Đến với nghề như một cái duyên
Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Chu Thị Minh Tuyết - giáo viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý giáo dục Khánh Anh (Hà Nội) thi vào ngành giáo dục đặc biệt và gắn bó với công việc dạy dỗ trẻ đặc biệt từ đó đến nay.
“Tôi bắt đầu công việc này từ tháng 9/2007. Thực ra cũng là cái duyên vì mơ ước ban đầu của tôi là giáo viên mầm non nhưng đáng tiếc lúc thi lại thiếu điểm. Năm sau thi lại, tôi thấy trường có ngành mới nên đăng ký học rồi theo từ đó đến giờ.
Ban đầu gia đình cũng lo tôi sẽ rất vất vả bởi mọi người nghĩ các bé khuyết tật không thể tự phục vụ bản thân, ngơ ngác và không biết gì. Bố mẹ lúc đầu không thích lắm nhưng tôi quyết tâm theo và thuyết phục dần dần, cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý”, cô Tuyết chia sẻ.
Tới tận bây giờ, cô Tuyết vẫn nhớ như in cảm xúc trong ngày đầu đi làm. Cô kể: “Tôi được phó giám đốc trung tâm dẫn đi tham quan trường. Lúc đi qua những lớp lớn, tôi có chút choáng và sợ vì tôi rất nhỏ bé, thậm chí còn bé hơn học sinh, nên lo lắng không biết mình có thể hoàn thành được công việc hay không.
Đến khi bắt đầu đi làm, rất may tôi được phân vào lớp nhỏ, làm việc với các trẻ nhỏ, can thiệp sớm, dần dần không còn sợ nữa. Những ngày đầu thì sợ thật, cũng mất ăn mất ngủ”.
Thời gian gần 20 năm theo nghề đã mang đến cho cô Tuyết nhiều kỷ niệm khó quên với các học sinh, trong đó có câu chuyện về cô bé đáng yêu mà cô dạy dỗ, chăm lo như con mình trong suốt 5 năm. Đến nay, gia đình học sinh này và cô Tuyết vẫn giữ liên lạc với nhau.
“Cô trò quý nhau, bố mẹ cũng rất quý cô. Cuối tuần, tôi hay cho bé về nhà mình chơi. Chỉ những ngày trong tuần bé về nhà với bố mẹ. Bé thậm chí không thích về nhà cùng bố mẹ mà muốn đến nhà cô chơi. Thực sự tôi rất quý bé”, cô Tuyết bộc bạch.
Còn với cô Phạm Thùy Trang - giáo viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý giáo dục Khánh Anh, mỗi em bé đến với cô đều là một kỷ niệm đẹp.
Nữ giáo viên cho hay: “Đó là những lần chỉ tay đầu tiên, những âm thanh “a” đầu tiên của bé, hoặc chứng kiến lần đầu tiên phụ huynh được nghe thấy con gọi “mẹ”, hay nhìn các em bé mình dạy học và tham gia môi trường hòa nhập”.
Cô Trang vẫn nhớ khoảng thời gian các trường học và trung tâm buộc phải đóng cửa do dịch COVID-19 bùng phát, cô luôn đau đáu suy nghĩ liệu 6 trẻ mà cô phụ trách nếu không học thì sẽ ra sao vì bỏ lỡ 1 ngày can thiệp là bỏ lỡ tới 1.000 cơ hội của trẻ. Lo lắng cho học trò, cô Trang quyết định đến nhà từng bé để dạy.
“Thời điểm đó, tôi di chuyển gần 50km/ngày bằng xe máy, dù nắng hay mưa bão cũng đi đến nhà từng bé. Ngày nào cũng từ Xã Đàn về Đông La, rồi vòng lên chợ Long Biên, sau đó lại vòng về Vạn Phúc, Hà Đông. Trưa cũng không có thời gian ăn. Tôi nhớ sáng chạy ra mua 1 túi bánh mì gối 10.000 để cầm hơi cả ngày. Vì mất rất nhiều thời gian di chuyển, ôm 1 bao tải đổ chơi.
Đến tận nhà dạy các bé cũng là một trải nghiệm khá hay. Tôi được tiếp xúc với những người chăm sóc các bé và làm tư tưởng, tâm lý cho phụ huynh rất nhiều, cũng hỗ trợ được các bé rất nhiều các kĩ năng trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Thời gian đó các bé tôi phụ trách cũng khá tiến bộ, có bạn sau đợt dịch có thể học mầm non hòa nhập lại khá ổn”, cô Trang nhớ lại.
Nhiều áp lực nhưng vẫn muốn gắn bó vì “yêu và thương”
Vấn đề phụ huynh chưa thật sự thấu hiểu con mình là một khó khăn đối với cô Trang. Có những phụ huynh rất tuyệt vời, sẵn sàng chấp nhận và đồng hành cùng con và giáo viên, nhưng cũng có những phụ huynh vì đặt quá nhiều sự kỳ vọng vào con mà luôn đưa ra những yêu cầu quá khả năng của trẻ.
Những yêu cầu của phụ huynh vô hình chung tạo thành áp lực, khiến giáo viên cũng cảm thấy rất căng thẳng. Cô Trang đã phải mất rất nhiều thời gian và tâm tư để thuyết phục phụ huynh hiểu con hơn, giúp họ hiểu có rất nhiều cơ hội khác, những con đường khác phù hợp với khả năng của trẻ và sự hy vọng này của phụ huynh đang vô tình gây sức ép cho chính các con của họ.
Trở thành giáo viên dạy các trẻ đặc biệt, cô Trang cũng phải hi sinh rất nhiều thời gian của gia đình cho công việc. Đôi khi, cô thấy chông chênh và khó cân bằng cuộc sống vì gia đình nhỏ của mình không được quan tâm.
“Tôi rất yêu gia đình của mình nhưng khi quá tập trung vào công việc, học hành để phát triển bản thân, tôi hầu như không còn thời gian cho chồng, con gái nhỏ và gia đình hai bên. Vợ chồng tôi từng khá căng thẳng khi tôi bị áp lực quá, về nhà không nói gì chỉ im lặng. Mối quan hệ của chúng tôi đã có những rạn nứt.
Những lúc đứng trước nguy cơ mất gia đình, tôi thật sự muốn gác lại công việc. Sau những lần như thế, tôi tự sốc lại tinh thần và cố gắng cân bằng. Tôi cũng may mắn vì mọi chuyện chưa đi quá xa”, cô Trang bộc bạch.
Được biết, cô Trang cũng từng phải đối mặt với sự phản đối nhiều lần từ bố mẹ khi quyết định theo nghề này. Tốt nghiệp đại học năm 2013, cô được bố mẹ sắp xếp một công việc ổn định, với định hướng lâu dài về việc học lên tiếp. Thế nhưng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, cô đã thích làm việc với trẻ em. Được bạn thân động viên và ủng hộ đi học tiếp, cô Trang đã giấu bố mẹ thi vào khoa Giáo dục đặc biệt của trường Cao đẳng Sư phạm trung ương.
Trong quá trình học, được các thầy cô của trường giảng dạy, đi thực tập tại các trường mầm non và cơ sở chuyên biệt, cô Trang thấy các em bé đặc biệt thật sự rất cần hỗ trợ, cần được dạy dỗ nên càng nung nấu quyết tâm học đến cùng. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục thi và học khoa Giáo dục đặc biệt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện tại đang là học viên cao học của trường.
Cô Trang kể: “Ngày tôi cho gia đình biết mình đang theo học ngành này là năm cuối cùng học cao đẳng, bố mẹ tôi rất thất vọng và phản đối rất nhiều lần. Vì bố mẹ tôi hiểu đây là một ngành vô cùng vất vả và áp lực nên rất thương tôi. Bố giận tôi đến nỗi, khi chị Tuyết đến nhà tôi, hai chị em nói chuyện về học sinh của nhau, bố bảo tôi: ‘Đừng mang chuyện của những đứa trẻ này về nhà để nói’. Có lẽ bố rất giận và thất vọng vì bố kỳ vọng ở tôi rất nhiều”.
Công việc rất nhiều áp lực như vậy, áp lực từ sự tiến bộ của các bé, áp lực từ sức ép của phụ huynh, áp lực từ việc phải tiếp tục học hỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy của bản thân và đồng nghiệp nhưng cô Trang khẳng định vẫn muốn tiếp tục phát triển và gắn bó với nghề vì “yêu và thương”.
Cần trau dồi những gì để trở thành giáo viên dạy trẻ đặc biệt giỏi?
Theo chia sẻ của cô Trang, chăm sóc các em bé bình thường cần sự yêu thương, nhẫn nại 1 thì chăm sóc các em bé đặc biệt cần gấp 10 lần, 100 lần như vậy. Các bé cần được hỗ trợ từ những kĩ năng tưởng chừng vô cùng đơn giản cho đến phức tạp, như biết kéo quần, tụt quần khi đi vệ sinh cho đến đi vệ sinh đúng nơi quy định, hay có thể là chờ đợi 1 - 2 giây khi muốn một đồ chơi.
Kể từ khi bắt đầu công việc dạy trẻ đặc biệt cách đây 8 năm, cô Trang đã tiếp xúc với hàng trăm trẻ, mà mỗi bé lại có một tính cách, năng lực riêng. Vì thế, bên cạnh trình độ chuyên môn và sự kiên trì, nhẫn nại, cô Trang cho rằng giáo viên giáo dục đặc biệt đôi khi còn phải sáng tạo hoặc linh động các hoạt động để dạy các bé.
Cô Trang cũng chia sẻ, để trở thành một giáo viên giác dục đặc biệt tốt, hãy tìm đến những nơi đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt chính thống, đồng thời chăm chỉ trau dồi và học hỏi.
“Đừng sợ khó, đừng ngại khổ và đừng ngại lăn lộn, hãy thật nhiệt huyết và kiên trì, giữ cho mình cái tâm sáng và lòng yêu thương trẻ. Vì khi làm nghề này, các bạn sẽ là những người hỗ trợ và trao cơ hội hòa nhập cho các bé đặc biệt, giảm gánh nặng cho gia đình các bé và xã hội, cộng đồng.
Công việc đầu tiên của tôi là ở một trung tâm chuyên biệt lâu đời nhất tại Hà Nội. Mặc dù đã được đi thực hành rất nhiều khi ngồi trên ghế nhà trường nhưng tôi vẫn có chút bỡ ngỡ. Tuy nhiên, cảm giác cũng chỉ thoáng qua. Vì được làm đúng ngành mình thích nên tôi lăn vào học hỏi từ các giáo viên giàu kinh nghiệm tại trung tâm”, cô Trang nói.
So với thời điểm mới vào nghề, cảm xúc của cô Trang ở thời điểm hiện tại thay đổi nhiều, vì cô đứng trên một cương vị khác tại trung tâm của riêng mình. Cô Trang cảm thấy khá áp lực vì vừa phải tự tìm cách học hỏi, vừa lo đào tạo để nâng cao kĩ năng của giáo viên tại trung tâm, vừa phải sát sao chất lượng can thiệp của các bé tại trung tâm, rồi tư vấn, giải đáp cho phụ huynh.
XEM THÊM: Cô giáo vùng xa tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"
Trong khi đó, từ kinh nghiệm của bản thân, cô Tuyết cho rằng sự nhẫn nại và tình yêu trẻ là hai điều cần có đầu tiên nếu muốn trở thành một giáo viên dạy trẻ đặc biệt tốt. Do mỗi đứa trẻ có một cá tính và khả năng khác nhau nên giáo viên cần chuẩn bị kế hoạch riêng cho từng bé.
“Chúng tôi sẽ lên kế hoạch giáo dục cho trẻ 3 tháng/lần, phù hợp với khả năng và tuổi phát triển của từng bé. Mỗi khi lên kế hoạch thì 3 phía gồm quản lý, giáo viên dạy trẻ và phụ huynh cùng ngồi lại để trao đổi về kế hoạch.
Hàng ngày, các giáo viên dạy trẻ theo kế hoạch đó và đến cuối tuần thì đưa ra những nhận xét xem trong tuần cô dạy những gì, con làm được gì và chưa làm được gì, cần gia đình hỗ trợ những gì.
Sau khi hết kế hoạch 3 tháng, các giáo viên cũng phải có tổng kết cho phụ huynh xem con họ đã làm được gì và chưa làm được gì sau 3 tháng, tại sao chưa làm được, rồi lên kế hoạch mới cho bé”, cô Tuyết giải thích rõ hơn về việc lập giáo án dạy các bé đặc biệt tại trung tâm của cô.
Nữ giáo viên tâm sự thêm về việc một số người còn tỏ ra kỳ thị, chưa thấu hiểu cho hoàn cảnh của các bé đặc biệt: “Nghe phụ huynh chia sẻ, thực sự tôi rất thương nhưng không biết làm cách nào để giúp đỡ vì ở trường mầm non hay khu vui chơi là môi trường ngoài, không thuộc phạm vi quản lý của mình nên không thể can thiệp được.
Tôi chỉ biết đưa ra những lời khuyên, động viên và an ủi phụ huynh thôi. Thực sự đôi khi có những hành động kỳ thị, thiếu cảm thông khiến bản thân tôi cũng cảm thấy bất bình, dù chỉ là giáo viên dạy đứa trẻ”.
Tương tự cô Trang, cô Tuyết kiên quyết theo nghề dù có những giai đoạn thực sự rất mệt mỏi, đặc biệt là khi gặp những trường hợp khó mà cô dạy suốt thời gian dài nhưng sự tiến triển của học sinh không như mong đợi. Cô lúc nào cũng đau đáu tìm đủ mọi cách để giúp học trò tiến bộ.
Cô Tuyết cho biết: “Có một trường hợp hiện vẫn đang theo học, tôi hỏi khắp nơi xem có giáo viên nào gặp học sinh giống như vậy hay không, nếu học sinh của họ như vậy thì học sẽ làm thế nào, với hy vọng tìm ra giải pháp giúp bé tiến bộ. Rất may, sau 8 tháng cô trò đồng hành cùng nhau, bé bắt đầu nói được những từ đầu tiên. Lúc đó thực sự không có điều gì vui mừng hơn”.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Tuyết chúc tất cả các giáo viên, chuyên viên làm việc với trẻ đặc biệt nói riêng và các thầy, cô giáo nói chung sức khỏe, luôn luôn cống hiến hết mình cho công việc mà mình đã lựa chọn.
Đinh Kim