Trường THCS San Thàng nằm trên xã San Thàng (Lai Châu), vốn là một xã nghèo nơi có đông đồng bào dân tộc Giáy sinh sống. Những năm trước, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao vì diện tích sản xuất nông nghiệp hạn hẹp do địa hình địa hình đồi núi chia cắt. Đến hiện tại, tuy cuộc sống nơi đây đã khá hơn nhưng những thầy cô nơi đây vẫn vô cùng khó khăn khi đem con chữ đến với bản làng do trình độ đa số bà con nơi đây còn thấp, chưa nhận thức được hết tầm quan trọng giáo dục.
Cô Trần Bích Phương - Hiệu trưởng Trường THCS San Thàng chia sẻ, nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vài năm gần đây cơ sở vật chất của trường đã được cải thiện đã đầy đủ, khang trang. Tuy nhiên, công tác giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cha mẹ chưa quan tâm nhiều việc học của con cái.
“Nhiều khi các thầy uô phải vào tận bản, đến từng nhà để vận động các gia đình cho con em đến trường. Có những ngày mưa, đường đất sình lầy việc đi lại vô cùng khó khăn, các thầy cô phải xắn quần, đi chân đất mới vào được đến bản để vận động”, cô Phương tâm sự.
Nói thêm về những ngày đầu khi trường mới thành lập, cô giáo Vũ Thị Xuân (quê Nam Định) bồi hồi kể lại: “Bản thân tôi gắn bó với trường 20 năm. Những ngày đầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, đời sống bà con nơi đây còn nghèo nên việc cho con em đi học vô cùng khó khăn. Khi ấy, nhiều nhà muốn con nghỉ học ở nhà giúp cha mẹ làm kinh tế, các thầy cô phải thường xuyên vào nhà vận động gia đình cho các em đi học nhưng cũng không kéo dài được lâu. Được một thời gian ngắn, nhiều học sinh lại nghỉ ở nhà giúp bố mẹ. Có những em 15 tuổi đã nghỉ ở nhà lấy chồng”.
Khó khăn là như vậy nhưng đối với các thầy cô trường THCS San Thàng vẫn vô cùng lạc quan, vui vẻ cũng chưa từng bỏ cuộc, vẫn miệt mài đem chữ viết lên bản làng.
Các thầy cô giáo nhà trường tâm sự, ngày 20/11, các thầy cô không cần hoa hay quà, những điểm 9, 10 chính là món quà vô giá, tiếp thêm sức mạnh để các tập thể nhà trường bám bản, mang con chữ đến những thế hệ học sinh kế tiếp.
"Ngày 20/11 năm nào cũng vậy, các em sẽ tặng các thầy cô những điểm 9, điểm 10 hoặc những bông hoa gấp bằng giấy vô cùng dễ thương. Học sinh ở đây vô cùng khó khăn không có những món quà vật chất, còn gì quý hơn khi học sinh của mình ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập”, cô Phạm Bích Nụ - giáo viên bộ môn Sinh - công nghệ cho biết.
Khi được hỏi về cảm giác tủi thân vì nhớ nhà, nhiều thầy cô trường THCS San Thàng đều rạng rỡ nói rằng rất ít. Dù lựa chọn xa quê, cuộc sống những ngày đầu khó khăn để thích ứng với cuộc sống mới nhưng chưa một lần các thầy cô của nhà trường cảm thấy hối hận vì lựa chọn của mình. Trong suy nghĩ của mỗi người, việc mang con chữ đến với bà con nơi đây vừa là công việc vừa là ước vọng mà mỗi thầy cô hướng đến.
Nguyễn Phương Anh