Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đồng tình với ý kiến của đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cần phải đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.
Theo báo Thanh Niên, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đề cập tới tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Bên cạnh mặt tích cực là cải thiện đời sống cho một bộ phận giáo viên, hoạt động này ở nhiều nơi đang bị biến tướng, tạo áp lực cả về học tập và kinh tế cho học sinh, phụ huynh.
Ông Huy đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi các quy định liên quan theo hướng sâu sát, hài hòa lợi ích giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên; siết chặt chất lượng giờ học chính khóa, thay đổi tư duy thi cử, "cởi trói" áp lực học hành… Đặc biệt, vị đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tham mưu trình, để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề lớn, xuất phát từ nhu cầu thực tế và cũng rất đa dạng. Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt có Thông tư 17 quy định việc kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường, về những vấn đề quy định trong đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo… cũng đã rất đầy đủ các quy định đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường thì còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý đối với công việc này, theo báo Người lao động.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, bộ đã từng gửi văn bản gửi cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, không rõ lý do tại sao trong quá trình từ năm 2020-2021, việc này đã không được chấp thuận.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đồng tình với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Huy cần phải đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với 53.000 trường học, những gì diễn ra trong môi trường ngoài nhà trường Bộ GD&ĐT mong chính quyền các địa phương trên địa bàn của mình phối hợp để có thể kiểm soát việc này.
XEM THÊM: Đại biểu Quốc hội: Bác sĩ có thể mở phòng khám tư thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong việc xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm ngoài việc Bộ quan tâm đến kiểm tra, giám sát thì các phụ huynh cần phối hợp với nhà trường và ngành giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc đưa con đi học thêm rất nhiều cũng là một phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Có người đem con đến gửi cho cô, nài nỉ cô vừa dạy vừa trông giúp, cũng có trường hợp cha mẹ thấy con đi học 1 ca chưa yên tâm, ngoài giờ học chở con đi học, nghe đâu có thầy tốt là đưa đến ngay hoặc 1 tối học 3, 4, 5 ca cũng tác động đến sự căng thẳng của việc học đối với trẻ em.
Về ý kiến ĐBQH Nguyễn Văn Huy cho rằng có những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì “gợi mở” đề kiểm tra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong đại biểu trong quá trình nghe và thu thập ý kiến của các cử tri thì hỏi giúp cụ thể là trường hợp giáo viên bớt kiến thức để đi dạy thêm xem đấy là ai? người nào? ở đâu? trường nào? để Bộ phối hợp cùng chính quyền địa phương xử lý đến nơi đến chốn.
Hoàng Yên (T/h)