+Aa-
    Zalo

    Làng lụa Vạn Phúc tìm lối đi trước "cơn bão" thị trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thị trường lụa Việt ảm đạm, "Khải Silk" khiến dư luận hoang mang, mất niềm tin vào thương hiệu. Người buôn lụa tại làng Vạn Phúc lặng lẽ nhập vải, quần áo giá rẻ về mong

    Thị trường lụa Việt ảm đạm, "Khải Silk" khiến dư luận hoang mang, mất niềm tin vào thương hiệu lụa truyền thống. Người buôn lụa tại làng Vạn Phúc lặng lẽ nhập vải, quần áo giá rẻ về mong có thêm thu nhập.

    Ngay tại khu vực cổng làng Vạn Phúc là dãy vài chục ki ốt với những mặt hàng chủ yếu là vải vóc, quẩn áo với các chất liệu giá rẻ giống các chợ vải đầu mối.

    Mỗi ki ốt đều có vài mẫu lụa bày bán, có những ki ốt không còn bán lụa mà chỉ bán quần áo. Khi pv hỏi mua lụa tại một ki ốt ngay tại khu vực cổng làng, chủ hàng ra chỉ vào khu vực trung tâm, nơi có khoảng hơn mười gian hàng được “tuyển chọn” nói: “Muốn mua lụa phải vào trong đấy, ở đây chỉ có vải lanh thôi”.

    Khu vực cổng làng Vạn Phúc không khác gì chợ vải Ninh Hiệp.


    Mặt hàng chủ yếu trong các cửa hàng khu vực xung quanh làng là những bộ quần áo bằng vải lanh hoặc các chất vải giá rẻ khác có giá dao động từ 70 – 80 nghìn cho đến hơn 100 nghìn/1 bộ. Một số cửa hàng trưng bày vài mẫu lụa với giá từ 130 đến 200 nghìn/m, có hàng chỉ chuyên bán quần áo không bán lụa.

    Các loại quần áo giá rẻ được bày bán chủ yếu.


    Ở khu trung tâm, các gian hàng bày bán các mặt hàng được quảng cáo là có chất lượng cao, “chuẩn lụa Hà Đông”. Giá lụa tại đây giao động từ 180 đến 300 nghìn/m đối với loại 70% sợi tơ tằm, loại 100% sợi tơ có giá trên 400 nghìn/m, có loại lên tới 600 nghìn/m tuỳ vào lụa se hay lụa thường.

    Khu vực trung tâm làng Vạn Phúc, nơi có các gian hàng được tuyển chọn chỉ bán lụa "chuẩn Hà Đông".


    Ngay cả trên “đất lụa” các hộ kinh doanh có xưởng dệt truyền thống cũng không còn “mặn mà” với việc sản xuất. Họ chủ yếu nhập lụa, vải giá rẻ từ nơi khác về làm phong phú mặt hàng, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng và đổ buôn cho các nơi khác.

    Ông chủ Đỗ Quang Nhật, chủ cửa hàng Nhật Dung Silk, chỉ dẫn cho chúng tôi hai loại lụa: lụa làm theo phương pháp truyền thống do chính gia đình ông làm và loại lụa nhập.

    Ông Nhật cho biết, 1 cân sợi tơ cao cấp có giá tới 2 triệu đồng, mà 1 cân sợi nhập chỉ có giá khoảng vài chục nghìn. May một chiếc áo bình thường bằng sợi chuẩn không kể công, riêng tiền vải đã mất tới hàng triệu đồng còn một chiếc áo “chuẩn Tàu” tổng giá thành dao động chỉ khoảng vài trăm nghìn.

    “Bây giờ có rất nhiều dòng sản phẩm, mình phải nhập thêm về để phục vụ khách hàng. Nhiều nơi họ gọi tất cả là lụa, còn ở đây tôi cứ thành thật chủ yếu là để có niềm tin của khách” – ông Nhật chia sẻ

    Sau vụ bê bối "Khải Silk", người tiêu dùng không còn dám khẳng định trong số lụa kia đâu là lụa Việt Nam, đâu là lụa Trung Quốc.


    Bà Lê Thị Hiên (50 tuổi) một tiểu thương có ki ốt nhỏ ở khu hàng “chợ” tại làng Vạn Phúc cho biết, gia đình bà cũng làm nghề lụa từ ngày xưa. Những năm gần đây, bà ra thuê ki ốt bán các mặt hàng giá rẻ phục vụ cho đối tượng thu nhập thấp ở chợ.

    “Làm dệt mình phải cặm cụi miệt mài sớm khuya, lắm khi nhiều hàng còn phải thay nhau dệt suốt đêm. Ra buôn bán không phải chịu tiếng ầm ĩ của máy móc mà có thu nhập hơn, thời gian thoải mái” - Bà Hiên cho biết.

    Thương hiệu lụa Vạn Phúc đang "chật vật" tìm lối thoát, nguyên nhân có thể kể đến: từ việc mẫu mã không phong phú, giá thành không có sự cạnh tranh, sự du nhập các mặt hàng lụa có xuất sứ Trung Quốc giá rẻ và có chất lượng…

    Theo chia sẻ của nhiều nhà buôn lụa tại làng Vạn Phúc, lụa có xuất xứ Trung Quốc cũng khá bền, mẫu mã đẹp, dễ bán nên chính họ nhiều khi cũng không còn muốn kinh doanh lụa do làng sản xuất.

    Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa truyền thống Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Để phân biệt lụa Vạn phúc với các sản phẩm lụa khác người tiêu dùng cần chú ý những đặc điểm sau: Lụa tơ tằm thật rất mịn, cứng, khi chạm vào có cảm giác mát nhưng không lạnh, sợi tơ tằm bóng, bắt sáng rất tốt. Cả tấm hàng không lỗi, sản phẩm đều thẳng tắp”

    Theo ông Hà, do được dệt thủ công theo phương pháp truyền thống nên những tấm luạ Vạn Phúc có những điểm khác biệt. Nét hoa văn trang trí trên những tấm lụa gần gũi với người Việt Nam: hình ảnh trống đồng, hoa mai, hoa ban, cây trúc, đèn lồng, chữ thọ. Tất cả được cách điệu đi để làm vật trang trí. Đây là những thứ rất gần gũi với văn hóa của người Việt Nam. Khách hàng tinh ý có thể nhận biết ra được. Thêm vào đó đặc thù của lụa Vạn Phúc là dệt hoa trên vải, ta có thể sử dụng được tấm lụa ở cả hai mặt. Các sản phẩm lụa thật thường được làm ra từ 100% từ tơ tằm thiên nhiên, không pha nên giá thành của các sản phẩm lụa thật thường có giá khá cao so với các sản phẩm lụa "made in China" trên thị trường.

    Trên các sản phẩm mang thương hiệu Vạn Phúc có tên xuất xứ của làng nghề, có nhãn hiệu riêng mà không thể nhầm lẫn với bất cứ sản phẩm khác nào trên thị trường. Còn lụa Trung Quốc thường trơn, bóng, mịn có nhiều họa tiết , không có độ mịn như tơ tằm thật, lụa Trung Quốc theo lối viển gấm, chỉ dùng được một mặt hoặc in hoa văn.

    Thanh Phong

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-lua-van-phuc-tim-loi-di-truoc-con-bao-thi-truong-a206928.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan