Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đề xuất gia hạn thêm 15 tháng đối với Chương trình Mở rộng Vệ sinh và Cấp nước Nông thôn dựa trên kết quả.
Đối với đánh giá giữa kỳ (ĐGGK) của Chương trình Mở rộng Vệ sinh và Cấp nước Nông thôn dựa trên kết quả (RB-SupRSWS), mặc dù đã có tiến triển trong việc thực hiện các mục tiêu Chỉ số giải ngân trong giai đoạn 2016, 2017 và đầu 2018, việc thực hiện Chương trình vẫn bị chậm trễ đáng kể, cụ thể do việc phân bổ vốn chậm và chưa kịp thời cho chương trình.
ĐGGK đã thống nhất về việc tái cơ cấu Chương trình, bao gồm: sắp xếp lại mục tiêu DLI cho các tỉnh theo năng lực thực hiện; có thể gia hạn ngày kết thúc chương trình thêm 15 tháng để bù vào thời gian chậm trễ ban đầu; đưa thêm vào một DLI mới để khuyến khích đẩy nhanh hơn dòng vốn; tái cơ cấu DLI về tính bền vững cấp nước nhằm tăng hiệu quả.
Ông Oussmane cho hay, chúng tôi khuyến nghị rằng Bộ NN-PTNT hợp tác chặt chẽ với Bộ KHĐT và Bộ TC để đẩy nhanh việc thực hiện các bước cho tái cơ cấu, để việc thực hiện chương trình có thể cải thiện vào đầu năm 2019. Một điều quan trọng tương đương là Bộ NN-PTNT nỗ lực để bảo đảm được phân bổ ngân sách cho chương trình năm 2019, bao gồm cả vốn thường xuyên (là mấu chốt cho các hoạt động vệ sinh) và vốn đầu tư.
Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam Trung Bộ (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận).
Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2015, với tổng kinh phí là 225,5 triệu USD, trong đó 200 triệu USD là vốn vay Ngân hàng Thế giới và 25,5 triệu USD là vốn đối ứng.
Mục tiêu của Chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tằng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn thuộc các tỉnh Miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam Trung Bộ.
Nam Anh (t/h)