Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, để áp dụng được hình thức “tù tại gia” cần phải có lộ trình lâu dài và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt phải tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, các ĐBQH thảo luận tổ về dự án luật Thi hành án Hình sự. Trình bày ý kiến về dự thảo luật này, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Tuy nhiên, ý kiến này nhanh chóng nhận được sự tranh luận trái chiều của dư luận. Trong đó, nhiều người băn khoăn không biết nếu hình thức “tù tại gia” được thông qua thì sẽ áp dụng ra sao và xử lý như thế nào? Việc áp dụng hình thức này có khác gì với việc hưởng án treo và ai sẽ là người quản lý phạm nhân?
Bên lề Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM).
Với ý kiến đề xuất “tù tại gia” để giảm quá tải cho trại giam, áp dụng với một số phạm nhân mức án nhẹ, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói: “Tôi thấy, đây là một đề xuất đáng chú ý. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, các nhà giam của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải, nó cũng phù hợp với hiến pháp năm 2013 đó là đề cao quyền con người để việc cải tạo giúp phạm nhân thực sự nhìn được lỗi lầm của mình, sau đó tái hòa nhập cộng đồng.
Nhưng, theo tôi để áp dụng được đề xuất này có lẽ chúng ta cần có lộ trình và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt phải tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai. Ngoài ra, cũng cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng này như thế nào? Nếu không xem xét, sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực”.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, với hình thức "tù tại gia" nếu không nghiên cứu kỹ sẽ tạo kẽ hở, nảy sinh tiêu cực. |
Nhiều ý kiến cho rằng hình thức “tù tại gia” chẳng khác gì là án treo, phân tích ý kiến này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: ““Tù tại gia” có nhiều điểm tương tự với án treo, như vậy làm cách nào để không có nhầm lẫn giữa hai hình thức trên. Nhìn ở khía cạnh công nghệ của các nước trên thế giới, đó là khi tù nhân không ở trong trại giam sẽ được gắn chip hoặc các phương tiện theo dõi để không được ra khỏi phạm vi cho phép (tương tự án treo). Nhưng, “tù tại gia” thì áp dụng công nghệ là gắn con chip và đây là điểm khác nhau giữa “tù tại gia” với án treo”.
Có thêm một vấn đề nữa đặt ra là nhiều người lo lắng nếu "tù tại gia" được thực hiện thì việc chạy án, giảm các tình tiết phạm tội để được hưởng hình phạt “tù tại gia” sẽ có thể xảy ra. Về vấn đề này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ thêm: “Nếu ở trong tù, cách ly xã hội là hình thức trừng phạt nặng hơn nhiều so với hình thức phạt “tù tại gia”, phạm nhân được ở trong nhà, gặp gỡ người thân, điều kiện sinh hoạt tốt hơn nhiều so với ở trong tù thì chắc sẽ dễ nảy sinh chuyện “có cung có cầu”. Do đó, cần có hình thức quản lý chặt chẽ.
Tôi cho rằng, mục tiêu cao nhất là cần giáo dục để họ không phạm tội. Và đối với những phạm nhân phạm tội phải ở tù, cũng mong rằng tại các trại giam cần đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội ăn năn hối lỗi và sau này sớm tái hòa nhập với cộng đồng”.
Theo Người Đưa Tin