+Aa-
    Zalo

    Bộ Y tế tham vấn ý kiến WHO, chuyên gia về nồng độ cồn nội sinh

    (ĐS&PL) - Bộ Y tế vừa giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh tham vấn ý kiến của WHO, chuyên gia về vấn đề cồn nội sinh.

    Thông tin từ Bộ Y tế, đơn vị vừa giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh, chủ trì phối hợp với các đơn vị, nhà khoa học xác định vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, từ khía cạnh y tế như: vấn đề cồn tự nhiên (nồng độ cồn nội sinh) xuất hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiến phương tiện giao thông.

    Bên cạnh đó, Bộ Y tế giao Vụ Hợp tác quốc tế trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới về kinh nghiệm quốc tế về nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

    TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM) cho biết, cồn (ethanol) là một sản phẩm chuyển hóa được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống bia rượu.

    Việc này được thực hiện chủ yếu do hệ vi sinh đường ruột, với sự tham gia của nhiều loại vi sinh vật, thường có vai trò quan trọng của các loại nấm men.

    Ethanol là sản phẩm chuyển hóa trực tiếp từ acetaldehyde, mà acetaldehyde có nguồn gốc từ đường glucose, là chất chuyển hóa quan trọng nhất giúp tất cả các sinh vật tạo ra năng lượng hoạt động thông qua hô hấp.

    Đặc biệt, khi tiêu thụ thực phẩm có tỷ lệ lớn carbohydrate (giàu carb) thì khả năng chuyển hóa thành ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể cao.

    TS Minh cho hay: "Việc cơ thể sinh ra ethanol tuần hoàn trong máu là rất bình thường, một ngày cơ thể có thể sinh ra 0-20g ethanol tùy thuộc nhiều yếu tố như: nguồn dinh dưỡng (thực phẩm), khả năng hấp thụ, tốc độ chuyển hóa, tốc độ phân hủy, đào thải ethanol và tình trạng bệnh lý".

    Mặc dù vẫn có thể tồn tại trong máu, nhưng những mức này thấp hơn nhiều nồng độ cồn trong máu của một người mới tiêu thụ rượu bia.

    Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0.

    Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

    bo y te hoi y kien who chuyen gia ve nong do con noi sinh
    Ảnh minh hoạ

    Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét lần đầu đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

    Nhiều đại biểu cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp và nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.

    Đặc biệt, một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cân nhắc quy định "cấm người có nồng độ cồn lái xe".

    Đại diện Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá lo ngại về "nồng độ cồn nội sinh", bởi tình huống này rất hy hữu, do bệnh lý hoặc cơ địa của từng người, chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ. Những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kết quả sẽ chính xác tuyệt đối.

    "Khi có ý kiến của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và các chuyên gia về cồn nội sinh, chúng ta sẽ có những kiến nghị, hoặc có thể sửa đổi cho phù hợp", đại diện Bộ Y tế nói.

    Mộc Trà

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-y-te-tham-van-y-kien-who-chuyen-gia-ve-nong-do-con-noi-sinh-a613486.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan