+Aa-
    Zalo

    Giá trị lụa Việt: văn hóa hay kinh tế?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lao động già hóa, người trẻ không ham học nghề, sự cạnh tranh của các mặt hàng giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc đang khiến các làng lụa Việt đứng trước bài toán: làm thế nào

    Lao động già hóa, người trẻ không ham học nghề, sự cạnh tranh của các mặt hàng giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc đang khiến các làng lụa Việt đứng trước bài toán: làm thế nào vừa giữ gìn giá trị văn hóa, vừa đảm bảo nguồn kinh tế?

    Làng nghề lụa cần bản sắc nhưng cũng cần kinh tế.

    Tại làng lụa Vạn Phúc có thể dễ dàng bắt gặp dãy hàng trăm ki ốt, gian hàng lớn nhỏ bán lụa và các mẫu quần áo đại trà, một số trong đó được sản xuất từ lụa.

    Tuy nhiên, khi đi một vòng quanh làng, tiếng khung cửi, con thoi quen thuộc của một làng nghề rất thưa thớt, những hộ gia đình sản xuất lụa tại làng Vạn Phúc có lẽ cũng không còn nhiều.

    Thực tế ấy đặt ra câu hỏi: Liệu rằng hoạt động sản xuất nhỏ lẻ như vậy có đủ để cung cấp cho lượng lớn sản phẩm cho các gian hàng đang bày bán và những gian hàng tại chính làng lụa Vạn Phúc có còn bán lụa “chuẩn Hà Đông”?

    Bà Nguyễn Thị Kim Chi (61 tuổi), chủ một xưởng dệt lụa truyền thống cho biết, sản xuất theo kiểu cũ rất tốn thời gian và công sức. Sợi tơ phải nhập từ trong Bảo Lộc (Lâm Đồng), quá trình se, guồng tơ ngốn nhiều thời gian và yêu cầu sự tỉ mỉ.

    “Sản xuất lụa 100% tơ tằm rất tốn thời gian, giá thành lại đắt, khó bán nên hiện nay chúng tôi chủ yếu sản xuất loại 70%. Cùng với đó là làm thêm nhiều loại sản phẩm với mẫu mã đa dạng hơn để phục vụ khách hàng” – bà Chi chia sẻ.

    Nghề làm lụa là công việc yêu cầu sự tỉ mỉ đến từng chi tiết.

    Bà Chi cũng cho biết thêm, công việc vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công nghệ lạc hậu, thu nhập thấp khiến những người trẻ ở làng Vạn Phúc không còn muốn nối nghiệp. Một ngày làm tại xưởng dệt có chỉ có công khoảng 100 đến 150 nghìn đồng, chủ yếu là những người lớn tuổi làm cho đỡ nhớ nghề.

    Nghề làm lụa đem lại lợi ích kinh tế quá thấp khiến nhiều người phải bỏ nghề ra làm buôn bán kiếm thêm thu nhập.

    Bà Lê Thị Hiên (50 tuổi), một tiểu thương có ki ốt ở khu “hàng chợ” tại làng Vạn Phúc cho biết, gia đình bà có nghề làm lụa truyền thống. Vài năm trở lại đây, xưởng dệt chỉ hoạt động cầm chừng, bà chủ yếu nhập các mặt hàng quần áo bằng vải lanh hoặc các loại vải giá rẻ về bán hoặc đổ buôn lại.

    Người thợ làm việc trong xưởng dệt luôn phải đối diện với tiếng ồn đinh tai nhức óc

    Cùng chung hoàn cảnh với bà Hiên, là ông Nguyễn Văn Hà (53 tuổi), sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề lụa ở trong làng. Từ ngày biết phụ giúp gia đình cuộc sống của ông đã gắn với nghề lụa, 10 tuổi ông đã biết suốt, guồng tơ, 15 tuổi biết dệt.

    Đến năm 2015, do tuổi cao, mắt kém, sức khoẻ không đảm bảo, con cái ông lại không theo nghề tổ truyền nên ông đành ngậm ngùi đóng cửa xưởng dệt để bán hàng nước, sim, thẻ điện thoại.

    Phải bỏ nghề gia truyền, ông Hà không tránh khỏi những tiếc nuối. “Phải thích nghi thôi. Đám trẻ nó không làm, mình có tuổi rồi leo trèo lên máy ngã thì nguy hiểm", ông Hà ngậm ngùi chia sẻ.

    Cũng theo ông Hà, khó khăn trong việc truyền dạy nghề còn nằm ở chỗ: Hệ thống máy dệt, khung cửi, kéo sợi… ở làng chủ yếu là từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước sau này được tự động hoá, lắp thêm động cơ nhằm giải phóng sức lao động.

    Hệ thống máy móc từ những năm 50, 60 được "cơ giới hóa" nhằm tăng năng suất.

    Dạy nghề cho những người mới thường sẽ gây hỏng máy do chưa quen thao tác sẽ mất thêm chi phí sửa chữa. Điều này gây khó khăn cho cả người dạy lẫn người học khiến người trẻ không hứng thú với nghề. Lao động bị già hóa dẫn đến sự mai một nghề truyền thống là điều không thể tránh khỏi.

    Từ nghệ nhân thành doanh nhân đến “gian thương”

    Trong văn hóa các làng nghề Việt Nam, những nghề tổ truyền có vị trí rất đặc biệt, tổ nghề được coi trọng và là một trong số những nhân vật được thờ làm Thành hoàng.

    Những nghề truyền thống một mặt là công việc đem lại lợi ích kinh tế phục vụ cho cuộc sống thường nhật, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa văn hóa, đặc trưng cho từng làng, từng vùng văn hóa.

    Nhiều làng nghề truyền thống và đặc biệt là làng nghề lụa hiện nay đang dần mai một do không thể kiêm nhiệm cả hai nhiệm vụ là mang lại lợi ích kinh tế và giữ gìn văn hóa.

    Nói về vấn đề này, tiến sĩ văn hóa Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Các làng nghề ngày xưa có mô hình khép kín, sản xuất và buôn bán là hai công việc khác nhau. Sự giao lưu chỉ nằm trong các phường, giáp, hội thuộc làng nghề.

    Hiện nay, nơi sản xuất cũng là nơi tiêu thụ hàng hóa, những nghệ nhân thành doanh nhân, buôn bán chính những sản phẩm do mình làm ra.”

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng.


    Tiến sĩ Hồng cho biết thêm, khi công nghệ sản xuất không phát triển, cung không đủ cầu, những doanh nhân phải nhập thêm lụa Trung Quốc và một số mặt hàng khác. Lụa Trung Quốc cũng không phải không tốt, lụa Tô Châu, Hàng Châu vốn nổi tiếng, “con đường tơ lụa” từng đem lại sự hưng thịnh cho cả một quốc gia rộng lớn.

    Điều đáng nói ở đây là nhiều doanh nhân đã biến mình thành “gian thương”, lấy lụa Trung Quốc gắn mác Made in VietNam để đánh lừa người tiêu dùng, những người muốn sở hữu tấm lụa mang giá trị ý nghĩa tinh thần của đất nước, con người Việt Nam là điều không thể chấp nhận được.

    Thanh Phong

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-tri-lua-viet-van-hoa-hay-kinh-te-a207189.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Phân biệt lụa Vạn Phúc và lụa Trung Quốc

    Phân biệt lụa Vạn Phúc và lụa Trung Quốc

    Để làm ra một sản phẩm lụa Vạn Phúc, người sản xuất phải trải qua rất nhiều công đoạn, với quá trình công phu, tỉ mỉ. Nhưng hiện nay có rất nhiều sản phẩm Trung Quốc trà