đặc biệt, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH có tỷ lệ giải ngân đạt cao với 80,16% so với kế hoạch; trong đó, vốn Chương trình phục hồi của bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 8 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Công an và Bộ GTVT đạt tỷ lệ giải ngân 100%).
Tuy nhiên, vẫn còn 29 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đáng chú ý, hiện có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ vốn); giải ngân rất thấp như: Ủy ban dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (6,76%) ….
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: TP.HCM (21,29%), Phú Yên (22,38%), Bắc Ninh (24,48%), Kon Tum (25,62%), Kiên Giang (26,93%).
Theo Bộ Tài chính, việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (TP.HCM được giao kế hoạch vốn 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng hiện chỉ mới giải ngân 21,29%; TP.Hà Nội được giao kế hoạch vốn 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng cũng chỉ mới giải ngân 38,88%).
Bộ Tài chính cho biết, mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc quý III, nhưng đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: Vướng mắc về cơ chế chính sách; vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA.
Đặc biệt hơn là cho đến giữa tháng 5/2024, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết vốn cho các nhiệm vụ, dự án, do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 tương ứng với số vốn chưa phân bổ, điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu vốn, dẫn đến một lượng vốn tương đối lớn chưa thể giải ngân...
Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiếp tục kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại đơn vị và địa phương mình quản lý.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Theo đó, đối với các dự án này, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.
Việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sớm trình cấp thẩm quyền về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024. Trong đó bao gồm phương án tiếp tục phân bổ kế hoạch năm 2024 cho các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án đã được cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn.
9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước
Theo đó, 9 dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; dự án Vành đai 4 TP.Hà Nội; dự án Vành đai 3 TP.HCM; dự án đường Hồ Chí Minh; dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành) được giao vốn đầu tư công là 101.340,21 tỷ đồng.
Đến hết tháng 8/2024, tổng số vốn giải ngân cho 9 dự án này là 42.198,74 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,6% kế hoạch. So với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước trong 8 tháng là 36,7%, thì tỷ lệ giải ngân của 9 dự án này trong 8 tháng qua đang cao hơn 4,9%.
Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Bộ GTVT, trong quá trình thực hiện, các dự án này cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật tại một số địa phương Bình Định, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang, Bình Dương, Lạng Sơn vẫn còn khối lượng lớn chưa hoàn thành theo tiến độ yêu cầu; các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long triển khai thủ tục cấp mỏ cho các nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trước ngày 30/8/2024), ảnh hướng đến tiến độ thi công các dự án; việc triển khai các thủ tục đầu tư tại một số dự án còn chậm (Vành đanh 4, Tuyên Quang – Hà Giang, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Bến Lức – Long Thành).