TTXVN đưa tin, trong thông báo trên nền tảng X, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, chính phủ các nước và các đối tác đang tăng cường ứng phó với đợt bùng phát. Ông nêu rõ: “Tôi đang cân nhắc việc triệu tập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ vốn đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hay không. Tuy nhiên, cần thêm kinh phí và hỗ trợ để có phản ứng toàn diện”.
Kenya và Cộng hòa Trung Phi đã tuyên bố bùng phát dịch đậu mùa khỉ mới trong bối cảnh các quan chức y tế châu Phi đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này ở một khu vực thiếu vaccine. Các chuyên gia cho biết chủng virus mới này ước tính có tỷ lệ tử vong là 10%.
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. Bệnh này đã xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi, khi virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.
Trong bài viết trên tạp chí Science mới đây, ông Tedros khẳng định: “Loại virus này có thể ngăn chặn và phải được ngăn chặn bằng các biện pháp y tế công cộng tăng cường, bao gồm giám sát, sự tham gia của cộng đồng, điều trị và triển khai vaccine có mục tiêu cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn”.
Bệnh đậu mùa khỉ đã trở thành mối lo ngại toàn cầu trong đợt bùng phát quốc tế vào năm 2022, chứng kiến căn bệnh này lan rộng đến hơn 100 quốc gia. Tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh, thông tin trên báo Sài Gòn giải phóng.
Bệnh đầu mùa khỉ là gì?
Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do virus gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.
Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.
Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Bệnh đậu mùa khỉ có gây tử vong?
Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Các biến chứng ở bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn, và các vấn đề về mắt. Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động khoảng 1% - 10%. Lưu ý, tỷ lệ tử vong ở các bối cảnh khác nhau có thể khác nhau do nhiều yếu tố, như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ tử vong cao này có thể là do ước tính quá mức bởi vì việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ giới hạn ở số liệu trước đây.