+Aa-
    Zalo

    Chính phủ nhất trí thông qua 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo

    (ĐS&PL) - Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

    Theo báo Công luận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Trong đó, Chính phủ nhất trí thông qua 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

    chinh phu nhat tri thong qua 5 chinh sach trong de nghi xay dung luat nha giao
    Chính phủ nhất trí thông qua 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Ảnh: Thanh niên

    Theo đó, tại Nghị quyết số 95/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực cao nhất, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhất là các dự án luật khó, phức tạp, có tác động lớn.

    Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần quán triệt chủ trương phân cấp, phân quyền đến các cấp chính quyền địa phương để khai thông các nguồn lực từ thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng luật; cần tổng kết toàn diện, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thông thoáng, phù hợp với thực tiễn, có lộ trình phù hợp với điều kiện, văn hóa, truyền thống của Việt Nam.

    Trong quá trình xây dựng luật, Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất về các vấn đề còn ý kiến khác nhau; nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện nội dung các dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao, nâng cao chất lượng dự án Luật trình Quốc hội trong năm 2023.

    Chính phủ đánh giá cao các Bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động triển khai xây dựng và chuẩn bị tốt các nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi); việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.

    Đáng chú ý, về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm:

    - Định danh nhà giáo

    - Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo

    - Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo

    - Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo

    - Quản lý Nhà nước về nhà giáo.

    Chính phủ giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

    Trong quá trình soạn thảo luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.

    Nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

    Chính phủ cung lưu ý Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện. Do thời gian dự kiến để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua không nhiều nên Bộ GD&ĐT chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng của dự án Luật.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-phu-nhat-tri-thong-qua-5-chinh-sach-trong-de-nghi-xay-dung-luat-nha-giao-a582289.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan