Thầy, cô hối hả lập các bếp ăn “dã chiến”
Trường tiểu học Đắk Pxi ( huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) nơi có những điểm trường nằm giữa đại ngàn, những giáo viên nơi đây đã vượt mọi khó khăn, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp “trồng người”, chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào các dân tộc.
Ngoài giờ dạy chính khóa, trường đã tổ chức dạy thêm, dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh, nhất là các kỹ năng nghe, nói, đọc viết…Các thầy cô đa số ở xa nhà từ 17- 30km, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là những ngày mưa gió. Vì thế, vào những ngày trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày, thầy cô giáo đều ở lại trường.
Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, căn nhà kho nhỏ của các điểm trường chính là “bếp ăn bán trú” tự chế của của những người thầy.
Chia sẻ với Đời sống & Pháp luật về bữa cơm trưa, ông Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào những ngày thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, đa số các thầy cô giáo đều ở lại các điểm trường. Các bữa ăn đều do các thầy cô góp gạo, nấu cơm ngay tại trường.
Bữa ăn của các thầy cô là cá khô, lá mì, rau bép, hay vài miếng thịt kho nấu vội sau giờ nghỉ trưa. Tất cả dùng trong vội vàng, để lấy sức cho buổi chiều lên lớp.
Trong căn bếp nhỏ, còn nhiều thiếu thốn, thầy cô ngồi kề cạnh bên nhau sau giờ giảng trên lớp với những câu chuyện xoay quanh bài giảng, học trò. Theo tìm hiểu, bữa ăn của những thầy cô giáo nơi đây dao động từ khoảng 17.000 - 20.000 VNĐ/người.
Một giáo viên nhà trường cho biết, các thầy cô gần chợ sẽ đi chợ từ sáng sớm. Khi giờ học kết thúc, mọi người cùng nhau phân chia công việc. Người thì xắn tay áo nấu cơm, người thì lặt rau, người thì dọn dẹp. Chỉ khoảng 30 phút, bữa cơm trưa đã có thể bắt đầu.
Tại một điểm trường mầm non xã Đắk Pxi, khi con trẻ ngon giấc, cũng là lúc bữa cơm của cô giáo mầm non bắt đầu. Bữa ăn của các cô là ít rau luộc, đậu rán được chế biến nhanh chóng tại bếp ăn “dã chiến”. Các cô đa số ở xa nhà nên kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu, chăm sóc trẻ vào giấc trưa.
Gian nan hành trình vận động học sinh đến lớp
Dưới tiết trời nắng gay gắt hay những ngày mưa, giáo viên các điểm trường ở Đắk Pxi đều đến các bản làng từ sớm, gặp phụ huynh và học sinh để nhắc các em đến lớp chuyên cần.
Vào mùa cà phê, tình trạng học sinh ra lớp không đều luôn là nỗi lo của những người làm công tác giáo dục nơi đây. Có những em học sinh nghỉ học theo bố mẹ đi hái cà để kiếm thêm thu nhập hay có em ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm.
Trong quá trình học sinh đi học các em cũng rất hay nghỉ học vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh đi làm xa không quản lý được các em nên đôi lúc nghỉ, cho nên giáo viên chủ nhiệm đến nhà các em để vận động cho các em đi học, mong các em biết cái chữ.
Một nữ giáo viên của trường tiểu học Đắk Pxi chia sẻ: "Các học sinh cũng như chính con mình vậy, nếu đi học không đầy đủ các em không biết đọc, biết viết thì thương lắm! Trong quá trình đi dạy thầy cô nhà trường thường xuyên đến nhà vận động các em, cuối cùng vận động các em cũng ra lớp đi học chuyên cần hơn”.
Được biết, trường tiểu học Đắk Pxi có nhiều học sinh gia đình khó khăn. Trường có những sáng kiến kêu gọi giáo viên, rồi người thân giáo viên có điều kiện tốt hơn, người thì góp quần áo, người thì góp sách vở, người thì góp giày dép để hỗ trợ cho học sinh đặc biệt khó khăn.
Từ sự quan tâm đầy tình yêu thương của các thầy cô giáo đối với các em học sinh, trường Tiểu học Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum luôn duy trì tốt tỷ lệ học sinh chuyên cần. Thông qua việc làm của các thầy cô cũng có tác động rất tích cực đến cha mẹ học sinh trong việc chăm lo tới việc học hành của các con.
XEM THÊM: Cô giáo vùng xa tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"
Ngày nhà giáo Việt Nam, những người lái đò thầm lặng không hoa, cũng chẳng quà nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của những người thầy nơi vùng khó Đắk Pxi là học trò đến lớp chuyên cần, là niềm mong phụ huynh được vụ mùa bội thu.
Thục Hiền