Sau khi đề xuất có chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo được đưa ra tại HT Góp ý các nội dung về chính sách Nhà giáo trong Dự thảo Luật GD, đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này.
Trong hội thảo Góp ý các nội dung về chính sách Nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do cục Nhà giáo, bộ GD&ĐT tổ chức, ông Lê Quán Tần, Phó Chủ tịch hội Cựu giáo chức Việt Nam đã kiến nghị, Việt Nam nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng đảm bảo của giáo viên trong thực tế hành nghề.
Tuy nhiên, ý kiến này được đưa ra đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều do lo lắng việc chồng chéo chứng chỉ, bằng cấp cũng như tính minh bạch của quá trình cấp chứng chỉ nói trên.
Toàn cảnh hội thảo Góp ý các nội dung về chính sách Nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục |
Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên Báo điện tử Người đưa tin, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng: “Chứng chỉ hành nghề, có thực chất giúp chất lượng giáo dục được nâng lên hay không?
Giáo dục Việt Nam vẫn đòi hỏi ở một trình độ nào đó, tốt nghiệp đại học, cần có bồi dưỡng kỹ năng theo tiêu chuẩn nghề nghiệp, dựa vào đó, phân tích chức năng cần có kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ của giáo viên là gì, bám vào khung trình độ quốc gia, để xây dựng. Chúng ta đang tiếp cận sai khái niệm tiêu chuẩn hành nghề.
Thứ hai, hiện nay, chứng chỉ hành nghề giáo viên của Việt Nam chưa có gì đủ làm điều kiện chứng tỏ nâng cao chất lượng của người học, minh chứng phục vụ chất lượng học sinh. Phải xây dựng từ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, đổi mới công tác đào tạo, chương trình đạo tạo bồi dưỡng của các trường đào tạo sư phạm, đào tạo lý thuyết giỏi chưa chắc thực hành đã thạo. Cũng như khi đi học lái xe mà chỉ tiếp cận lý thuyết, có khi vẫn không lái được. Giáo viên cũng cần kỹ năng, thao tác nghiệp vụ, dựa theo khung trình độ quốc gia, phân ra các chuẩn trung cấp, cao đẳng, đại học…
Điều cuối cùng, cũng nên lưu ý, hệ thống tại Việt Nam còn bất cập, mới chỉ yêu cầu giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh B1, B2 thôi đã tạo một thị trường hết sức sôi động, tấp nập mua bán chứng chỉ. Nhà nước làm phải chú ý tạo điều kiện để giáo viên phải được cải thiện suốt đời, liên tục được cập nhật.
Báo Thanh Niên đưa tin, nhiều giáo viên (GV) đang công tác ở các trường phổ thông công lập tỏ ra ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao lại phải có chứng chỉ hành nghề sư phạm.
Giáo viên khi đứng lớp chịu sự quản lý cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, việc có thêm chứng chỉ hành nghề sư phạm là việc làm không cần thiết, vừa gây tốn kém cho xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho cơ chế tham nhũng phát sinh và những vấn đề tiêu cực khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận liên tiếp chứng kiến hàng loạt những vụ lùm xùm của ngành giáo dục, từ giáo viên quỳ gối xin lỗi, cô giáo không giảng bài và mới đây nhất là cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng...
Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng giảng dạy cũng như tư cách đạo đức nhà giáo là việc làm cần thiết. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm: Với điều kiện ở VN, nếu chưa thực hiện được việc cấp chứng chỉ hành nghề như mong muốn thì vẫn rất cần có cách nào đó để kiểm tra, đánh giá định kỳ về đạo đức, năng lực hành nghề của nhà giáo, tránh tình trạng vào được “biên chế” là yên vị. Bằng tốt nghiệp chỉ là chứng chỉ đào tạo, còn chứng chỉ hành nghề lại là việc khác.
Trước khi sinh viên sư phạm ra trường thì nên dùng một năm thực tập của sinh viên để đánh giá về đạo đức và tay nghề. Ai chưa đạt yêu cầu phải kéo dài thêm thời gian đào tạo, thực tập thì mới cấp bằng đào tạo, để bằng này thể hiện được cả hai chức năng là đánh giá quá trình học tập cũng như thử thách trong một thời gian hành nghề nhất định.
Bạch Hiền (t/h)